Trong tuyên bố ngày 16/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết mức tiêu thụ khí đốt ở nước này đang ở mức cao kỷ lục, song Moskva vẫn sẵn sàng tăng lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu nếu được đề nghị.
Trả lời giới truyền thông, ông Novak khẳng định trong năm nay, lượng khí đốt tiêu thụ tại Nga đã tăng lên mức kỷ lục mà nguyên nhân là nhu cầu tăng cao phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều này không ảnh hưởng đến việc Nga cung cấp bổ sung khí đốt cho châu Âu nếu Moskva nhận được đề nghị hỗ trợ.
Ông Novak không đề cập lượng dự trữ khí đốt của Nga, song ước tính các kho dự trữ ngầm của châu Âu đang thiếu khoảng 25 tỷ m3 khí đốt.
["Nga sẵn sàng hỗ trợ châu Âu vượt qua khủng hoảng năng lượng"]
Nga lâu nay vẫn là nước sản xuất và xuất khẩu khí đốt cho châu Âu. Nước này mới đây thông báo cần bổ sung khí đốt cho các kho dự trữ của nước này trước khi bổ sung khí đốt cho thị trường châu Âu. Dự kiến, Nga sẽ hoàn tất việc bổ sung khí đốt cho các kho dự trữ nội địa vào cuối tháng 10 này.
Giá điện tại các nước Liên minh châu Âu đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng gần 800%, làm dấy lên lo ngại giá cả leo thang có thể gây bất ổn cho nền kinh tế khu vực.
Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Tám tại các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 3% - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, kèm theo lạm phát tăng. Tình trạng thiếu khí đốt đã khiến 10 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản kể từ đầu tháng Tám.
Cuộc khủng hoảng khí đốt cũng khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng năng lượng lao đao khi phải đóng cửa nhà máy hoặc hạn chế sản lượng. Điều này có nguy cơ khiến chi phí sản xuất cũng tăng theo, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát toàn cầu./.
Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)