PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ QUANG TÙNG,UVTW ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH KHAI MẠC HỘI NGHỊ LẦN THỨ 7, BCH ĐẢNG BỘ TỈNH, KHÓA XVII 

Ngày 2/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập hội nghị để cho ý kiến vào dự thảo Kết luận của Tỉnh ủy về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022; Chủ trương về kế hoạch tài chính 5 năm tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 -2025. Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu khai mạc của đồng chí Lê Quang Tùng – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Kính thưa các đồng chí đại diện các Vụ địa phương của các ban đảng;

Kính thưa các đ/c Tỉnh ủy viên và các đồng chí dự Hội nghị!

Thực hiện Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Quy chế làm việc, hôm nay, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 7 họp để bàn và quyết định 02 nội dung quan trọng:

1- Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022;

2- Chủ trương về Kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021 - 2025.

Thay mặt cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Tỉnh ủy viên, các đồng chí đại biểu về tham dự Hội nghị. Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Kính thưa các đồng chí!

Tài liệu đã được gửi để các đồng chí nghiên cứu trước, nên tại hội nghị lần này, chúng ta không trình bày lại các dự thảo văn bản để dành nhiều thời gian cho các đại biểu tham gia thảo luận đóng góp ý kiến.

Sau đây, tôi xin thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy trao đổi một số nội dung có tính gợi mở, nêu vấn đề, để các đồng chí quan tâm trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định như sau:

* Về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh, song dưới sự lãnh đạo thống nhất của các cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của chính quyền các cấp đã thực hiện hiệu quả hai mục tiêu vừa tập trung phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội, vừa triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn giữ được ổn định và phát triển so với cùng kỳ. Trong đó, tổng sản phẩm GRDP đạt 6,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 57,5 triệu đồng. Thu ngân sách ước đạt 5.080 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hoá – xã hội đều có bước phát triển; giáo dục - đào tạo từng bước thích ứng trong tình hình mới. An sinh xã hội được thực hiện tốt, đảm bảo giải quyết kịp thời, đầy đủ chính sách cho các đối tượng được hưởng chính sách. An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát .

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn hạn chế: Có 03/24 chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch đề ra; hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, dịch vụ sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động cầm chừng, thậm chí phải tạm dừng hoạt động; một bộ phận người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, đời sống khó khăn; hoạt động giáo dục - đào tạo bị ảnh hưởng; giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công còn chậm; thu ngân sách nhà nước vẫn thiếu tính bền vững; công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên có mặt chưa chặt chẽ, nhất là trong quản lý quy hoạch sử dụng đất; công tác giải phóng mặt bằng một số địa phương, đơn vị vẫn còn chậm; nhiều dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh được khởi công nhưng chưa được triển khai thực hiện; hợp tác liên kết ngành, liên kết vùng, khu vực chưa cao; một số chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chậm triển khai; chưa có giải pháp hữu hiệu, quyết liệt, còn lúng túng, thụ động trong việc giải quyết, xử lý đối với các dự án chậm tiến độ; cải cách hành chính trong thu hút đầu tư có mặt chưa đạt yêu cầu.

Từ những hạn chế đó, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì có nhiều nguyên nhân chủ quan cần nghiêm túc nhìn nhận để rút kinh nghiệm, cả trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện, trong đó tổ chức triển khai thực hiện vẫn là khâu yếu. Với tinh thần kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, chúng ta nghiêm túc đánh giá, các nỗ lực của chúng ta chưa thật sự lan tỏa đồng đều ở các cấp, các ngành; vẫn còn biểu hiện thụ động, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chưa thật sự tạo được khí thế thi đua, nâng cao hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ. Tinh thần trách nhiệm, thực thi công vụ của cán bộ, công chức một số nơi chưa tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao... đó là những điều thực sự trăn trở mà chúng ta cần suy nghĩ, cần đưa ra câu trả lời và hành động cụ thể từ các đồng chí đại biểu tại Hội nghị hôm nay.

