Kính thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo các Vụ địa phương tại Đà Nẵng,
Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI,
Thưa các đồng chí dự Hội nghị,
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, hôm nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị lần thứ 13 để thảo luận, thông qua 2 chương trình hành động, 2 kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Đây là một hội nghị rất quan trọng khi chúng ta bàn, quyết định những nội dung để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương về đổi mới tổ chức, bộ máy, hệ thống chính trị của tỉnh theo Kế hoạch của Bộ Chính trị, Chính phủ.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tôi xin gửi tới các đồng chí đại diện các Vụ địa phương tại Đà Nẵng cùng toàn thể các đồng chí Tỉnh uỷ viên khoá XVI, các đại biểu dự Hội nghị lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.
Kính thưa các đồng chí!
Theo Quy chế làm việc, Văn phòng Tỉnh ủy đã gửi tài liệu qua Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh để các đồng chí nghiên cứu trước và chuẩn bị ý kiến phát biểu tại Hội nghị. Sau đây tôi xin nêu một số nội dung có tính gợi mở, lưu ý, nhấn mạnh thêm để các đồng chí quan tâm hơn trong quá trình thảo luận, xem xét quyết định.
Như các đồng chí đã biết, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã ban hành 4 Nghị quyết gồm: (1) Nghị quyết 18 về “ một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; (2) Nghị quyết 19 về “ tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; (3) Nghị quyết 20 về “ tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”; (4) Nghị quyết 21 “về công tác dân số trong tình hình mới”. Các nghị quyết đề cập những vấn đề quan trọng và nhạy cảm, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cả nước và mỗi địa phương, tác động đến bộ máy, tổ chức của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thôn và mỗi cơ quan, ban, ngành; đang là vấn đề “ nóng” được toàn xã hội và nhân dân quan tâm. Vì vậy sau khi có Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo việc học tập, quán triệt Nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên đồng thời đặt ra yêu cầu chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, khoa học, hiệu quả, tạo sự chuyển biến thực sự về đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Với quan điểm đó, trước khi xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động Ban Thường vụTỉnh ủy đã có những bước chỉ đạo căn cơ, thận trọng nhưng khá quyết liệt. Tổ chức 3 đoàn khảo sát quy mô lớn do 3 đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn làm việc với một số huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành y tế, giáo dục, nông nghiệp... và một số sở, ngành liên quan để nắm rõ hơn về thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế và cơ chế hoạt động của các mô hình tổ chức; về định hướng và tính khả thi của mỗi mô hình tổ chức khi triển khai thực hiện Nghị quyết 18 và 19; vấn đề huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển y tế và các dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh.
Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo BCS Đảng UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở y tế chủ trì tham mưu nghiên cứu xây dựng Kế hoạch, Đề án thực hiện 4 Nghị quyết. Đối với Nghị quyết 18 và 19, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ đã khảo sát, thống kê thực trạng các đơn vị hành chính thôn, bản, khu phố, các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp; để xây dựng đề án, làm việc với thường trực các huyện, thị, thành ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố, lấy ý kiến các cơ quan cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh về Đề án. Các cấp ủy địa phương cũng đã tự giác đăng ký thực hiện thí điểm 2 đến 3 mô hình về sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy. BCS Đảng UBND tỉnh cũng đã tổ chức các phiên họp để hoàn chỉnh dự thảo Đề án, kế hoạch trình Ban Thường vụ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 5 phiên họp để thảo luận một cách dân chủ, kỹ lưỡng với quyết tâm xây dựng đề án, kế hoạch chất lượng để trình Ban Chấp hành. Vì vậy các nội dung nêu trong Kế hoạch, Chương trình, Đề án lần này không chỉ mang tính định hướng mà còn lượng hóa các đầu việc, bước đi, lộ trình cụ thể để mỗi cấp, mỗi địa phương, mỗi tổ chức triển khai thực hiện ngay những việc đã rõ, thí điểm thực hiện những việc mới mà Nghị quyết yêu cầu, trên tinh thần khẩn trương, kiên quyết để đi tới mục tiêu về tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế trong giai đoạn hiện nay.
