Kính thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo Vụ II, Ban Tổ chức Trung ương; Vụ V UBKT Trung ương,
Kính thưa các đồng chí dự Hội nghị!
Trước hết, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin ghi nhận và trân trọng tiếp thu những ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết và rất xác đáng, hợp lý của các đồng chí tại Hội nghị tổng kết hôm nay.
Hội nghị chỉ diễn ra trong 01 buổi, nhưng đây là kết quả của một quá trình chuẩn bị công phu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết TW 3 cấp tỉnh và cấp ủy các cấp; trên cơ sở kết quả tổng kết Nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng, các địa phương, ban, ngành từ cơ sở đến tỉnh. Dẫu biết rằng, qua mỗi kỳ Đại hội Đảng cũng như quá trình thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của tỉnh đều đã có đánh giá về cán bộ, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhưng đối với Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, một Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công tác cán bộ sau thời kỳ đổi mới với thời gian thực hiện đã 20 năm, thì Hội nghị tổng kết này là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể và có tính tích hợp các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ trong thời gian qua, để có những giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn nhằm thực hiện tốt hơn “ khâu then chốt” của “nhiệm vụ then chốt” xây dựng Đảng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cấp tỉnh nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trình Thường trực Tỉnh ủy ký ban hành, gửi Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 7 theo quy định.
Để kết thúc Hội nghị, tôi xin thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị.
Kính thưa các đồng chí!
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; 9 năm triển khai thực hiện Kết luận số 37 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 3, Kết luận số 24 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và các văn bản quan trọng khác về công tác cán bộ, có thể khẳng định việc thực hiện Chiến lược cán bộ đã được các cấp ủy từ tỉnh tới cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm túc; xây dựng, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, giải pháp lớn về công tác cán bộ thành các quy định, quy chế, kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, sát với tình hình của Đảng bộ tỉnh, mang lại nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả trong thực tiễn.
Công tác cán bộ được triển khai đồng bộ, toàn diện ở các khâu, trong đó có nhiều khâu tạo được sự chuyển biến đáng ghi nhận như công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ. Nội dung, phương pháp, cách thức triển khai công tác cán bộ có nhiều tiến bộ, đổi mới. Việc phân cấp quản lý cán bộ được thực hiện hợp lý hơn nhằm tăng cường phân cấp cho cấp dưới. Công tác kiểm tra, giám sát công tác cán bộ được tăng cường; công tác bảo vệ chính trị nội bộ tiếp tục được quan tâm… qua đó từng bước góp phần đổi mới công tác cán bộ. Việc đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ cơ bản bảo đảm chặt chẽ, đúng về thủ tục, đủ về tiêu chuẩn, điều kiện, phù hợp với năng lực, sở trường và triển vọng phát triển. Cơ bản khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín, chưa có các biểu hiện lợi ích nhóm; lợi dụng để bố trí người nhà, người thân, người quen vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Đội ngũ cán bộ đảm nhận các vị trí, chức danh lãnh đạo, quản lý từ tỉnh tới cơ sở đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ CVI, trên tinh thần triển khai thực hiện quyết liệt 10 nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng đã được Đại hội XII xác định, cùng các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về công tác xây dựng Đảng như Nghị quyết TW 4, Nghị quyết TW 6 khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, chọn công tác cán bộ làm khâu đột phá trong chỉ đạo, đi thẳng vào khâu khó, khâu yếu. Cụ thể: (1) Ban hành Quy chế đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ đối với các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp nhận xét, đánh giá. Kết quả đạt được rõ nhất là đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền đánh giá cho các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, đơn vị; nếu như trước đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tỉnh ủy phải kết luận nhận xét, đánh giá đối với trên 420 trường hợp thì năm 2016 chỉ nhận xét, đánh giá 90 trường hợp, giảm 78,57%. Khi thực hiện Quy chế và Bộ tiêu chí này cũng là lần đầu tiên các đồng chí Tỉnh uỷ viên trực tiếp đánh giá Ban thường vụ và góp ý, chấm điểm trực tiếp cho các