Phạt tù 11 bị cáo trong vụ lập khống dự án trồng rừng, chiếm đoạt hơn 863 tỷ đồng 

Sau 1 tuần mở phiên tòa xét xử, sáng 18/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 11 bị cáo trong vụ án lập khống dự án trồng rừng ở Nghệ An để chiếm đoạt hơn 863 tỷ đồng.
Phạt tù 11 bị cáo trong vụ lập khống dự án trồng rừng, chiếm đoạt hơn 863 tỷ đồng

11 bị cáo gồm: Trịnh Khánh Hồng (sinh năm 1967, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Hồng - Công ty Tân Hồng) bị tuyên phạt 20 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt chung cho hai tội danh là tù chung thân; h bị cáo Đỗ Đức Hưng (sinh năm 1956, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Agribank, Chi nhánh Hồng Hà) bị phạt 23 năm tù, Trương Đăng Dần (sinh năm 1974, nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Agribank Chi nhánh Hồng Hà) bị phạt 12 năm tù về cùng 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng”; guyễn Văn Mạnh (sinh năm 1963, Kế toán trưởng Công ty Tân Hồng) bị tuyên phạt 11 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo: Đỗ Thị Minh Hiền (sinh năm 1968, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Agribank Chi nhánh Hồng Hà), Đinh Văn Hải (sinh năm 1972, nguyên Giám đốc Công ty Đức Hùng), Trần Hữu Tuân (sinh năm 1974, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giang Linh), Nguyễn Thị Mỹ (sinh năm 1974, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thái An) và Đỗ Hữu Bách (sinh năm 1973, nguyên Giám đốc Công ty Đức Hùng) bị tuyên phạt các mức án từ 5 đến 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng chung tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng”, hai cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh Hồng Hà là Nguyễn Văn Thúy bị phạt 6 năm tù và Đinh Minh Đạo bị phạt 3 năm tù nhưng được hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng. 

Theo cáo trạng, năm 2009, xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và chủ trương, chính sách của UBND tỉnh Nghệ An, của Agribank Việt Nam, Trịnh Khánh Hồng với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hồng đã lập dự án, lập hồ sơ vay vốn 20,5 triệu USD (tương đương hơn 380 tỷ đồng) của Ngân hàng Agribank để trồng rừng nguyên liệu. Tuy nhiên khi đã vay được vốn, Hồng không thực hiện dự án mà sử dụng vào mục đích riêng. Để che giấu hành vi, Hồng đã gian dối, tạo dựng ra 965 chứng từ chi tiền khống cho các hộ dân để trồng rừng. Đến nay, Hồng không còn khả năng thanh toán toàn bộ số tiền hơn 380 tỷ đồng vay của ngân hàng. 

Quá trình hoạt động, do việc đầu tư kinh doanh không hiệu quả, sử dụng vốn trái mục đích dẫn đến khó khăn trong hoạt động tài chính, phát sinh nhiều khoản tiền nợ đến hạn phải trả, để có tiền trả nợ và sử dụng cho mục đích cá nhân, Trịnh Khánh Hồng cùng với sự giúp sức các bị cáo khác trong vụ án đã có hành vi gian dối, sử dụng các chứng thư bảo lãnh không hợp pháp, qua đó chiếm đoạt của các doanh nghiệp hơn 281 tỷ đồng. Đồng thời, Hồng còn cấu kết với một số doanh nghiệp khác lập hồ sơ khống để vay vốn ngân hàng nhằm mục đích trả các khoản nợ cũ, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng. Tổng cộng, Trịnh Khánh Hồng và các đồng phạm đã chiếm đoạt của ngân hàng và đối tác số tiền hơn 863 tỷ đồng. 

Trong vụ án này, 5 bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Chi nhánh Hồng Hà mặc dù biết rõ công ty của Trịnh Khánh Hồng khó khăn về tài chính, không có tiền trả nợ đến hạn nhưng vì mong muốn không phát sinh nợ xấu để không bị kỷ luật nên đã ký các bảo lãnh để Hồng đi huy động vốn lấy tiền trả nợ cho ngân hàng. 
Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội, có thái độ ăn năn hối hận và bày tỏ mong muốn xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt. 

Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cho rằng: Các bị cáo cơ bản đều đã khai nhận hành vi phạm tội của mình, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của các bị cáo và người bị hại khác cũng như phù hợp với các tài liệu truy tố. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử xác định có đủ cơ sở kết tội các bị cáo phạm tội như Viện Kiểm sát quy kết. Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội nên cần phải có hình phạt nghiêm khắc nhằm cảnh cáo, răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung./. 

Theo TTXVN

1420 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1004
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1004
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87158092