Ngay sau khi cuộc tấn công xảy ra,Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng chỉ trích cuộc tấn công quân sự của Mỹ và các đồng minh Pháp và Anh nhằm vào Syria là hành động vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Putin nhấn mạnh vụ tấn công là hành vi thù địch nhằm vào một nhà nước có chủ quyền và Nga kịch liệt án hành động này. Ông khẳng định việc các cường quốc phương Tây tiến hành tấn công Syria sẽ dẫn tới hậu quả nhân đạo nghiêm trọng. Bằng những hành động này, Washington đang thúc đẩy một làn sóng người tị nạn mới từ Syria cũng như trên toàn khu vực. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời cho biết đã kêu gọi triệu tập một phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về cuộc tấn công của các cường quốc phương Tây tại Syria.
Bộ Ngoại giao Nga bình luận rằng việc Mỹ, Anh và Pháp không kích Syria cho thấy những nước này muốn trao cơ hội cho lực lượng cực đoan tại Syria khôi phục hàng ngũ.
Tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Cần phải lưu ý rằng hành động xâm lược được thực hiện vào đúng thời điểm quân đội Syria đang tiếp tục tấn công hiệu quả chống lại các nhóm khủng bố, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo tự xưng và Jabhat al-Nusra. Do đó, hành động của Mỹ cùng các đồng minh tạo cho các lực lượng cực đoan cơ hội lấy lại sức mạnh, khôi phục hàng ngũ của mình, kéo theo đổ máu tại Syria và làm phức tạp hóa tiến trình giải quyết chính trị".
Moskva cũng kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra đánh giá cần thiết về vụ tấn công nhằm vào Syria và loại bỏ khả năng tái diễn. Trong khi đó, cùng ngày, hãng tin TASS (Nga) dẫn lời Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từ chối cung cấp cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin những thông tin tình báo chứng minh "tội lỗi" mà Damascus bị cáo buộc, liên quan tới cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma của Syria.
Tại hội nghị thường niên của Hội đồng Đối ngoại và chính sách quốc phòng Nga, ông Lavrov nói rằng trong cuộc điện đàm ngày 13/4, Tổng thống Putin đã đề nghị Tổng thống Macron cung cấp "bằng chứng không thể chối cãi" như đã tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chứng minh việc chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma. Theo ông Putin, nếu việc đó xảy ra, Nga sẽ là nước đầu tiên hành động để ngăn cản hoạt động bất hợp pháp như vậy. Tuy nhiên, câu trả lời của ông Macron là: "Đó là một bí mật. Chúng tôi không thể cung cấp thông tin khi đó là bí mật, hơn nữa bí mật đó không phải là của chúng tôi".
Phản ứng về tiến công của liên quân Mỹ - Anh - Pháp, ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Syria đã lên án bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất, coi đây là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Bộ Ngoại giao Syria cũng cáo buộc cuộc tấn công của Mỹ và các nước đồng minh diễn ra cùng lúc với nhóm điều tra của Tổ chức Cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) tới Syria để điều tra sự thật về những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, chủ yếu nhằm gây trở ngại hoạt động điều tra. Syria kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ hành động gây hấn này, một hành động không những không mang lại kết quả nào mà sẽ làm kích động căng thẳng trên thế giới, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Bộ Ngoại giao Syria khẳng định, hành động hiếu chiến này sẽ không ảnh hưởng tới quyết tâm và ý chí của người dân và các lực lượng vũ trang Syria tiếp tục cuộc chiến chống phiến quân và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền cũng như khôi phục an ninh và ổn định của nước này.
Trong khi đó, phát biểu trước phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về các các cuộc không kích do Mỹ, Pháp và Anh vừa tiến hành nhằm vào Syria, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres, nhấn mạnh, rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria, mà thay vào đó chỉ có giải pháp chính trị. Ông kêu gọi các quốc gia nỗ lực tìm cách đạt được những tiến triển để tiến tới một giải pháp chính trị đáng tin cậy và thực sự, đáp ứng khát vọng của người dân Syria được có phẩm giá và sự tự do.
Tổng thư ký Liên hợp quốc một lần nữa nhấn mạnh các quốc gia có nghĩa vụ phải tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế nói chung, nhất là khi xử lý các vấn đề hòa bình và an ninh. Ông nhắc lại tuyên bố trước đó rằng, Hội đồng Bảo an có trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Do đó, Tổng thư ký kêu gọi các thành viên của Hội đồng Bảo an đoàn kết và gánh vác trách nhiệm này. Ông cũng hối thúc tất cả các quốc gia thành viên thể hiện sự kiềm chế trong những hoàn cảnh nguy hiểm này đồng thời tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang tình hình và làm tồi tệ hơn nữa tình cảnh khốn khổ của người dân Syria.
Tổng thư ký hối thúc Hội đồng Bảo an khẩn trương thiết lập một cơ chế thanh sát một cách hiệu quả việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Về phần mình, ông sẽ tiếp tục can dự cùng các nước thành viên để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không thông qua được một dự thảo nghị quyết do Nga đệ trình, trong đó lên án các cuộc tấn công quân sự do Mỹ, Pháp và Anh tiến hành nhằm vào Syria. Chỉ có 3 trong tổng số 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu ủng hộ, trong khi có 8 phiếu chống và 4 phiếu trắng.