đồng chí trong Thường trực Tỉnh uỷ; các nội dung đánh giá và chấm điểm đều gắn với việc thực hiện Nghị quyết TW 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn đảng, bước đầu tạo không khí dân chủ, công khai trong đánh giá cán bộ, đảng viên; việc đánh giá cũng đã sát hơn, giảm định tính, tăng định lượng. (2) Chọn năm 2017 là “ Năm công tác cán bộ”, tập trung chỉ đạo hoàn thành quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện, sở, ngành nhiệm kỳ 2020-2025; rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2015-2020, trong đó đề ra nhiều quy định mới về tiêu chuẩn cán bộ được quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, là một bước quan trọng để thực hiện điều động, luân chuyển, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ tới. (3) Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu bằng việc tổ chức ký cam kết trách nhiệm của ban thường vụ và người đứng đầu cấp ủy các huyện, thành, thị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó không cam kết những nội dung chung chung mà chỉ đạo cụ thể những vấn đề nổi lên của Đảng bộ địa phương cần tập trung giải quyết bằng cam kết trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, là một giải pháp để thực hiện đánh giá đúng cán bộ, nhất là người đứng đầu. (4) Chỉ đạo tổng rà soát bằng cấp của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị để có đánh giá sát hơn về chất lượng cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ( 5) Chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm gắn với Đề án tinh giản biên chế, từng bước cụ thể hóa chức danh, vị trí việc làm gắn với tiêu chuẩn cán bộ....vv...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm như đã nêu trong dự thảo báo cáo và các ý kiến thảo luận. Tôi không nhắc lại, mà nêu lên một số thực trạng đang tồn tại trong thực tiễn hiện nay ( dù đã được nhận diện và chấn chỉnh quyết liệt trong nhiệm kỳ này nhưng để thay đổi không thể một sớm một chiều). Đó là:
- Chất lượng đội ngũ cán bộ nhìn chung vẫn chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp; nhất là tinh thần, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khả năng xử lý những tình huống phát sinh. Một số nơi cơ cấu ngành, lĩnh vực chưa hợp lý, còn tình trạng “ vừa thừa, vừa thiếu” ( thiếu người làm được việc, thừa người làm không được việc). Năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách của bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ tham mưu còn hạn chế, biểu hiện rõ nhất là tư duy vẫn theo lối mòn, thiếu đổi mới, sáng tạo, thiếu kỹ năng nghiên cứu, sử dụng ngoại ngữ hạn chế; cán bộ ở một số ngành, lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu chậm được bổ sung kịp thời…
- Việc đánh giá cán bộ mặc dù đã được thực hiện theo quy trình, quy chế, công khai theo nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, có nhiều chuyển biến mới tiến bộ nhưng nhìn chung, thực tiễn vẫn cho thấy đánh giá cán bộ chưa được như mong muốn, vẫn là khâu khó; và khó nhất là đánh giá “ cái tâm, cái tầm” và bản lĩnh chính trị của cán bộ, đánh giá một cách thực chất, đúng đắn về cán bộ. Có mâu thuẫn không khi cán bộ được đánh giá hoàn thành tốt hay hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà tình hình công tác xây dựng đảng, chính quyền, đoàn thể, tình hình của địa phương, đơn vị vẫn còn khó khăn, bất cập, không có điểm mới tiến bộ hay sự thay đổi nổi trội nào so với trước đó, hay vẫn “ bình bình, trầm lắng”, không đổi mới, tự bằng lòng với thực trạng của địa phương, đơn vị mình, thiếu quyết tâm, ngại quyết liệt? Phải chăng chúng ta chưa vượt qua được tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, xuê xoa, hình thức, tinh thần phê bình và phê bình, tính chiến đấu chưa cao trong đánh giá cán bộ như một trong 27 biểu hiện mà Nghị quyết TW 4 khóa XII đã nhận diện?
- Năm 2017 chúng ta đã hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. BTV Tỉnh ủy đã rất kiên quyết trong đề ra tiêu chuẩn cán bộ nên chất lượng quy hoạch đã được nâng lên rõ rệt, tuy nhiên, công tác quy hoạch cán bộ nhìn chung vẫn còn chưa yên tâm. Còn dàn trải, thiếu tính khả thi, chưa gắn với lĩnh vực công tác, ngành nghề, độ tuổi để chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị ( như có địa phương đa số cán bộ đương chức và cán bộ quy hoạch đều có trình độ đại học theo cùng một nhóm như sư phạm, nông nghiệp, luật, khoa học xã hội nhân văn..., dẫn đến mất cân đối về các lĩnh vực, ngành nghề của cán bộ). Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của tỉnh đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ chưa được quan tâm đúng mức, gây khó khăn, lúng túng bị động về cán bộ, nhất là khi bầu cử và khi cần thay thế.
