Phát biểu của đồng chí Lê Quang Tùng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnhtại buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm “Ngày chiến thắng trở về”  

Ngày 23/3, Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Quảng Trị tổ chức trang trọng lễ gặp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng trở về 1973-2023. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và khoảng 200 hội viên Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Quảng Trị dự lễ. Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Lê Quang Tùng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tại buổi lễ.

Kính thưa đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam!

 Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh,

Kính thưa các đại biểu Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày,

Thưa các quý vị đại biểu,

Thưa đồng bào, đồng chí!

Cách đây 50 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, đây là mốc son lịch sử mở đường cho ngày trở về của những Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày. Hình ảnh những người tù lao mình xuống dòng sông Thạch Hãn, ùa vào vòng tay yêu thương của đồng đội, với những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt, nụ cười của phút giây hội ngộ..., luôn khắc ghi trong tâm khảm của chúng ta với bao niềm tri ân, xúc động.  

Và hôm nay, trong không khí linh thiêng, xúc động bên bờ sông Thạch Hãn, Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh long trọng tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm “Ngày chiến thắng trở về” (1973-2023) của các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày được trao trả trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong những Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày được trở về tại bến sông Thạch Hãn của những tháng năm lịch sử hào hùng đó, có đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, người Chiến sỹ cách mạng kiên trung, người lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đã luôn trọn vẹn nghĩa tình sắt son với quê hương, đồng bào Quảng Trị.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin trân trọng gửi đến các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và đồng chí Trương Tấn Sang những tình cảm chân thành và lòng biết ơn sâu sắc nhất. Chúc đồng chí Trương Tấn Sang, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, các quý vị đại biểu, khách quý cùng đồng bào, đồng chí lời chúc sức khỏe và những tình cảm nồng ấm nhất.

Kính thưa các đồng chí !

Quảng Trị, khúc ruột miền Trung, nơi được ví như điểm tì vai của chiếc đòn gánh trĩu nặng hai đầu Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị đã có hơn 20 năm là tuyến lửa, nơi khắc sâu hình ảnh giới tuyến tạm thời mang nỗi đau chia cắt, nhưng cũng chính là nơi ghi dấu ấn của những cuộc tương phùng, hội ngộ. Dòng sông Thạch Hãn, nơi diễn ra sự kiện lịch sử 81 ngày đêm “Lửa thép Cổ Thành” với bao hy sinh xương máu của các chiến sỹ cách mạng, góp phần giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972, buộc đối phương ký kết Hiệp định Paris năm 1973 về lập lại hòa bình ở Việt Nam, lại là chứng tích cho cuộc hội ngộ trở về với cách mạng, với Nhân dân của những người con yêu nước năm 1973.

Thực hiện hiệp định, cách đây 50 năm, trong tâm thế người chiến thắng - những người con “kiên trung, bất khuất, nghĩa tình, thủy chung”, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh trong lao tù đế quốc đã chiến thắng trở về với cách mạng, về trong vòng tay nghĩa tình của đồng đội và Nhân dân sau bao năm bị tra tấn, tù đày, li tán. Để góp phần mở ra những cánh cửa ngục tù tăm tối ấy là bao xương máu hy sinh của những người con yêu nước, của những chiến sĩ kiên trung trong lao tù để thực hiện ước mơ hòa bình, độc lập. Chúng ta bồi hồi xúc động khi tìm lại những trang sử đã ghi lại thời khắc lịch sử trọng đại và thiêng liêng “Thuyền chưa đến giữa sông, những người còn đi lại được đã không chịu nổi, thi nhau nhảy ào xuống lội bộ qua bờ bên kia, nơi những đồng chí thân yêu của mình đang chờ sẵn. Đến bờ sông mọi người ôm chầm lấy nhau, nước mắt lăn dài, có một số chiến sĩ quá yếu lại xúc động, khuỵu xuống phải dùng cáng để vận chuyển đến trạm cấp cứu gần đấy. Những người trở về không biết bằng cách nào đã chuẩn bị sẵn cờ giải phóng, khẩu hiệu... ra giữa sông là phất cờ, hô vang khẩu hiệu, hát bài ca chiến thắng ”.

 Phút giây những bước chân vội vã rẽ nước sông, những giọt nước bắn tung lên trắng xóa, những gương mặt vui mừng, cảm động, những giọt nước mắt, những cánh tay vươn ra như muốn ôm tất cả vào lòng..., đã đi vào lịch sử của quê hương Quảng Trị, lịch sử của dân tộc Việt Nam. Sự trở về của các cán bộ chiến sỹ trong ngày chiến thắng cách đây 50 năm đã trở thành di sản tinh thần cách mạng quý giá của lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần kiên trung quả cảm và ý chí chiến thắng, là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Với bản lĩnh, khí chất của người cộng sản, các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày đã trở về với cuộc sống bình dị, có đồng chí vẫn tiếp tục công tác trong lực lượng vũ trang, nhiều đồng chí công tác trong hệ thống chính trị và các lĩnh vực công tác khác, để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, có những đồng chí đã trở thành lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và của địa phương, trong đó có đồng chí Trương Tấn Sang kính mến của chúng ta.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đời đời ghi nhớ và biết ơn những hy sinh, mất mát vô bờ bến của các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày, cho đất nước nở hoa độc lập, hái quả tự do như ngày hôm nay.

Kính thưa các đồng chí!

Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhờ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Trị, các tổ chức, đơn vị, cá nhân và các tầng lớp nhân dân đã có nhiều nỗ lực, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực; huy động được nhiều nguồn lực để chăm lo cho công tác đền ơn đáp nghĩa. Công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc, nâng cao đời sống các hộ gia đình người có công với nước đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân, như lẽ tự nhiên nhất, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái, nhân văn. Tuy nhiên, những bù đắp giành cho người có công với cách mạng vẫn không sao bằng được những gì mà họ đã cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Chúng ta cần tiếp tục cố gắng làm nhiều việc đền ơn đáp nghĩa thiết thực và có ý nghĩa hơn nữa để tri ân những người có công đã đóng góp hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh gìn giữ, bảo vệ đất nước, quê hương.

Kính thưa các đồng chí!

Nhân buổi gặp mặt long trọng này, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức, cá nhân tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện cho Hội hoạt động; tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, xây dựng xã hội giàu lòng nhân ái, nhân văn, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Một lần nữa thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị, tôi xin được bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và tình cảm trân trọng nhất.

Xin trân trọng cảm ơn !

 

699 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 884
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 884
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76407699