Phóng hai tên lửa hành trình, Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì tới Mỹ? 

(ĐCSVN) – Ngày 24/3, truyền thông nước ngoài dẫn một số nguồn tin cho biết Triều Tiên đã phóng hai tên lửa hành trình tầm ngắn ngoài khơi bờ biển Hoàng Hải vào ngày 21/3.
Phóng hai tên lửa hành trình, Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì tới Mỹ?

Việc Hàn Quốc và Mỹ không công bố ngay lập tức thông tin về vụ phóng đã cho thấy hai đồng minh không “đặt nặng” vấn đề này. Tuy nhiên, việc Bình Nhưỡng thực hiện vụ phóng tên lửa sau 1 năm “yên ắng” được xem là “phép thử” đầu tiên đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ sau khi nhậm chức.

“Phép thử” đầu tiên đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden?

Hãng thông tấn Yonhap dẫn tin từ một quan chức thuộc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) khẳng định họ đã phát hiện được 2 vật thể nghi là tên lửa hành trình do Triều Tiên bắn đi từ khu vực cảng phía Tây quận Onchon vào sáng sớm 21/3. Quan chức này từ chối tiết lộ chi tiết  chính xác về chủng loại, tầm bắn và hành trình bay của thiết bị do Triều Tiên phóng đi vào cuối tuần trước, song cho biết thêm rằng, các nhà chức trách của Mỹ và Hàn Quốc đang phân tích kỹ lưỡng và giám sát mọi diễn biến liên quan. Cũng theo nguồn tin từ JCS thì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã không giám sát vụ phóng tên lửa.

Trong nội dung đăng trên Facebook, Nghị sỹ Ha Tae-keung thuộc đảng Quyền lực Nhân dân đối lập chính tại Hàn Quốc (PPP) cho biết, các vụ phóng thiết bị được Triều Tiên thực hiện vào khoảng 6 giờ 36 phút sáng ngày 21/3. Ông Ha Tae-keung khẳng định, Hàn Quốc và Mỹ đã nắm được thông tin về các vụ phóng, song quyết định chưa công khai mà chỉ duy trì trạng thái sẵn sàng và giám sát chặt chẽ các động thái quân sự từ Triều Tiên.

Cùng ngày, các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn mới đây không vi phạm các nghị quyết của cơ quan quyền lực Liên hợp quốc và gọi đây là một phần của sự "thử nghiệm vũ khí thông thường". Trong cuộc họp báo trực tuyến, một quan chức chính quyền Mỹ cấp cao nêu rõ: "Chúng tôi cho rằng hoạt động quân sự cuối tuần qua của Triều Tiên không bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo. Đó là một phần bình thường của việc thử nghiệm vũ khí mà Triều Tiên sẽ làm. Chúng tôi không cho rằng việc thổi phồng những điều này là vì lợi ích lớn nhất của chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Chúng tôi sẽ coi những hoạt động này là một phần bình thường trong một môi trường quân sự căng thẳng như chúng ta thấy trên Bán đảo Triều Tiên".

Phát biểu từ chuyên cơ Không lực Một khi trên đường tới Washington để quảng bá về Kế hoạch giải cứu nước Mỹ, Tổng thống J.Biden cho biết, ông đã nắm được thông tin về các vụ phóng thử vũ khí của Triều Tiên. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Nhà Trắng thì “mọi thứ không có gì thay đổi” và ông không coi hành động trên là một “sự khiêu khích” từ Triều Tiên.

Các vụ phóng vũ khí do Triều Tiên thực hiện vào cuối tuần trước là vụ thử tên lửa đầu tiên của nước này từ ngày 14/4/2020 – thời điểm Triều Tiên phóng một loạt tên lửa hành trình tầm ngắn về vùng biển phía Đông trước dịp sinh nhật của nhà sáng lập nước Kim Nhật Thành và cuộc Tổng tuyển cử tại Hàn Quốc. Các loại thiết bị được Triều Tiên sử dụng trong vụ phóng này là Tên lửa phòng thủ bờ biển Kumsong-3 (Mỹ gọi là tên lửa KN-19), từ thị trấn bờ biển phía Đông Muncheon và bay được khoảng 150 km trước khi rơi xuống vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên.

Yonhap dẫn một nguồn tin quân sự khẳng định, các vụ phóng tên lửa do Triều Tiên thực hiện vào cuối tuần trước là một phần trong cuộc tập trận quân sự mùa Đông và không cần giải thích gì thêm về diễn biến này. Theo thường lệ, vào tháng 12 hàng năm, Triều Tiên sẽ tiến hành các cuộc tập trận mùa đông và kéo dài tới tháng 3 năm sau.

Ngày 24/3, các hãng truyền thông Mỹ như tờ Washington Post và ABC News đã đưa tin về vụ phóng tên lửa tầm ngắn do Triều Tiên thực hiện vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, cả hai hãng tin này đều không đề cập cụ thể chủng loại và điểm rơi của tên lửa.

Trong cuộc họp báo ngày 23/3, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby đã từ chối bình luận về các báo cáo liên quan tới vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

 Triều Tiên muốn Mỹ từ bỏ chính sách thù địch

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) xác nhận thông tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào sáng 24/3. (Ảnh cắt từ bản tin Yonhap) 

Động thái trên của Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm Hàn Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, với kết quả là đạt được đồng thuận với các quan chức cấp cao nước chủ nhà về tiếp tục phối hợp chặt chẽ và đặt việc giải quyết các vấn đề tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên lên ưu tiên hàng đầu.

Được biết, hiện Mỹ đang lên kế hoạch triệu tập một cuộc họp an ninh với các đồng minh Hàn Quốc và Hàn Quốc nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Triều Tiên.

Không giống tên lửa đạn đạo, việc phóng tên lửa hành trình không thuộc diện cấm trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Triều Tiên đã dừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa từ cuối năm 2017.

Theo giới phân tích, tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn tên lửa hành trình cùng kích cỡ, song lại có thể bay xa hơn. Tên lửa đạn đạo cũng có khả năng đe dọa lớn hơn khi được thiết kế để mang theo vũ khí hạt nhân.Tuy nhiên, tên lửa hành trình lướt trên biển từ độ cao thấp rất khó bị phát hiện và có tỷ lệ bắn trúng cao vì sử dụng động cơ điểm tham chiếu, cho phép vũ khí tự định hướng khi bay và đánh trúng mục tiêu.

Việc Triều Tiên sử dụng tên lửa hành trình thay vì tên lửa tên lửa đạn đạo trong các vụ phóng thực hiện vào cuối tuần trước cũng được đánh giá là một sự “dò xét nhẹ nhàng”, vừa nhằm phát thông điệp cảnh báo tới Mỹ và Hàn Quốc, trong khi vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, trong các cuộc diễu binh gần đây, Triều Tiên đã trình làng các tên lửa hành trình mới và có thể vào cuối tuần trước, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm các loại tên lửa này.

Trước đó, ngày 18/3, thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên Choe Son-hui đã khẳng định nước này chỉ nối lại các cuộc đối thoại và tiếp xúc với Mỹ với điều kiện bên thứ 2 từ bỏ chính sách thù địch nhằm vào Bình Nhưỡng.

“Việc thiết lập một bầu không khí cho phép đôi bên có thể trao đổi lý lẽ dựa trên cơ sở bình đẳng là điều kiện để nối lại đối thoại” – tuyên bố của bà Choe Son-hui nêu rõ./.

 
Thu Lan
211 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1104
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1104
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87147573