- Trong luân chuyển cán bộ, chúng ta làm chưa mạnh, chưa thường xuyên; có trường hợp thời gian luân chuyển quá dài nhưng có trường hợp luân chuyển quá nhiều vị trí trong một thời gian ngắn; một số trường hợp luân chuyển chưa rõ ý định, hướng bố trí sử dụng cán bộ sau luân chuyển. Một số trường hợp chưa nắm chắc năng lực, sở trường của cán bộ và điều kiện cụ thể của địa phương đã làm hạn chế hiệu quả luân chuyển. Một số ít cán bộ luân chuyển chậm tiếp cận với thực tiễn, mức độ đóng góp cho địa phương, đơn vị còn hạn chế.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. Thời gian qua, trình độ cán bộ được nâng lên, tỷ lệ đại học, trên đại học cao hơn vượt trội so với thời gian trước nhưng chất lượng, hiệu quả công việc có tăng tương xứng không? Hay vẫn còn tình trạng người đi học nặng về bằng cấp, nhẹ về kiến thức; học chỉ để thực hiện “ chuẩn hóa” cán bộ mà không thiết thực phục vụ cho công việc đang làm dẫn đến học tập tràn lan, học không vì công việc, đào tạo chưa gắn với sử dụng, mâu thuẫn giữa bằng cấp với trình độ, năng lực thực tế..., cũng đang là một thực trạng đã và đang tồn tại hiện nay.
- Phương châm bố trí cán bộ “ có lên có xuống, có vào có ra” ít được thực hiện. Tỉnh đã 2 lần ban hành và thực hiện chính sách thu hút người tài nhưng vừa qua vẫn chưa thu hút được nhiều cán bộ có chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị. Tinh giản biên chế vẫn còn khó khăn, chưa đạt yêu cầu. Chính sách cán bộ chậm đổi mới chưa động viên, khuyến khích được người tích cực, nhiệt huyết.
Những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ đó là rào cản, trở ngại trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp căn cơ, thiết thực, hiệu quả thực hiện tốt hơn công tác cán bộ trong thời gian tới.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, góp phần thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa Quảng Trị phát triển, Hội nghị đã thống nhất cao với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất toàn diện, sâu sắc mà Báo cáo đã đề cập. Tôi nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, phải khẳng định rằng, 20 năm qua, từ Nghị quyết TW 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước- Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công tác cán bộ đến Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII là một chặng đường đổi mới cả về nội dung và cách làm về công tác tổ chức, cán bộ của Đảng. Mặc dù đã qua hơn 4 nhiệm kỳ Đại hội Đảng nhưng qua tổng kết cho thấy những vấn đề lớn mà Nghị quyết TW 3 khóa VIII nêu ra là hoàn toàn đúng đắn và vẫn còn nguyên giá trị để kế thừa và phát triển trong thời gian tới. Do vậy, đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về các chủ trương, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ, chiến lược cán bộ của Trung ương và của Tỉnh ủy để hành động đúng và hiệu quả hơn về công tác cán bộ trong thời gian tới.
Cập nhật, quán triệt sâu sắc những quan điểm mới về công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 18- Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Các cơ quan chuyên môn được phân công tham mưu chuyên sâu về công tác cán bộ cần chủ động nghiên cứu để sớm tham mưu cho cấp ủy các cấp thực hiện chủ trương mới của Trung ương về công tác tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; trong đó cần sắp xếp, tích hợp và ban hành các văn bản tổ chức thực hiện thống nhất, tạo sự đồng thuận, ổn định trong thực hiện. Ban hành Chương trình hành động và các đề án cụ thể, sát thực tiễn để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW6.
Thứ hai, , các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, trực tiếp quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy vai trò của tổ chức trong hệ thống chính trị; trong quá trình thực hiện phải có sự phân cấp, phân công, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Đảng với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị. Công tác cán bộ phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, vì công tác cán bộ là công tác con người, là vấn đề liên quan đến tâm lý, đạo đức, danh dự, tình cảm của con người, do vậy cần phải đảm bảo tính dân chủ, lắng nghe rộng rãi, phát huy trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; đề cao vai trò của cá nhân người đứng đầu nhưng phải đặt trong quan hệ với tập thể, bảo đảm dân chủ.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ với phương châm “ đánh giá cán bộ là nền tảng, quy hoạch cán bộ là cơ bản, luân chuyển cán bộ là đột phá, đào tạo cán bộ là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”. Trong đó, xác định rõ chế độ chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; đây vẫn luôn là việc khó, cần căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn và phải có thông tin; nhưng trong quá trình đánh giá cán bộ, lại rất cần đến cái tâm, cái tầm của người đánh giá, phải thực sự công tâm, khách quan. Đánh giá cán bộ phải nhìn từ nhiều góc độ, ở nhiều thời điểm, qua nhiều công việc thực tiễn, tính chất, hiệu quả của việc xem xét, giải quyết công việc, nhất là vào những thời điểm khó khăn, thách thức.
Trong quy hoạch cán bộ phải đúng theo nguyên tắc có “vào” có “ra” và bổ sung nhân tố mới vào quy hoạch, phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; quy hoạch phải đảm bảo tính khả thi để chủ động trong công tác cán bộ.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần theo hướng cập nhật kiến thức, đảm bảo giữa trình độ và chất lượng, gắn lý thuyết với thực hành, kỹ năng xử lý các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn đối với từng chức danh, ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực công tác. Việc đào tạo cán bộ phải phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tránh tình trạng đào tạo để hợp lý hóa bằng cấp, không phù hợp với chuyên môn, chuyên ngành công tác.
Trong công tác luân chuyển cán bộ, chú trọng bố trí cán bộ ở những địa bàn, lĩnh vực khó để phát hiện người tài, nhằm rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý bảo đảm chất lượng; xây dựng cán bộ chủ chốt ở cấp trên nói chung phải kinh qua vị trí chủ chốt ở cấp dưới để đào tạo, thử thách cán bộ.
Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử phải căn cứ nhiệm vụ, quy hoạch và tiêu chuẩn chức danh cán bộ; thực hiện nghiêm túc, chất lượng việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, điều động và luân chuyển cán bộ của tỉnh theo hướng đảm bảo cơ chế cạnh tranh. Sắp tới Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ triển khai Đề án thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý; ban hành cơ chế sát hạch cán bộ đảm bảo lựa chọn người xứng đáng.
Thứ tư, tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Nghị quyết TW6 khóa XII, Quy định số 98 của Bộ Chính trị (khóa XII); các quy chế, quy định, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh về thực hiện công tác đánh giá, quy hoạch, bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, gắn với Quy định 55 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Thực hiện chế độ miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người kém năng lực, phẩm chất, đạo đức, cán bộ không gương mẫu, không đáp ứng yêu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, phải tiếp tục quan tâm và thực hiện tốt công tác chính sách cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ; tiếp tục nâng cao chất lượng của các cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ và đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ của Đảng từ tỉnh đến cơ sở.
Kính thưa các đồng chí!
Với phương châm xây dựng đội ngũ cán bộ đức là gốc, tài là quan trọng, vừa đảm bảo có tính kế cận, kế tiếp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn công tác cán bộ; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh đoàn kết, bản lĩnh, có trình độ, có tính chuyên nghiệp cao và chuyên sâu nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bổ sung thêm các giải pháp và đề xuất, kiến nghị một cách hợp lý; rà soát, lược bỏ những kiến nghị trong dự thảo báo cáo mà gần đây Trung ương đã có chủ trương. Đối với những đề xuất, kiến nghị thuộc thẩm quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ bàn, giải quyết trong thời gian tới. Đồng thời đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu những kiến nghị thuộc thẩm quyền để sớm chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ.
Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã thành công tốt đẹp. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin tuyên bố bế mạc hội nghị. Chúc các đồng chí đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc. Xin trân trọng cảm ơn.