Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Mỹ-Hàn, hay còn gọi là KORUS, có hiệu lực từ ngày 15/3/2012. Hiện hai bên đang phải tiến hành đàm phán để sửa đổi FTA này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi KORUS là “thỏa thuận kinh khủng” bởi sự mất cân bằng thương mại lớn của Mỹ với Hàn Quốc.
Theo ông Fatheree, có một số lĩnh vực trong thỏa thuận chưa được thực thi một cách đầy đủ nhất trong 5 năm qua. Do đó, Mỹ và Hàn Quốc đang phối hợp với các bên liên quan xác định một số lĩnh vực cụ thể để báo cáo, từ đó sẽ tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn đọng nhằm đảm bảo KORUS được thực hiện đầy đủ và theo đúng tinh thần của hiệp định.
Ông James cho biết lĩnh vực hải quan, thiết bị y tế và dược phẩm là những chủ đề ưu tiên sẽ đưa ra thảo luận tại các cuộc đàm phán. Bên cạnh đó, lĩnh vực ôtô cần được hoàn thiện do các rào cản phi thuế quan và những quy định không minh bạch đang hạn chế hoạt động thương mại.
Giá trị xuất khẩu ôtô của Mỹ sang Hàn Quốc đạt chưa đầy 4 triệu USD trong năm 2012, hiện đã tăng lên trên 1,6 tỷ USD. Trong lúc giá trị xuất khẩu ôtô từ Hàn Quốc sang Mỹ cao gấp nhiều lần, do đó chính quyền Mỹ chú trọng vào vấn đề thâm hụt thương mại trong lĩnh vực ôtô. Tuy nhiên, kể từ khi KORUS có hiệu lực, hoạt động xuất khẩu nông sản, hàng hóa công nghiệp và dịch vụ của Mỹ đều tăng. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Mỹ.
Ông Fatheree nhận định FTA song phương đã và đang tạo điều kiện cho hàng hóa Mỹ giữ được khả năng cạnh tranh tại Hàn Quốc vào thời điểm nền kinh tế nước này suy yếu. Tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc đã tụt từ mức 3,7% trong năm 2011 xuống còn 2,8% vào năm 2016, do nhu cầu trong nước yếu, ảnh hưởng đến nhập khẩu. Ngược lại, nhịp độ tăng trưởng của Mỹ ở trong biên độ 1,5-2,5% và nhu cầu trong nước tăng lên, qua đó thúc đẩy nhập khẩu.
Kết quả là Mỹ bị thâm hụt thương mại với quốc gia Đông Bắc Á này. Nhưng các chuyên gia cho rằng thâm hụt thương mại bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô, như tốc độ tăng trưởng tương đối ở mỗi quốc gia, chứ không đơn thuần là do KORUS./.