Bộ Ngoại giao Iran cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công của Mỹ và các nước đồng minh vào một số mục tiêu của Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cho rằng, vụ tấn công đã vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế cũng như phớt lờ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Iran phản đối bất cứ việc sử dụng vũ khí hóa học nào, dựa trên luật pháp và các chuẩn mực tôn giáo, đạo đức của Iran, nhưng đồng thời phản đối việc viện cớ này để xâm lược bất cứ quốc gia độc lập nào. Ông Qasemi còn cho rằng, Mỹ và các đồng minh đã can thiệp quân sự vào Syria mà không có tài liệu chứng minh và trước khi có báo cáo cuối cùng của OPCW.
Chính phủ Cuba cũng lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Mỹ và một số đồng minh nhằm vào Syria, viện cớ cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường. Chính phủ Cuba đánh giá đây là hành động đơn phương, không được sự đồng thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vi phạm trắng trợn những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tấn công một quốc gia có chủ quyền và làm trầm trọng thêm những xung đột tại Syria cũng như khu vực. Chính phủ Cuba cho rằng, Mỹ đã tấn công Syria mà không đưa ra được bằng chứng về việc Syria sử dụng vũ khí hóa học, mặc dù OPCW đã thông báo sẽ nhanh chóng triển khai sớm một phái đoàn để điều tra vụ việc tại Douma, theo như yêu cầu của Syria và Nga. Cuba, với tư cách là một trong những nước ký kết đầu tiên và là thành viên của Công ước Không phổ biến vũ khí hóa học, kiên quyết bác bỏ việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, bởi bất kỳ đối tượng và hoàn cảnh nào. Đồng thời chính phủ cách mạng Cuba đã bày tỏ tình đoàn kết với người dân và Chính phủ Syria.
Cũng trong ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ tin tưởng rằng một giải pháp chính trị là cách duy nhất để giải quyết vấn đề Syria, đồng thời kêu gọi cuộc điều tra khách quan, công bằng và đầy đủ về các vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: "Chúng tôi kiên quyết phản đối việc sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế và ủng hộ việc tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia". Ngoài ra, Trung Quốc cũng kêu gọi các bên liên quan quay lại khuôn khổ luật pháp quốc tế và giải quyết vấn đề Syria thông qua đối thoại.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Belarus đã lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria. Bộ Ngoại giao Belarus kêu gọi tất cả các bên liên quan ngay lập tức ngừng sử dụng lực lượng quân sự chống lại các quốc gia khác và tìm các giải pháp khác để giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình. Bộ Ngoại giao Belarus cho rằng, bất cứ động thái đáp trả nào đối với việc sử dụng vũ khí hóa học nên dựa trên những chứng cứ rõ ràng và được thực thi phù hợp với tiêu chuẩn luật pháp quốc tế. Những tiêu chuẩn này đã không được xem xét trong cuộc tấn công nhằm vào Syria. Đồng thời Bộ Ngoại giao Belarus cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết đối với việc OPCW điều tra các cáo cuộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.
Bộ Ngoại giao Iraq lên án rằng, các vụ tấn công của phương Tây ở Syria "đã tạo cơ hội thuận lợi để các nhóm khủng bố tiếp tục trỗi dậy và phát triển sau khi chúng bị tiêu diệt gần như hoàn toàn ở Iraq và bị đẩy lùi tại Syria". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iraq Ahmed Mahjoub cảnh báo rằng các cuộc tấn công này là một diễn biến "rất nguy hiểm", đe dọa an ninh và ổn định của khu vực.
Trong phản ứng của mình, Iraq đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Arab có lập trường rõ ràng về cuộc xung đột Syria tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Arab lần thứ 29, dự kiến diễn ra tại thành phố Dhahran của Saudi Arabia vào ngày 15/4. Bộ Ngoại giao Iraq cũng cảnh báo rằng các cuộc không kích của phương Tây nhằm vào Syria ngày 14/4 là một diễn biến "rất nguy hiểm", có thể thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan trong khu vực.
Còn tại Hy Lạp, ngày 14/4, hàng nghìn người dân nước này đã xuống đường tuần hành trên các tuyến phố ở trung tâm thủ đô Athens để phản đối cuộc tấn công của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào Syria.
Theo ước tính của cảnh sát, có khoảng 6.000 thành viên Đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE) đã tham gia cuộc biểu tình lần này. Những người biểu tình mang theo các khẩu hiệu phản đối chiến tranh đã tập trung trước trụ sở Quốc hội Hy Lạp, sau đó tuần hành tới Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Athens. Phát biểu trước đám đông người biểu tình, Tổng Thư ký đảng KKE Dimitris Koutsoumbas kêu gọi Chính phủ Hy Lạp đứng ngoài cuộc xung đột, đóng cửa các căn cứ quân sự nước ngoài ở nước này và rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Những người biểu tình cho biết họ lên án cuộc tấn công do Mỹ, Anh và Pháp tiến hành nhằm vào Syria. Theo những người biểu tình, lý do nhằm trả đũa cuộc tấn công nghi có sử dụng vũ khí hóa học mà Mỹ và các nước đồng minh đưa ra để tấn công Syria chỉ là cái cớ. Thực chất, cuộc tấn công này là nhằm giành quyền kiểm soát các nguồn năng lượng trong khu vực.
Trong khi đó, tại nước Mỹ, chiến dịch không kích Syria do liên quân Mỹ, Anh và Pháp thực hiện sáng ngày 14/4 cũng đã vấp phải những cảnh báo mạnh mẽ ngay từ chính trong nội bộ nước này. Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ yêu cầu chính phủ vạch ra tầm nhìn chiến lược tỉ mỉ nếu định tiến hành thêm một chiến dịch quân sự quy mô lớn hơn nhằm vào quốc gia Trung Đông này và cần phải được Quốc hội thông qua./.
Tấn Vũ