Thưa các đồng chí!
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 đã chỉ rõ: Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả, chồng chéo về chức năng, cơ cấu bên trong chưa hợp lý. Tổ chức và biên chế ngày càng phình to, chất lượng cán bộ công chức, viên chức còn bất cập. Số người hưởng lương từ ngân sách rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Vì vậy BCH Trung ương yêu cầu phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, vừa qua nhiều bộ ngành, nhiều tỉnh, thành đã triển khai thực hiện. Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết có liên quan đến đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ công an; ngành công an sẽ thực hiện một cuộc “đại phẫu” thực sự với việc cắt giảm các tầng nấc trung gian, xóa bỏ các tổng cục, “hạ bậc” 2 bộ tư lệnh tương đương cấp tổng cục, sẽ tác động mạnh dến các tổ chức, đơn vị cấp dưới như cục, vụ, phòng, thậm chí xuống cả công an cấp tỉnh, huyện, xã; sự dôi dư có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn người, với một ngành quan trọng liên quan đến lĩnh vực an ninh quốc gia như Công an mà lại tiên phong, quyết tâm trong việc đổi mới, sắp xếp bộ máy để thấy được sự cấp thiết của vấn đề này. Hay như UBMTTQVN vừa qua đã cùng với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội thảo đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQVN và các đoàn thể chính trị xã hội với 4 phương án dù khác nhau nhưng đều có bóng dáng của một cuộc cách mạng về công tác tổ chức. Nhiều tỉnh thành cũng đã triển khai khá quyết liệt và đã có sản phẩm báo cáo Trung ương. Tỉnh Quảng Trị chúng ta cũng không nằm ngoài dòng chảy đó; không ai được phép chần chừ, biện minh cho sự chậm trễ trong tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình được nữa; dù phải đụng chạm đến quyền và lợi ích của một bộ phận cán bộ, “ dù phải lấy đá ghè chân chính mình” cũng phải làm, tất cả vì lợi ích của Đảng, nhà nước và người dân.
Với tinh thần đó, tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu, thảo luận kỹ các nhóm vấn đề sau:
1- Về các kế hoạch thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19:
Trên cơ sở Đề án tổng thể của BCS Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ trình Tỉnh ủy 2 kế hoạch thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 theo hình thức “ Kế hoạch tổng thể, kế hoạch khung”, chỉ ra nguyên tắc, tiêu chí, những nội dung công việc cần phải làm; giao trách nhiệm cho địa phương, đơn vị cụ thể chủ trì thực hiện hoặc phối hợp thực hiện; xác định rõ cấp có thẩm quyền quyết định; yêu cầu rõ sản phẩm, thời gian hoàn thành; nhất là có chỉ đạo hướng đi, cách làm đối với từng công việc; kèm theo đó là hệ thống các tiểu đề án, hay còn gọi là đề án nhánh để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã được Nghị quyết 18, 19 xác định. Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới chưa được quy định thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm và rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu để có chủ trương, giải pháp phù hợp.
* Đối với thực hiện Nghị quyết 18, ngoài 06 nhiệm vụ chung được trình bày trong Kế hoạch, các nhiệm vụ cụ thể được trình bày ở bảng danh mục các đề án, nhiệm vụ theo 07 nhóm nội dung như sau: 1) Hoàn thiện chủ trương, chính sách về tổ chức bộ máy, biên chế, 2) Sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương; 3) Sắp xếp hệ thống tổ chức đảng; 4) Sắp xếp hệ thống tổ chức Nhà nước; 5) Sắp xếp hệ thống tổ chức MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; 6) Nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo; 7) Một số nội dung khác có liên quan.
