Phát triển du lịch sinh thái gắn với đa dạng sinh học 

(QT) - Tỉnh Quảng Trị thuộc khu vực phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ, nằm ở giao điểm của hai hành lang phát triển quan trọng nhất của quốc gia và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng là trục hành lang Bắc- Nam theo Quốc lộ 1A và Hành lang kinh tế Đông-Tây. Quảng Trị là vùng lãnh thổ có tính đa dạng sinh học cao, mang nhiều yếu tố đặc thù, đặc hữu và độc đáo do những yếu tố phát sinh tính đa dạng sinh học có những nét đặc trưng riêng. Cùng với đa dạng sinh học kết hợp với nhiều cảnh quan đẹp là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái phong phú tạo điều kiện để Quảng Trị đẩy mạnh phát triển du lịch.

Quảng Trị có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, mật độ trung bình 0,8-1 km/ km2 . Do đặc điểm địa hình bề ngang hẹp, có dãy Trường Sơn núi cao ở phía Tây nên các sông của Quảng Trị có đặc điểm chung là ngắn và dốc. Toàn tỉnh có 12 con sông lớn nhỏ, tạo thành 4 hệ thống sông chính là Bến Hải, Thạch Hãn và Ô Lâu, Sê Pôn - Sê Băng Hiêng. Cảnh quan các sông đều rất hấp dẫn cả khu vực hạ lưu và thượng nguồn, đặc biệt có nhiều dòng suối có giá trị cảnh quan cao. Hệ thống hồ, đặc biệt là các hồ thủy lợi, thủy điện cũng có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt vào những tháng nắng nóng. Hệ thống các hồ thủy lợi, thủy điện này bao gồm các hồ: Rào Quán, La Ngà, Trúc Kinh, Bảo Đài...

 

Hiện nay trên địa bàn đã thành lập hai Khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn (Khu BTTN Đakrông và Khu BTTN Bắc Hướng Hóa), một Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ và hai Khu bảo vệ cảnh quan (Khu rừng Rú Lịnh và Khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh huyền thoại), ngoài ra còn có Khu rừng đặc dụng trằm Trà Lộc. Khu BTTN Đakrông nằm về phía Nam của huyện Đakrông, là điểm cuối dãy Trường Sơn Bắc hùng vĩ và nằm phía Đông của sông Đakrông. Khu BTTN Đakrông có đa dạng sinh học cao với 4 loại rừng kín thường xanh; có 1.452 loài thực vật bậc cao trong đó có 1.052 loài có ích chiếm 72,48%; khu hệ động vật có 333 loài, trong đó có nhiều loài đặc hữu đang được thế giới quan tâm đó là: Thỏ vằn, vượn Trung Bộ, mang Trường Sơn, chà vá chân nâu, gà lôi lam mào trắng, gà so Trung Bộ, chích chạch má xám...

 

Trong khu bảo tồn còn có nhiều cảnh quan đẹp như hang Dơi, thác Đỗ Quyên, suối A Chò, động Balê... Khu BTTN Bắc Hướng Hoá là khu vực duy nhất của Việt Nam có cả Đông và Tây Trường Sơn với dãy núi cao trên 1.000 m với các đỉnh cao điển hình như: Động Sa Mù (1.550 m), gần đỉnh đèo Sa Mù và động Voi Mẹp (1.771 m)...

 

Khu Bảo tồn là nơi sinh sống của các loài động thực vật có ý nghĩa bảo tồn quốc tế với 11 loài được có tên trong Sách đỏ thế giới, 5 loài nguy cấp: Voọc Hà Tĩnh, chà vá chân nâu, vượn đen má trắng, gấu ngựa và sao la; 6 loài thuộc loại sắp nguy cấp là têtê java, khỉ mặt đỏ, rái cá vuốt bộ, mang lớn, bò tót, sơn dương. Khu vực còn có nhiều cảnh quan đẹp như: Động Brai, đường Hồ Chí Minh đi ngang khu rừng nguyên sinh, núi Voi Mẹp được mệnh danh là “nóc nhà Quảng Trị”. Người dân tộc bản địa Vân Kiều có nền văn hóa dân gian phong phú, độc đáo mang bản sắc riêng của vùng sơn cước Bắc Trung Bộ.

 

Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ được đánh giá là một trong những vùng có mức độ đa sinh học cao của Việt Nam, với sự có mặt của nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có tới 113 loài san hô đang phát triển tốt. Đây còn là khu vực tập trung các bãi đẻ của nhiều loài hải sản quý, có giá trị kinh tế cao và đặc hữu của vùng biển Trung Bộ. Hệ sinh thái rừng 3 tầng trên đảo là hệ sinh thái rừng khá hiếm của đảo núi lửa ở Việt Nam vẫn được giữ gìn và bảo vệ tốt.

 

Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một “bảo tàng thiên nhiên” với các thềm đá ba dan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ sụn san hô, sò điệp, cát... Suối khoáng nóng Kalu, thác Ồ Ồ, các bãi biển Cửa Tùng, Cửa Việt, Vĩnh Thái, Triệu Lăng, Gio Hải... cũng là một điểm tài nguyên du lịch có giá trị, góp phần đa dạng hóa tài nguyên du lịch và sản phẩm du lịch của Quảng Trị.

 

Những khu vực kể trên có thể được chia thành 2 dạng với hình thức phát triển du lịch sinh thái khác nhau, phục vụ các thị trường khác nhau, kết hợp phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học. Loại thứ nhất là các khu rừng tài nguyên, các cảnh quan tự nhiên nằm ở khu đồng bằng như: Rú Lịnh, trằm Trà Lộc. Các khu vực này có đặc điểm là diện tích nhỏ, nhưng có thảm thực vật tương đối phát triển và nằm tương đối gần thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị.

 

Các cảnh quan tự nhiên kết hợp với các bãi biển Cửa Tùng, Cửa Việt, Vĩnh Thái, Triệu Lăng, Gio Hải ... sẽ hình thành các chuyến dã ngoại sinh thái cuối tuần, phục vụ nhu cầu nhân dân trong tỉnh. Loại thứ hai là các khu bảo tồn tự nhiên, các thác nước, suối, hang động nằm ở khu vực miền núi phía Tây của tỉnh như Đakrông và Bắc Hướng Hóa. Với tính đa dạng sinh học cao, các khu vực này phù hợp cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái chuyên sâu. Các hoạt động này cũng có thể được kết hợp với du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa dân tộc ít người Vân Kiều, Pa Kô.

 

Thanh Luận

 
 
1326 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 741
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 741
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87042958