Từ ngày 28/8-4/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D (địa chỉ: thôn Tân An, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đăng kiểm Bách Việt.
Sau 4 ngày xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử tuyên án phạt tù đối với 10 bị cáo trong vụ án này.
Bị cáo Ngô Thị Thu Hằng (sinh năm 1976, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đăng kiểm Bách Việt) 17 năm tù; bị cáo Phan Đình Thám (sinh năm 1972, Tổng Giám đốc Công ty) 15 năm tù; bị cáo Phan Trung Hiếu (sinh năm 1976, Phó Giám đốc Công ty) 10 năm tù.
Các bị cáo: Lê Tự Trị (sinh năm 1972, đăng kiểm viên, nguyên Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D) 6 năm tù; Nguyễn Châu Kim Long (sinh năm 1984, đăng kiểm viên, nguyên Giám đốc Trung tâm) 7 năm tù; Phạm Xuân Hưng (sinh năm 1991, đăng kiểm viên, nguyên Giám đốc Trung tâm) 7 năm tù; Võ Quốc Nhiên (sinh năm 1995, đăng kiểm viên Trung tâm) 7 năm tù; Trần Quốc Bảo (sinh năm 1998, nhân viên Trung tâm) 5 năm tù.
Hai bị cáo Nguyễn Thị Phấn (sinh năm 1986, thủ quỹ công ty) và Nguyễn Thị Mỹ Hiền (sinh năm 1988, kế toán Công ty) cùng nhận mức án 2 năm 6 tháng tù.
Ngoài bị phạt tù nêu trên, các bị cáo còn bị phạt tiền bổ sung với mức từ 30-80 triệu đồng và cấm đảm nhiệm có thời hạn các chức vụ liên quan.
Theo cáo trạng, từ ngày 12/10/2020 đến ngày 6/12/2022, Ngô Thị Thu Hằng, Phan Đình Thám, Phan Trung Hiếu, Lê Tự Trị, Nguyễn Châu Kim Long, Phạm Xuân Hưng, Võ Quốc Nhiên, Trần Quốc Bảo, Nguyễn Thị Phấn, Nguyễn Thị Mỹ Hiền và Phạm Văn Hoàn (sinh năm 1987, nhân viên Trung tâm) đã bàn bạc, thống nhất nhận tiền của chủ xe, lái xe để bỏ qua các lỗi vi phạm của phương tiện khi kiểm định, ký cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D.
Thời gian này, có trên 6.200 phương tiện xe cơ giới với trên 13.700 lượt thực hiện đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D.
Khi kiểm tra phát hiện các phương tiện xe cơ giới có khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng, nguy hiểm, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, các đối tượng gặp chủ xe, lái xe thông báo và gợi ý, đề nghị đưa thêm tiền để không cần mang xe đi sửa chữa mà được bỏ qua lỗi rồi cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định.
Số tiền các chủ xe, lái xe phải đưa thêm từ 100.000-400.000 đồng đối với các lỗi liên quan đến đèn, phanh, lốp, khí thải... và từ 1-3 triệu đồng để được bỏ qua các lỗi cơi nới thùng xe, gắn thêm tời kéo, độ thêm cầu xe...
Tổng cộng số tiền Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D đã nhận được của các chủ xe, lái xe hơn 5,3 tỷ đồng. Theo tỷ lệ ăn chia đã thỏa thuận, Ngô Thị Thu Hằng nhận hơn 4,1 tỷ đồng. Số tiền còn lại được Hằng chia cho các đối tượng từ 28 triệu đồng đến 257 triệu đồng/người. Riêng Phan Đình Thám nhận tiền lương hằng tháng và chi phí sinh hoạt hằng ngày do Ngô Thị Thu Hằng trả, trong đó có từ nguồn tiền Hằng được chia. Sau khi bị khởi tố, các bị can trong vụ án này đã nộp lại đầy đủ số tiền thu lợi bất chính để khắc phục hậu quả.
Trước đó, vào tháng 3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố vụ án và khởi tố 11 bị can về tội “nhận hối lộ” theo Điều 354 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D.
Riêng bị can Phạm Văn Hoàn đã bỏ trốn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh ra quyết định truy nã và tách vụ án hình sự đối với hành vi của bị can này để tiếp tục điều tra, truy bắt./.
254 bị cáo đã bị tuyên phạt 11 tội danh, trong đó, hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà lần lượt nhận mức án 25 năm tù giam và 19 năm tù giam.