Đề nghị các đồng chí tham gia sâu các phần nội dung công việc, thời gian hoàn thành và định hướng thực hiện được nêu trong Kế hoạch. Đối với những việc Trung ương yêu cầu phải làm ngay, đề nghị các đồng chí cho ý kiến lựa chọn phương án đối với một số nội dung mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy có đề xuất, như: thực hiện thống nhất văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp tỉnh thì nên chuyển giao toàn bộ văn phòng các ban về Văn phòng Tỉnh ủy hay chỉ chuyển giao bộ phận hỗ trợ, phục vụ; hay như thực hiện thí điểm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ cấp tỉnh, cấp huyện thì thực hiện ở 50% số huyện trở lên trong năm 2018 và thực hiện cấp tỉnh khi có đủ điều kiện hay trước mắt thực hiện ở nơi có đủ điều kiện và đến năm 2019 thực hiện ở tất cả các huyện; thực hiện ở cấp tỉnh khi có đủ điều kiện gắn với chỉ đạo Đại hội mặt trận các cấp nhiệm kỳ 2019-2024 hay có phương án khác?
- Việc sáp nhập thôn, khu phố không đảm bảo tiêu chí theo quy định là yêu cầu bắt buộc nhưng khá nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhưng phải bám sát nguyên tắc, tiêu chí được xác định; dự kiến sau sáp nhập sẽ giảm được 300-400 thôn, khu phố. Phải tuân thủ quy trình cấp xã xây dựng Đề án lấy ý kiến nhân dân để trình HĐND cùng cấp, trình HĐND tỉnh quyết định. Như vậy, yêu cầu công việc và lộ trình thực hiện, địa chỉ thực hiện đã rõ; đề nghị các đồng chí tham gia thêm về cách làm, về phương pháp để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, để việc thực hiện đảm bảo tính khoa học và hiệu quả cao nhất.
- Vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thiếu 2 tiêu chí, Nghị quyết cho phép giãn hơn về lộ trình, yêu cầu hoàn thành trong năm 2020 nhưng ngay trong năm 2018 này phải khởi động nghiên cứu xây dựng Đề án và lộ trình sáp nhập; thống nhất các đơn vị cấp xã nằm trong diện nghiên cứu sáp nhập để sớm triển khai đề án, tránh tâm lý chờ đợi, e dè. Đề nghị các đồng chí tham gia ý kiến cụ thể về nguyên tắc, tiêu chí, đơn vị sáp nhập, tính toán việc chia tách thôn để sáp nhập xã cho phù hợp, đề xuất cách thức làm, các điều kiện đảm bảo kèm theo để việc thực hiện đươc thuận lợi và hiệu quả. Quá trình thảo luận xây dựng Đề án cũng có ý kiến đề nghị đưa huyện đảo Cồn Cỏ xuống xã đảo, vậy quan điểm của Tỉnh ủy về đề xuất này như thế nào?
- Kế hoạch lần này chưa đặt vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, tuy nhiên đề nghị các đồng chí cho ý kiến, quan điểm về vấn đề này; đặt ra vấn đề này có phù hợp với điều kiện của tỉnh ta hay không?.
- Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện cũng đang là vấn đề cần tính toán và triển khai để đảm bảo quy định khung của Chính phủ đối với tỉnh loại III như Quảng Trị có không quá 17 sở. Như vậy phải giảm 2 Sở; Đề án đặt ra phương án sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Văn hóa thể thao và du lịch; tổ chức lại Ban Dân tộc tỉnh để giảm 01 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh hay còn phải sáp nhập thêm các sở có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Vấn đề hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND, UBND tỉnh cũng cần phải thực hiện. Tương tự các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện cũng tiến hành hợp nhất, giải thể một số phòng để tinh gọn bộ máy; đề nghị các đồng chí cho ý kiến cụ thể về các phương án hoặc đề xuất phương án mới, phương án khác phù hợp hơn.
