Ngày 12/5, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Trang (sinh năm 1982, trú tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), Trần Thị Kim Xuân (sinh năm 1981, trú tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), Trần Thị Hường (sinh năm 1975, trú tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), Phan Văn Tánh (sinh năm 1981, trú tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Bùi Hữu Duy (sinh năm 1986, trú tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 174 và Điều 323 Bộ luật Hình sự.
Sau khi nghị án, Hội đồng Xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Trang tù chung thân; Trần Thị Kim Xuân 16 năm tù, Trần Thị Hường 15 năm tù, Phan Văn Tánh 12 năm tù, vì cùng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Bùi Hữu Duy bị phạt 1 năm 6 tháng tù về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 Bộ luật Hình sự.
Các bị cáo trên còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân toàn bộ số tiền đã lừa đảo, chiếm đoạt.
[Triệt phá nhóm đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp ở Đắk Nông]
Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến tháng 1/2022, Nguyễn Thị Mỹ Trang nói với nhiều người tại tỉnh Phú Yên rằng mình có bạn làm việc trong một số công ty, ngân hàng, bảo hiểm xã hội có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng, đang cần huy động vốn. Người góp vốn và đóng bảo hiểm sẽ được các công ty trả lợi nhuận cao và bán sản phẩm (bia) giá rẻ, ưu tiên cho người góp vốn trong công ty.
Để tạo niềm tin nhằm chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Thị Mỹ Trang đã bàn bạc và yêu cầu Trần Thị Kim Xuân, Trần Thị Hường, Phan Văn Tánh sử dụng tên giả, đóng vai nhân viên, người có chức vụ tại các công ty, ngân hàng, bảo hiểm xã hội để thường xuyên liên lạc với các nạn nhân nhằm xác nhận các công ty, dự án của Trang là đúng sự thật và hối thúc đưa tài sản cho Trang.
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN phát)
Tổng cộng 6 người đã tin tưởng đưa tài sản cho Trang để góp vốn, đóng bảo hiểm với số tiền trên 21,6 tỷ đồng; trong đó người ít nhất trên 1 tỷ đồng, người nhiều nhất trên 8 tỷ đồng.
Có trường hợp nạn nhân sau khi chuyển tiền trong một thời gian dài mới nghi ngờ bị lừa đảo, nhưng khi đòi tiền thì Trang chỉ đạo đồng bọn tiếp tục điện thoại dụ dỗ, hứa hẹn, cam kết sẽ giải quyết ổn thỏa và cảnh báo nếu trình báo cơ quan chức năng can thiệp sẽ bị mất vốn.
Sau khi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân, Trang đã sử dụng tiền để trả nợ và tiêu xài; đồng thời chia cho Xuân 150 triệu đồng, Hường gần 194 triệu đồng, Tánh 36 triệu đồng.
Riêng Bùi Hữu Duy (sống chung với Trần Thị Hường như vợ chồng, biết Trang và Hường nhiều lần bàn bạc, gọi điện thoại lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân) được Trang chia cho 47 triệu đồng để cùng Hường tiêu xài./.
Tường Quân (TTXVN/Vietnam)