Phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ 'chuyến bay giải cứu' 

Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu,” bị cáo Tô Anh Dũng xin thành khẩn nhận lỗi, ăn năn hối lỗi, thừa nhận nội dung và tội danh “nhận hối lộ” mà cáo trạng truy tố bị cáo là đúng. Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)
Phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ 'chuyến bay giải cứu'

Chiều 12/7, trong phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu,” nhiều bị cáo nguyên là cán bộ các Đại sứ quán ở nước ngoài đã khẳng định mục đích tổ chức các “chuyến bay giải cứu” là giúp đỡ công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài muốn về nước khi dịch COVID-19 hoành hành trên thế giới. Các chuyến bay này là thực hiện công tác bảo hộ công dân, không vì mục đích vụ lợi.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức, do thiếu nhận thức, những cán bộ này đã nhận tiền cảm ơn mà không ý thức được đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Bị cáo Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) khai khi có kế hoạch triển khai các chuyến bay giải cứu, rất nhiều doanh nghiệp muốn hợp tác cùng thực hiện với Đại sứ quán, tuy nhiên bị cáo Nam chỉ hợp tác duy nhất với bị cáo Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Nhật Minh).

Bị cáo Nam giải thích là do bị cáo Nghĩa có khách sạn ở Khánh Hòa mở cửa để đón khách du lịch, phù hợp với việc tổ chức cách ly công dân sau khi về nước, nên bị cáo Nam đồng ý phối hợp với bị cáo Nghĩa tổ chức các “chuyến bay giải cứu."

Sau đó, bị cáo Vũ Hồng Nam đã ký các Công điện gửi về Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Thanh Hóa, Thái Nguyên xin cách ly cho công dân và gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Cục Lãnh sự... để xin phê duyệt chuyến bay do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức.

Từ tháng 11/2020 đến cuối tháng 9/2021, Vũ Hồng Nam đã xin phê duyệt được 6 chuyến bay combo, đưa khoảng 1.490 công dân từ Nhật Bản về nước, giao cho Công ty Nhật Minh của Lê Văn Nghĩa tổ chức thực hiện (5 chuyến do Đại sứ quán cung cấp danh sách, 1 chuyến do Công ty Nhật Minh tự bán vé). Qua các chuyến bay này, Công ty Nhật Minh có lợi nhuận 18 tỷ đồng và đã đưa cho Vũ Hồng Nam tổng số hơn 1,8 tỷ đồng.

[“Chuyến bay giải cứu”: Nộp hồ sơ khó khăn, đưa tiền mới được chấp nhận]

Khai tại tòa, bị cáo Nam cho rằng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng này do bị cáo Nghĩa đưa với danh nghĩa tặng quà cảm ơn. Khi bị cáo Nam mở quà ra thì mới biết là tiền, bị cáo Nam gọi cho bị cáo Nghĩa để trả lại tiền, tuy nhiên không kiên quyết trả lại và thừa nhận đó là sai lầm của bị cáo.

Bị cáo Nam cho rằng khi tổ chức các chuyến bay giải cứu này là nhằm mục đích vì công dân, thực hiện công tác bảo hộ công dân và không vì mục tiêu vụ lợi. Trên thực tế, những chuyến bay này được tính toán nhằm giảm giá thành cho công dân và được người dân rất hài lòng.

Ban đầu, bị cáo Nam nghĩ số tiền bị cáo Nghĩa đưa là quà cảm ơn nên đã nhận số tiền này và không nghĩ đó là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đến nay bị cáo Nam nhận thức theo quy định pháp luật thì không được nhận số tiền này, bị cáo ý thức được sai lầm và đã hoàn trả lại số tiền này. Bị cáo thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố là chính xác và chấp nhận tội danh “nhận hối lộ” mà Viện Kiểm sát đã truy tố đối với bị cáo.

Tương tự bị cáo Vũ Hồng Nam, bị cáo Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) đánh giá các chuyến bay do các doanh nghiệp tổ chức đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo hộ công dân.

Với hiệu quả công việc này, bị cáo Tùng chỉ nghĩ đơn giản số tiền mà các doanh nghiệp đưa là quà cảm ơn và đã nhận số tiền đó. Bị cáo Tùng tự hiểu việc cảm ơn này của các doanh nghiệp là có ý nhờ bị cáo tiếp tục tạo điều kiện cho các chuyến bay tiếp theo.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Tùng đã nhận thức rõ, sâu sắc lỗi lầm của mình, theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng là không được phép nhận số tiền này và mong muốn khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khai khi tiếp xúc với các doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép các chuyến bay giải cứu đều tạo điều kiện hỗ trợ họ tối đa, không yêu cầu hay đòi hỏi các doanh nghiệp này phải nộp tiền. Số tiền mà bị cáo Dũng đã nhận của các doanh nghiệp là do bị cáo xác định đó là khoản tiền cảm ơn mà không nghĩ đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Phan tham van tai phien toa xet xu so tham vu 'chuyen bay giai cuu' hinh anh 2Các bị cáo tại phiên tòa trong ngày đầu tiên xét xử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bị cáo Tô Anh Dũng xin thành khẩn nhận lỗi, ăn năn hối lỗi, thừa nhận nội dung và tội danh “nhận hối lộ” mà cáo trạng truy tố bị cáo là đúng. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo Dũng và gia đình đã nộp gần 17 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Hiện bị cáo đang tác động gia đình để nộp nốt số tiền hưởng lợi bất chính còn lại. Bị cáo Dũng mong được Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Bị cáo Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) thừa nhận sai phạm của mình và toàn bộ nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát Tối cao đã truy tố đối với bị cáo là đúng.

Bị cáo Dũng bày tỏ sự tiếc nuối về những sai phạm của mình, nhất là trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch. Bị cáo Dũng đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ và mong được Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo.

Sáng 13/7, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo./.

Từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.

Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.

Cơ quan điều tra phát hiện để có chi phí "bôi trơn," nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé máy bay, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”

54 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ,” “Nhận hối lộ,” “Môi giới hối lộ,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Trong số 54 bị cáo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố:

21 bị cáo về tội “Nhận hối lộ.”

23 bị cáo về tội “Đưa hối lộ."

4 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."

4 bị cáo về tội “Môi giới hối lộ."

1 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

1 bị cáo về cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ."

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)
180 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 979
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 979
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87203958