Bộ Quốc phòng Phần Lan ngày 18/5 thông báo nước này và Thụy Điển sẽ mua chung súng cầm tay và các loại vũ khí chống tăng, giữa lúc hai quốc gia láng giềng Bắc Âu vừa chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo bộ trên, Helsinki và Stockholm sẽ tăng cường hợp tác mua sắm quốc phòng thông qua việc Phần Lan tham gia thỏa thuận mua vũ khí chống tăng từ hãng sản xuất vũ khí Saab Dynamics - công ty con thuộc tập đoàn công nghiệp quốc phòng Saab của Thụy Điển.
Thỏa thuận này mở đường cho các thương vụ mua sắm các loại tên lửa, súng trường không giật, đạn dược và các loại thiết bị liên quan khác.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen cũng phê duyệt kế hoạch chuẩn bị cho hợp đồng mua chung các loại súng cầm tay cỡ nhỏ - bao gồm súng trường tấn công, súng bắn đạn ghém và súng bảo vệ cá nhân.
Trước đó cùng ngày, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO tại trụ sở của liên minh quân sự này và dự kiến tiến trình gia nhập NATO sẽ được khởi động trong ít tuần tới.
Tại buổi lễ ngắn diễn ra ở Brussels (Bỉ), các đại sứ của Phần Lan và Thụy Điển tại NATO đã nộp đơn xin gia nhập khối liên minh quân sự này.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Đây là thời khắc lịch sử mà chúng ta phải nắm giữ,” đồng thời hoan nghênh nguyện vọng của hai nước trở thành thành viên của NATO. Ông cũng bày tỏ tin tưởng việc Phần Lan và Thụy Điển tham gia liên minh quân sự sẽ giúp tăng cường an ninh chung của khu vực.
[Nội các Đức phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, Phần Lan]
Trước đây, Phần Lan và Thụy Điển duy trì quan điểm trung lập về quân sự. Động thái gia nhập NATO của hai nước này sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất đối với cấu trúc an ninh của châu Âu trong nhiều thập kỷ, phản ánh sự thay đổi quan trọng về lập trường tại khu vực Bắc Âu kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2 vừa qua.
Cũng trong ngày 18/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho nỗ lực của Phần Lan và Thụy Điển nhằm gia nhập NATO.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng dùng từ “lịch sử” để đánh giá về quyết định của 2 quốc gia Bắc Âu xin gia nhập NATO./.
Tuấn Anh (TTXVN/Vietnam+)