Theo AFP, chính phủ các nước phương Tây đang vận động các nhà sản xuất vũ khí của họ tăng cường sản xuất và bổ sung kho dự trữ đã bị hao hụt đáng kể, do phải hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga kéo dài hơn 6 tháng qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thông báo về cuộc họp với những nhân vật phụ trách về vũ khí của các nước đồng minh nhằm đưa ra những kế hoạch dài hạn hỗ trợ cho Ukraine và củng cố kho vũ khí dự trữ của chính các nước đồng minh.
Phát biểu tại hội nghị Nhóm liên lạc về Ukraine ở Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức, ông Austin nói: "Họ sẽ thảo luận về cách các cơ sở công nghiệp quốc phòng của chúng ta có thể trang bị tốt nhất cho các lực lượng trong tương lai của Ukraine những vũ khí mà họ cần."
Hôm 9/9, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách thu mua và bảo dưỡng vũ khí Bill LaPlante cho biết cuộc họp sẽ diễn ra tại Brussels ngày 28/9 tới.
Phát biểu với báo giới tại Lầu Năm Góc, ông LaPlante nêu rõ: "Mục tiêu là xác định cách chúng ta có thể tiếp tục làm việc cùng nhau để tăng cường sản xuất các vũ khí chủ chốt và giải quyết những vấn đề của chuỗi cung ứng cũng như tăng khả năng tương tác và khả năng thay thế lẫn nhau (các hệ thống vũ khí)."
Không phải tất cả thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều có vũ khí giống nhau, song vũ khí của các nước này tương thích với nhau.
Vì vậy, trong NATO, đạn dược do một nước thành viên này sản xuất có thể sử dụng được ở nước thành viên khác.
Khi bắt đầu chiến tranh, quân đội Ukraine chủ yếu sử dụng vũ khí và đạn dược phù hợp với tiêu chuẩn của Nga. Tuy nhiên, trong vòng vài tháng, những vũ khí đó đã cạn kiệt, đặc biệt là pháo, đạn pháo và tên lửa.
Ukraine ngày càng phụ thuộc vào các đồng minh phương Tây với vũ khí tiêu chuẩn của NATO.
Điều này đã làm tiêu hao một lượng lớn đạn dược mà các đồng minh đã cất giữ để phòng vệ. Việc củng cố lại những nguồn cung cấp đó là rất quan trọng./.
(Vietnam+)