Hơn 7 thập kỷ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Nga
Ngược dòng lịch sử, trong suốt quá trình đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô trước đây (Liên bang Nga ngày nay) luôn dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sự đồng tình, ủng hộ, sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình.
Liên Xô là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 30/1/1950, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước sau này.
Quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới sau khi ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga (ngày 16/6/1994), đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ hai nước trong giai đoạn phát triển mới. Cho đến nay, lãnh đạo hai nước vẫn luôn khẳng định Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga là văn kiện lịch sử, có ý nghĩa lớn lao, là biểu tượng khởi đầu cho một giai đoạn mới trong phát triển hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga, tạo ra tiền đề cho việc đưa quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Suốt hơn 30 năm qua, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã không ngừng nỗ lực vun đắp cho tình hữu nghị bền chặt, củng cố và thúc đẩy hợp tác song phương một cách toàn diện trên các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Viktor Chernomyrdin ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga (Moskva, 16/6/1994). (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)
Tiếp sau Hiệp ước về nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga (ngày 16/6/1994), khuôn khổ quan hệ giữa hai nước trong thế kỷ XXI liên tục được nâng lên bằng việc: hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2001; quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2012; năm 2021 hai nước ký Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đến năm 2030; tháng 6/2024 ký Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga.
Đây là những dấu mốc rất quan trọng, đánh dấu sự phát triển trong quan hệ giữa hai nước, thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo và nhân dân hai nước đưa hợp tác song phương ngày càng hiệu quả, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, xứng tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của cả nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Suốt hơn 30 năm qua, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã không ngừng nỗ lực vun đắp cho tình hữu nghị bền chặt, củng cố và thúc đẩy hợp tác song phương một cách toàn diện trên các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi, những thành tựu mà hai nước đạt được trong mỗi giai đoạn đã tạo tiền đề cho những bước phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp theo. Tài sản vô giá có được từ 75 năm hợp tác Việt Nam-Nga là tình hữu nghị truyền thống bền vững và sự tin cậy chính trị cao. Đây là hành trang để hai nước cùng bước tiếp chặng đường mới.
Với nền tảng là tình cảm tốt đẹp giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ chính trị Việt Nam-Nga có độ tin cậy cao, trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, trong đó có cấp cao, diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Gần đây có các chuyến thăm, tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai nước như: Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung thăm Nga (tháng 1/2024); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Putin nhân dịp ông tái đắc cử Tổng thống Nga (tháng 3/2024); Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thăm Nga (tháng 4/2024); Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Petersburg (tháng 6/2024); Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình thăm Nga (tháng 7/2024); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang thăm Nga (tháng 8/2024); Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thăm Nga (tháng 9/2024); Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm Nga và đồng chủ trì Khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Nga (tháng 9/2024); Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Nga và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga (tháng 9/2024); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan (Nga) (tháng 10/2024); Chủ tịch nước Lương Cường gặp Phó Thủ tướng Nga Alexei Overchuk nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2024 tại Lima (Peru) (ngày 15/11/2024)...
Lãnh đạo hai nước Việt Nam-Nga có nhiều chuyến thăm, tiếp xúc trong thời gian qua. (Ảnh: TTXVN)
Về phía Nga có các chuyến thăm Việt Nam của: Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko thăm chính thức, đồng chủ trì Khóa họp 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt-Liên bang Nga (tháng 4/2023); Chủ tịch Đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev thăm chính thức Việt Nam (tháng 5/2023); Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin thăm chính thức Việt Nam (tháng 10/2023); Tổng thống Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam (tháng 6/2024); Tổng thống Nga Putin điện đàm và chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm nhân dịp được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 8/2024)...
Ngoài các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, hai nước cũng duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, thành lập từ năm 1992 và được nâng cấp lên cấp Phó Thủ tướng từ năm 2011; Ủy ban liên Chính phủ họp thường niên. Gần đây nhất Khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Liên bang Nga vừa được tổ chức tại Nga vào tháng 9/2024.
Hai bên phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn phối hợp hành động và xây dựng niềm tin ở châu Á (CICA)...
Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư phát triển năng động
Hợp tác trên nhiều lĩnh vực đa dạng, quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga ngày càng có chiều sâu và đi vào thực chất. Hợp tác kinh tế-thương mại hai nước thời gian qua phát triển năng động. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga tăng nhanh, đặc biệt từ sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực tháng 10/2016.
Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt 3,63 tỷ USD; năm 2024 đạt 4,57 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm điện thoại, điện tử, dệt may, giày dép, nông, thủy, hải sản các loại...; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm than đá, lúa mỳ, sắt thép, phân bón, ôtô, máy móc, thiết bị các loại...
Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 11/2024, phía Nga có 199 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 990 triệu USD, đứng thứ 26/147 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, được thực hiện tại 21/63 địa phương, bao gồm cả khu vực dầu khí ngoài khơi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 16 dự án đầu tư sang Nga còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 1,6 tỷ USD, xếp thứ 4/81 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư, chủ yếu của các dự án Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Dự án chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của Tập đoàn TH tại Nga, một số dự án công nghiệp và bất động sản...
Ngoài ra, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như khoa học-công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, địa phương... ngày càng được mở rộng, trong đó hợp tác khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo giữa hai nước được đẩy mạnh và nâng lên tầm chiến lược.
(Ảnh: TTXVN)
Nga đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều sinh viên Việt Nam nhờ vào các chương trình học bổng và đào tạo chất lượng cao, trong đó có các ngành công nghiệp chủ chốt như năng lượng, dầu khí, khoa học cơ bản.
Hàng chục nghìn cán bộ khoa học, kỹ sư và công nhân kỹ thuật được đào tạo tại Liên bang Nga đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam và là nhân tố tạo cầu nối hữu nghị giữa người dân hai nước. Kể từ năm 2019, Nga đã tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1.000 suất/năm. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Liên bang Nga.
Hợp tác trên nhiều lĩnh vực đa dạng, quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga ngày càng có chiều sâu và đi vào thực chất. Hợp tác kinh tế-thương mại hai nước thời gian qua phát triển năng động.
Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên cũng góp phần tăng thêm sự hiểu biết giữa hai dân tộc và tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực khác. Hai bên tổ chức thường niên và luân phiên Những Ngày Văn hóa tại Việt Nam và Nga. Gần đây nhất Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga đã được tổ chức thành công vào tháng 7/2024.
Hợp tác giữa các địa phương hai nước tiếp tục được duy trì và tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Hiện nay, đã có khoảng 20 cặp quan hệ giữa các địa phương hai nước được thiết lập, đặc biệt giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Moskva, Saint Petersburg...
Cộng đồng người Việt Nam tại Nga hiện có khoảng 60.000 người, luôn gắn bó và coi Nga là quê hương thứ hai của mình. Tại Liên bang Nga đã thành lập các tổ chức của người Việt như Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, Hội doanh nghiệp, Hội Cựu chiến binh, Hội sinh viên tại Moskva, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Y Dược, Hội võ thuật, các Hội đồng hương… Cộng đồng người Việt Nam tại Nga có nhiều đóng góp cho đất nước và sở tại, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga
Với nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong nhiều năm qua, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin vào ngày 14 và 15/1/2025 có ý nghĩa rất quan trọng, diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 30 năm ngày ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga (16/6/1994-16/6/2024) và đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (30/1/1950-30/1/2025). Chuyến thăm sẽ tiếp tục đưa quan hệ hai nước ngày càng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn, cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi, đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Mishustin đến Việt Nam, nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga và chuẩn bị cho các hoạt động quan trọng của quan hệ hai nước trong năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chuyến thăm cho thấy hai nước coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống, thể hiện quyết tâm tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Nga khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy, là ưu tiên quan trọng trong chính sách hướng Đông của Nga và mong muốn đẩy mạnh hợp tác mọi mặt với Việt Nam. Về phần mình, Việt Nam cũng luôn coi Nga là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu.
Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh chuyến thăm khẳng định sự cam kết mạnh mẽ của cả hai bên trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Đây cũng là cơ hội để lãnh đạo hai nước gặp gỡ, thảo luận, thống nhất những vấn đề quan trọng và định hướng chiến lược cho tương lai, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, năng lượng, khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa và quốc phòng an ninh.
Chuyến thăm cũng là dịp để hai bên rà soát, thảo luận và tìm giải pháp cho những tồn tại, vướng mắc trong quan hệ hợp tác song phương, trao đổi về tiến độ thực hiện các dự án hợp tác quan trọng giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp..., cũng như đề ra các biện pháp mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, tạo động lực thúc đẩy quan hệ song phương.
Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định, Việt Nam đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nước Nga cũng đã trải qua gần 1/4 thế kỷ với nhiều sự kiện trọng đại, vượt qua nhiều thử thách và đạt được những mục tiêu lớn đặt ra, tạo cơ sở vững chắc để tiếp tục phát triển.
Trước ngưỡng cửa lịch sử quan trọng, lãnh đạo và nhân dân hai nước đã lựa chọn tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, mở rộng hợp tác thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, phấn đấu nâng tầm hợp tác kinh tế-thương mại tương xứng với quan hệ chính trị. Điều này đáp ứng nguyện vọng và lợi ích phát triển của cả hai nước trong giai đoạn mới.
Với ý chí chính trị của lãnh đạo cấp cao và quyết tâm không lay chuyển của nhân dân hai nước, năm 2025 chắc chắn sẽ là khởi đầu cho giai đoạn phát triển mới của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga./.