Với tinh thần thẳng thắn, tôi đề nghị các đồng chí bám sát các nội dung dự thảo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và trên cơ sở tình hình thực tiễn ở các địa phương, các ngành, đơn vị mà các đồng chí phụ trách để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện hơn tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của năm 2021, phân tích, chỉ ra những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nhất là đối với những nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho việc triển khai nhiệm vụ trong năm 2022. Tôi đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là ác giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, trong đó đi sâu thảo luận một số chỉ tiêu, mục tiêu quan trọng và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà dự thảo Kết luận kinh tế - xã hội đã trình tại Hội nghị để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Kính thưa hội nghị!

* Về Kế hoạch tài chính 05 năm của tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021 – 2025

Trên cơ sở kết quả thu chi, điều hành ngân sách giai đoạn 2015 - 2020, chúng ta có thể đánh giá: Công tác quản lý, điều hành ngân sách giai đoạn 2015 - 2020 có nhiều đổi mới, chặt chẽ, đúng quy định. Đã tập trung đẩy mạnh việc phân cấp để tạo sự chủ động cho các cấp trong tập trung khai thác nguồn thu từ nội bộ nền kinh tế, thực hiện chính sách nuôi dưỡng nguồn thu; khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế; từng bước điều chỉnh và bố trí hợp lý các khoản chi. Đã có nhiều giải pháp để hoàn thành tốt dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm 2016 - 2020 đạt 14.105 tỷ đồng; tốc độ tăng thu nội địa bình quân hàng năm đạt 13,63%. Đây là tiền đề quan trọng để định hướng kế hoạch tài chính - ngân sách giai đoạn 2021 - 2025.

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định mục tiêu tổng thu ngân sách nhà nước trên đạt từ 21.500 - 22.500 tỷ đồng, thu nội địa tăng bình quân hàng năm là từ 10 - 12%/năm. Vì vậy, chúng ta cần có những giải pháp gì để đảm bảo hợp lý cán cân thu chi ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế, tài chính, chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu tại địa phương có tính đến ảnh hưởng của khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách địa phương trong 05 năm giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta dự kiến định hướng về mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính của tỉnh trong 05 năm tới là: Quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương; từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng hợp lý; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính đi đôi với cải cách hành chính, tiết kiệm, chống lãng phí; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời đề ra các mục tiêu cụ thể về thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách nhà nước và các khoản vay, định hướng huy động và phân phối các nguồn lực của địa phương; các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện.

Do đó, trong quá trình thảo luận, chúng tôi đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ việc xây dựng kế hoạch tài chính cần đánh giá những thuận lợi, đặc biệt khó khăn, hạn chế như về thu ngân sách: nguồn thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên năng lực nội tại và quy mô nền kinh tế của chúng ta, sức cạnh tranh còn thấp; nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước còn hạn chế...; về chi ngân sách: tỉnh chưa tự cân đối thu chi ngân sách, phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương trên 60%... để xác định một cách đúng đắn, khoa học, cẩn trọng và khả thi trên cơ sở điều kiện thực tế của tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, cũng như để đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu về tài chính mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã xác định. Tôi đề nghị chúng ta cần xác định rõ những giải pháp cụ thể, khả thi nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; Chú ý bảo đảm tỷ lệ chi hợp lý cho đầu tư phát triển, nhất là theo Kế hoạch đầu tư trung hạn đã xác định; bố trí ngồn trả nợ công; đảm bảo chi thường xuyên gắn với tinh giản bộ máy, biên chế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững kỷ luật - kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước.

Thưa các đồng chí!

Các nội dung tại Hội nghị lần này rất quan trọng, tôi đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, các đồng chí đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung dân chủ nghiên cứu, thảo luận các nội dung trình và sẽ thông qua tại Hội nghị để toàn Đảng bộ chúng ta quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố Khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 17.

Chúc Hội nghị đạt yêu cầu nội dung đề ra và thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

969 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 645
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 646
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88302833