Lời đe họa trừng phạt được Mỹ đưa ra sau khi Văn phòng của Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer thông báo kết quả cuộc điều tra có tên gọi “Section 301” về kế hoạch đánh thuế kỹ thuật số của Pháp, cho rằng thuế công nghệ này của Pháp “không phù hợp với các nguyên tắc phổ biến của chính sách thuế quốc tế, và cho rằng luật sẽ gây ảnh hưởng lên các công ty của Mỹ”. Việc Mỹ đe dọa áp thuế được cho là hành động sẽ thổi bùng thêm cuộc tranh cãi thương mại vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và EU.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng động thái đánh thuế các hãng công nghệ mà Pháp đang thực thi là một hành vi bất công nhằm vào Mỹ, vốn là quê hương của đa số các tập đoàn công nghệ lớn. Tuy nhiên, giới chức Pháp khẳng định đây là biện pháp nhằm siết chặt thuế với giới công nghệ và không nhằm phân biệt đối xử với bất kỳ nước nào.
Tại cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại London, Anh ngày 3/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được hy vọng sẽ sớm giải quyết được những bất đồng liên quan đến thuế dịch vụ kỹ thuật số.
“Họ là các công ty Mỹ. Họ là các công ty công nghệ. Họ không phải là những người tôi ưu ái. Nhưng vì họ là các công ty của Mỹ, nên nếu bị đánh thuế thì chúng tôi sẽ là người đánh thuế họ chứ không phải một ai khác”, Tổng thống Donald Trump tuyên bố.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp là một “điều phi lý”. Đây là hành động được Pháp đưa ra hỗ trợ thâm hụt ngân sách cho nước này.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Thứ trưởng Kinh tế Pháp Agnes Pannier-Runacher ngày 3/12 cũng tuyên bố Pháp và EU sẵn sàng đáp trả quyết định của Mỹ đánh thuế lượng hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD của Paris. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết 28 thành viên EU sẽ cùng hành động và cho biết sẽ đưa vụ việc này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Tôi quyết tâm bảo vệ những lợi ích của đất nước tôi cũng như của châu Âu”, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết.
Người phát ngôn của EC, ông Daniel Rosario khẳng định EU luôn hành động và phản ứng một cách thống nhất và đoàn kết trong mọi vấn đề liên quan tới thương mại, đồng thời tái khẳng định cam kết của EU cùng hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về thuế kỹ thuật số đang là tâm điểm tranh cãi giữa Mỹ và Pháp.
Ngày 3/12, Áo cũng tái khẳng định quan ngại trước lời đe dọa của Mỹ về việc đánh thuế hàng hóa Pháp. Bộ Các vấn đề Kinh tế và Kỹ thuật số Áo nhận định, trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Mỹ và EU nên ngồi lại để tìm ra giải pháp bền vững giúp tháo gỡ tranh chấp thương mại thay vì đe dọa trừng phạt.
Các sản phẩm rượu vang và phô mai của Pháp cũng đã phải chịu mức áp thuế 25% sau phán quyết mới đây của WTO cho biết Mỹ có thể nhắm vào nhiều hàng hóa từ EU, do khối này không tuân thủ phán quyết trước của WTO liên quan đến việc trợ cấp cho Airbus.
Trước đó, ngày 11/7, Thượng viện Pháp thông qua kế hoạch đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số ở mức 3% tổng doanh thu hàng năm tại Pháp. Theo đó, mức thuế đánh vào doanh thu từ các dịch vụ kỹ thuật số tại Pháp của các công ty có hơn 25 triệu EUR (27,7 triệu USD) doanh thu ở Pháp và 750 triệu EUR (830 triệu USD) doanh thu mỗi năm trên toàn thế giới. Mức áp thuế được cho là sẽ thu về 400 triệu EUR trong năm nay và 650 triệu EUR (723 triệu USD) vào năm 2022.
Hiện, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) được hy vọng sẽ thông qua bản thỏa thuận toàn cầu về thuế kỹ thuật số vào năm sau để thay thế mức thuế 3% doanh thu tại Pháp mà Paris đang áp cho các doanh nghiệp công nghệ./.
Hoài Hà (Theo Reuters, AFP)