Ngày 7/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định dự thảo ngân sách quốc phòng mới công bố của Mỹ mang tính "đối đầu" với Nga và có thể khiến tình hình thêm bất ổn.
Theo ông Peskov, dự thảo ngân sách này có thể gây ra những hậu quả "khá nghiêm trọng và kéo dài" làm mất ổn định hơn nữa tình hình ở lục địa châu Âu. Nga cho rằng dự thảo ngân sách quốc phòng tài khóa 2023 được đàm phán ở cả hai viện Quốc hội Mỹ sẽ cung cấp 6 tỷ USD cho các sáng kiến răn đe nhằm vào Moskva, cấm hợp tác quân sự với Nga trong 5 năm tới và đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào các giao dịch với Nga liên quan đến vàng.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang có ý định tìm cách loại Nga khỏi một số tổ chức quốc tế, trong đó có Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
[Nga không nhận thấy triển vọng đàm phán hòa bình về vấn đề Ukraine]
Trước đó, ngày 6/12, Mỹ đã công bố dự thảo Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) tài khóa 2023. Theo đó, chi tiêu quốc phòng sẽ tăng thêm 45 tỷ USD so với đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó Mỹ sẽ chi ít nhất 800 triệu USD cho Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine, tăng 500 triệu USD so với mức đề xuất trước đó của ông Biden.
Dự luật cũng góp phần tăng cường Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương với các khoản đầu tư mới trị giá 11,5 tỷ USD.
NDAA là một trong những đạo luật quan trọng mà Quốc hội Mỹ phải thông qua hằng năm, thu hút sự quan tâm của dư luận. Dự kiến, dự thảo NDAA tài khóa 2023 sẽ được Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua ngay trong tháng này. Sau đó, dự luật sẽ được chuyển lên Nhà Trắng để ký ban hành luật.
Tuy nhiên, dự luật này không phải quyết định cuối cùng đối với vấn đề chi tiêu do các dự luật ủy quyền như NDAA chỉ tạo ra các chương trình và là cơ hội để triển khai các sáng kiến.
Quốc hội phải thông qua dự luật phân bổ, cung cấp thẩm quyền hợp pháp cho chính phủ để chi tiêu ngân sách liên bang. Hiện các nhà lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ vẫn chưa nhất trí về dự luật phân bổ ngân sách cho năm tới./.
Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)