Ngày 4/6, hàng chục người ủng hộ phe đối lập đã xuống đường ở thủ đô Tunis của Tunisia để phản đối việc bắt đầu các cuộc thảo luận về một Hiến pháp mới, một động thái mà họ coi là nỗ lực củng cố quyền lực của Tổng thống Kais Saied.
Năm ngoái, Tổng thống Saied đã giải tán Quốc hội và bắt đầu cai trị bằng sắc lệnh, trong một động thái mà các đối thủ của ông cho là một cuộc đảo chính. Tuy nhiên, ông khẳng định điều này là cần thiết để cứu Tunisia sau một "thập kỷ đổ nát."
Tổng thống Saied, người cũng đã thay thế Hội đồng Tư pháp Tối cao và Ủy ban Bầu cử, cam kết tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 25/7 để bỏ phiếu về Hiến pháp mới và các cuộc thảo luận về việc này đã bắt đầu ở Carthage hôm 4/6.
Tuy nhiên, ông đã loại trừ tất cả các đảng chính trị chính, bao gồm đảng Ennahda Hồi giáo và Đảng Cư trú Tự do - hai đảng lớn nhất trong cả nước.
[Liên đoàn Lao động Tunisia từ chối cuộc đối thoại của tổng thống]
Liên đoàn Lao động của Tunisia (UGTT) cũng đã từ chối tham gia các cuộc thảo luận.
Hàng chục người ủng hộ các đảng Ettakatol, Attayar, đảng Công nhân và đảng Cộng hòa đã xuống đường ở thủ đô Tunis hôm 4/6 và nói rằng các cuộc thảo luận ở Carthage là bất hợp pháp.
Cảnh sát đã ngăn không cho những người biểu tình, bao gồm cả một số lãnh đạo đảng, đến trụ sở của Ủy ban Bầu cử.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 4/6, một thẩm phán cho biết các thẩm phán Tunisia sẽ đình công tại các tòa án trong một tuần và tổ chức một cuộc họp để phản đối việc Tổng thống nước này sa thải hàng chục thẩm phán.
Trong tuần này, Tổng thống Kais Saied đã cách chức 57 thẩm phán, cáo buộc họ tham nhũng và bảo vệ những kẻ khủng bố trong một cuộc thanh trừng ngành tư pháp - bước đi mới nhất của ông nhằm thắt chặt quyền lực ở Tunisia.
Thẩm phán Hammadi Rahmani cho biết trong một cuộc họp cùng ngày, các thẩm phán đã bỏ phiếu nhất trí đình công ở tất cả các tòa án và bắt đầu biểu tình./.
(Vietnam+)