Trong thông điệp trên Twitter, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết đã yêu cầu Bộ trưởng châu Âu Wendy Morton triệu Đại sứ Pháp tại Anh tới gặp vào ngày 29/10 để giải thích về những lời đe dọa đáng thất vọng và không cân xứng chống lại Anh và quần đảo Channel. Chính phủ Anh cũng đã bày tỏ quan ngại mạnh mẽ trước phái bộ Pháp và Liên minh châu Âu (EU) về những điều mà London đánh giá là “ngôn ngữ đối đầu” từ phía Paris liên quan tới vấn đề này.
Những tranh cãi xoay quanh quyền tiếp cận các vùng biển của Anh trong thời hậu Brexit đã khiến mối quan hệ giữa London và Paris trở nên căng thẳng. Sáng 28/10, Pháp đã bắt giữ một tàu đánh cá của Anh và phát cảnh báo tới một tàu khác cũng của Anh. Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Pháp thông báo sẽ siết chặt kiểm soát hải quan với hàng hóa vận chuyển từ nước này sang Anh từ ngày 2/11 tới, nếu đàm phán với London về quyền đánh bắt cá thất bại. Các biện pháp này bao gồm: Cấm tàu cá Anh hoạt động tại một số cảng của Pháp; tăng cường kiểm tra hải quan - dịch tễ; kiểm tra an ninh định kỳ trên các tàu của Anh; tăng cường kiểm soát các phương tiện vận chuyển đến và đi từ Anh. Giới quan sát lo ngại, thái độ kiên quyết từ phía Pháp sẽ mang lại nhiều thách thức cho nền kinh tế Anh – vốn đang lao đao do tình trạng thiếu hụt lao động và giá năng lượng tăng cao, nhất là vào dịp lễ hội cuối năm.
Ông Clement Beaune, Bộ trưởng châu Âu của Pháp cảnh báo vào thời điểm hiện tại, Pháp cần “sử dụng ngôn ngữ của sức mạnh” vì đó dường như là điều duy nhất mà chính phủ Anh hiểu được. Trong khi đó, ông Andrew Brown, Giám đốc hãng Macduff Shellfish sở hữu con tàu Cornelis Gert Jan bị giới chức Pháp bắt giữ thì lại cho rằng, con thuyền đang trở thành "con tin" trong cuộc tranh cãi giữa Anh và Pháp.
Quyền đánh bắt cá là một trong những “nút thắt” cản trở tiến trình đạt được thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU để London chính thức rời khỏi EU từ ngày 1/1/2021. Trong thỏa thuận hậu Brexit đạt được giữa Anh và EU có điều khoản quy định ngư dân các nước EU được tiếp tục đánh bắt ở một số vùng biển của Anh với điều kiện họ phải có giấy phép, được cấp nếu họ có thể chứng minh đã đánh bắt tại những ngư trường này từ trước đó... Tuy nhiên, Pháp và Anh lại chưa tìm được tiếng nói chung. Pháp cũng phàn nàn rằng hiện Anh chỉ mới cấp một nửa số giấy phép cần thiết cho các tàu đánh cá của nước này hoạt động trên các vùng biển của Anh. Về phía Anh khẳng định họ đã phê duyệt 98% đơn xin cấp phép từ các tàu của EU hoạt động trong vùng biển nước này.
Vụ bắt giữ tàu cá là diễn biến mới nhất trong số những tranh cãi khiến quan hệ ngoại giao Anh-Pháp rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, gồm cả những mâu thuẫn chưa được giải tỏa xoay quanh thỏa thuận hợp tác ba bên AUKUS giữa Anh, Mỹ và Úc mà Anh là thành viên sáng lập khiến Pháp mất hợp đồng tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD./.
T.Lan (Theo Reuters, Sky News, Xinhua)