- Một số đề xuất thực hiện thí điểm trong năm 2018, đề nghị các đồng chí cho ý kiến nên thực hiện ở địa phương nào, ngành nào; lĩnh vực nào chưa nên triển khai? Một số nội dung thí điểm như hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND, UBND cấp huyện; Tổ chức với Nội vụ, UBKT với Thanh tra; hợp nhất một số cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy và MTTQ ở cấp huyện ( như dân vận với MTTQ) hay thí điểm hợp nhấp một số cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc của cấp ủy cấp huyện (như ban tuyên giáo với ban dân vận); hay thí điểm mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp huyện; thí điểm nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban tổ chức cấp ủy kiểm Trưởng phòng Nội vụ cấp huyện, chức danh Chủ nhiệm UBKT kiêm Chánh thanh tra cấp huyện.... Các thí điểm này trong dự kiến sẽ thực hiện ở 2-3 địa phương có đủ điều kiện, tuy nhiên được biết các địa phương trong tỉnh đã đăng ký, xung phong thực hiện ngay 2 mô hình thí điểm; đây là tín hiệu mừng, thể hiện sự thống nhất quyết tâm và hành động cao, sự vào cuộc của các địa phương. Đề nghị các đồng chí bàn sâu thêm về giải pháp thực hiện các nội dung trên.
* Đối với Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19 về đơn vị sự nghiệp công lập:
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu chung là sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách cho cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.
Dự thảo Kế hoạch trình Tỉnh ủy đã xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2021, năm 2025 về việc giảm đầu mối tổ chức, biên chế và khả năng tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh đã được Trung ương phê duyệt. Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc: (1) Trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thì đơn vị đó phải tự bảo đảm về toàn bộ tài chính ( trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu theo quy định của Trung ương); (2) Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; (3) Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả; (4) Đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiên thành công ty cổ phần.
Giai đoạn 2015-2021 tỉnh dự kiến sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm 185 đơn vị ( đạt 27,8%); giai đoạn 2021-2025 dự kiến giảm 8 đơn vị do cổ phần hóa và chuyển ra ngoài công lập, như vậy đến năm 2025 giảm 193 đơn vị, đạt 29%; so với Nghị quyết 19 là vượt 9%. Trong đó lĩnh vực giáo dục đào tạo giảm 107 đơn vị ( 64 trường giảm trong năm học 2017-2018, tức là thực hiện ngay trong năm học mới sắp tới; 43 trường giảm trong năm học 2018-2019) với các tiêu chí sáp nhập như Đề án đã nêu. Các lĩnh vực y tế, khoa học và công nghệ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn hóa thể dục thể thao và sự nghiệp khác đều có các phương án tinh giản, thu gọn bộ máy theo hướng sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại, điều chuyển chức năng nhiệm vụ về một đầu mối cho phù hợp, cổ phần hóa..., với các phương án cụ thể cho từng trường hợp, theo đó việc sáp nhập thực hiện trong năm 2018; cổ phần hóa thực hiện từ nay đến năm 2021 và một phần 2021-2025 và giao quyền tự chủ theo mục tiêu Nghị quyết đề ra trong từng giai đoạn.
Về tinh giản biên chế, giai đoạn 2015-2021 giảm 1.786 biên chế (10%); giai đoạn 2021- 2025 giảm 1.607 chỉ tiêu; giai đoạn 2025-2030 giảm 1.557 chỉ tiêu biên chế.
Như vậy, những tổ chức đã có phương án sáp nhập, phù hợp với thực tế của địa phương, ngành thì tiến hành ngay để sớm ổn định tổ chức, đi vào hoạt động. Đối với những tổ chức có phương án sáp nhập nhưng chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ thì nghiên cứu thực hiện thí điểm trước khi thực hiện đồng bộ. Đối với sáp nhập các trường trong cùng một xã cần thực hiện đồng bộ, hoàn thành trước khi bước vào năm học mới để đảm bảo công tác dạy và học; đối với các đơn vị chuyển sang tự chủ hoặc cổ phần hóa thì đẩy nhanh tiến độ nhưng phải có lộ trình hợp lý để đơn vị thực hiện đầy đủ các quyền lợi, lợi ích cho người lao động và nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Đề nghị các đồng chí bàn sâu thêm về số lượng, các đầu mối cần tinh gọn; có phương án nào khác khả thi hơn, hiệu quả hơn cũng cần đề xuất tại Hội nghị này để chúng ta bàn, đi đến thống nhất và sớm triển khai thực hiện.
Tại Hội nghị hôm nay cũng đề nghị các đồng chí đóng góp ý kiến về việc tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ như thế nào đối với những người tự nguyện xin nghỉ hưu sớm, hoặc chính sách đối với những người bị dôi dư theo Đề án, để tạo sự đồng thuận, tự nguyện lớn nhất có thể.
2- Về Chương trình hành đông thực hiện Nghị quyết 20,21:
Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Trung ương cho rằng cần tập trung ưu tiên đầu tư từ ngân sách và có cơ chế chính sách phù hợp huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để phát triển y tế và các dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Trung ương chỉ rõ phải tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của quốc gia và mỗi địa phương.
Hai dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20, 21 đã phân tích, đánh giá thực trạng tình hình công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân nhân dân, công tác dân số trên địa bàn tỉnh; xác định quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ này trong thời gian tới. Để hoàn thiện các văn bản, đề nghị các đồng chí tham gia sâu hơn về đánh giá tình hình, đã sát chưa, còn có những mặt mạnh, mặt yếu nào mà chúng ta chưa nhận diện; bổ sung giải pháp gì thêm. Đề nghị tham gia sâu hơn về giải pháp hoàn thiện hệ thống y tế của tỉnh, về phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số gắn với thực hiện Nghị quyết 19 về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Kính thưa các đồng chí!
Nội dung chương trình Hội nghị Tỉnh ủy lần này bàn việc tổ chức thực hiện Nghị quyết TW 6 khóa XII với các chuyên đề khá đặc biệt, hệ trọng, nhạy cảm và phức tạp, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, đến đông đảo đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động của tỉnh nhà, được xã hội và dư luận, công luận hết sức quan tâm. Những vấn đề được đặt ra, bàn luận và quyết định tại Hội nghị hôm nay không chỉ là những định hướng, quan điểm mang tính lý luận mà còn là hệ thống các “đầu việc”, với bước đi, cách làm cụ thể, xác định rõ địa chỉ, có lộ trình thực hiện, gắn với trách nhiệm từng tổ chức và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Chúng ta đều biết rằng, tách thì dễ, nhập thì khó, nhưng như trên tôi đã nói, đây là vấn đề bắt buộc phải làm, không có đường lùi, không cho phép ai đứng ngoài cuộc, “ dù có lấy đá ghè chính chân mình cũng phải làm”; bởi nếu đặt lợi ích của Nhân dân, của tỉnh lên trên hết thì quyết tâm là làm được. Chúng ta không máy móc, cơ học nhưng những việc đã rõ, phù hợp với thực tiễn thì làm trên cơ sở lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn làm mục tiêu hàng đầu để sắp xếp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy khuyến khích những đơn vị đi tiên phong và có cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Thưa các đồng chí!
Một cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy được triển khai hiệu quả sẽ trở thành lực đẩy mạnh mẽ cho sự đồng bộ của đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị. Cho dù trong quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi có những điểm chưa hoàn hảo, có những điểm còn vướng về cơ sở pháp lý cần chỉnh sửa dần nhưng đây là điều tất yếu phải làm, đảm bảo cho sự phát triển đi lên của đất nước, quê hương, cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
Đề nghị các đồng chí phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến, xem xét quyết định đề án, dự thảo các chương trình, kế hoạch, có cơ sở để chỉ đạo thực hiện ngay sau khi Chương trình, kế hoạch, đề án được thông qua.
Trên tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13. Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Hội nghị thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn.