Hoài vọng một thời sinh viên
Vào năm 2005, tôi là một trong những sinh viên đến từ 27 tỉnh thành trong cả nước, ngày khai giảng năm ấy chúng tôi chỉ có 3 lớp tập trung tại Văn phòng Đại diện Đại học Huế. Lần đầu tiên xa nhà, lại vào học đại học, biết bao thứ lạ lẫm, đầy bỡ ngỡ. Vậy mà nhờ có các thầy cô luôn ở bên động viên, quan tâm nên dần dần đứa nào cũng thích nghi được với môi trường ở mới, mạnh dạn tham gia vào các hoạt động. Không có nhiều điểm vui chơi giải trí như bây giờ, ngoài giờ lên lớp chúng tôi tự thiết kế các sân chơi kỹ năng, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu với các chi đoàn bạn.
Cứ thế ngày lên lớp, tối về lại đàn hát giao lưu nhờ thế mà dù là sinh viên các lớp khác nhau chúng tôi ngày ấy đều biết hết tên của từng bạn, mãi sau này ra trường vẫn còn gọi tên nhau. Tinh thần đoàn kết ấy đã kết tinh nên nét riêng của sinh viên Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị. Kỷ niệm nhiều vẫn là những chuyến tình nguyện về với vùng sâu vùng xa ở huyện Đakrông, Quảng Trị. Thấu hiểu khó khăn của người dân nơi đây, những sinh viên Phân hiệu Đại học Huế bấy giờ dưới sự dẫn dắt của Đoàn Thanh niên đã tập hợp thành các nhóm tình nguyện, nhóm phụ trách hỗ trợ cho các em ở mái ấm tình hồng, cứ cuối tuần hay mỗi dịp trung thu đều quyên góp tiền mua bánh kẹo, sách vở qua thăm các em, cùng tổ chức văn nghệ và tặng quà cho các em, dạy cho các em học, tổ chức các trò chơi tập thể giúp các em tự tin, vui vẻ hòa nhập với cuộc sống.
|
Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị được đầu tư xây dựng khang trang
|
Nhóm khác tổ chức tình nguyện ở vùng sâu khi đứng ra vận động bạn bè có gia đình chạy xe hỗ trợ chuyến xe miễn phí lên với vùng cao để đến với dân bản, các món quà gửi tới người dân lúc bấy giờ là những túi quần áo cũ được các tình nguyện viên vận động bạn bè sinh viên, các chủ nhà trọ, vào tận ngõ từng nhà dân thành phố Đông Hà thu gom về giặt giũ sạch sẽ, phân chia theo túi độ tuổi, giới tính để phát cho tận nhà dân. Nhớ lần ấy, quãng đường vào với dân bản phải cách cả chục cây số đường rừng, nhưng đứa nào cũng gắng sức vượt qua để trao gửi tình cảm của các “mạnh thường quân” gửi đến người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
|
Sinh viên nghiên cứu khoa học tại Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị
|
Hạnh phúc lúc đó của chúng tôi là được chia sẻ và mang sức trẻ tới vùng sâu vùng xa. Chuyến tình nguyện này, nối tiếp chuyến tình nguyện kia đã giúp sinh viên Phân hiệu Đại học Huế tạo nên được nét đặc trưng riêng là ham học, vượt khó, tình nguyện, biết chia sẻ yêu thương, sống trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Thông qua những hoạt động ấy, có sinh viên đã thể hiện bản lĩnh để trở thành những thủ lĩnh đoàn tiêu biểu lúc bấy giờ. Trở lại với trường ngày nay, thông qua những lời kể của các bạn sinh viên, những bức hình lưu giữ tại phòng truyền thống, chúng tôi cũng thấy vui mừng khi sinh viên Phân hiệu Đại học Huế vẫn giữ được khí chất của năm xưa, vẫn xung kích tình nguyện đóng góp sức trẻ cho quê hương Quảng Trị còn nhiều khó khăn nhưng với cách làm mới, sáng tạo, trí tuệ và kết nối.
Đoàn Thanh niên đã để lại những dấu ấn tình nguyện nơi các bạn đi qua bằng những công trình mang đậm chất kỹ sư của sinh viên ngành kỹ thuật, đó là Công trình Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh khi tiếp tế đảo Cồn Cỏ tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh; là những đoạn đường bê tông nông thôn, sân bóng chuyền, sân khấu trung tâm của xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, là sân chơi trẻ em tại xã A Túc, Hướng Hóa, hay xây dựng điểm trường Cheng tại xã Hướng Lộc, Hướng Hóa… Công trình thanh niên gắn bảng tên của Phân hiệu Đại học Huế ngày càng nhiều lên nhưng quan trọng là tình cảm, đóng góp của các bạn sinh viên Phân hiệu cho các địa bàn tình nguyện đều được người dân biết đến và dành nhiều tình cảm quí mến.
Nhìn về tương lai
|
Niềm vui của sinh viên ngày ra trường
|
Trong dịp về thăm trường lần này, chúng tôi cảm nhận được một sức sống mới khởi sắc của ngôi trường sau 12 năm xây dựng, hình thành và phát triển. Nhớ ngày đầu trường chỉ mới có Văn phòng đại diện, sau được đầu tư xây dựng cơ sở tại 133 Lý Thường Kiệt. Nay Phân hiệu càng bề thế, khang trang hơn khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tư xây dựng tại cơ sở 2 tại đường Điện Biên Phủ. Giờ đây, các thầy cô giảng bài thông qua giáo án điện tử, sinh viên được trao đổi thảo luận sôi nổi, được đứng lên thuyết trình để trình bày nội dung mình hiểu, mình tâm đắc trước tập thể lớp.
Được dự một buổi học của các bạn sinh viên Phân hiệu Đại học Huế mới thấy được sự tâm huyết yêu nghề của người thầy, lòng ham học hỏi, sáng tạo của sinh viên thời đại mới. Thấy các kỹ sư tương lai vừa học vừa thực hành trên các trang thiết bị hiện đại tại các phòng thí nghiệm chúng tôi cứ ngỡ nhà trường ngày nay như một trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hoặc là một mô hình khép kín giữa nhà trường với doanh nghiệp vậy. Phân hiệu Đại học Huế đang ngày càng đổi mới hơn qua các lớp học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài (Mỹ, Anh, Đức), qua các lớp đào tạo kỹ năng mềm với các chuyên gia quốc tế (Đại học Hawaii, Mỹ) hay đến từ các doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng ngỡ ngàng khi được tham quan 2 tòa nhà với 500 chỗ ở khu ký túc xá khang trang hiện đại, có wifi, nóng lạnh, điều hòa và sân chơi thoáng mát. Chia sẻ với chúng tôi, sinh viên Nguyễn Hùng - Lớp Kỹ thuật công trình xây dựng K4 cho biết: “Em đã chứng kiến từng ngày sự thay da đổi thịt của Phân hiệu. Thật không ngờ trên mảnh đất Quảng Trị lại có một cơ sở đào tạo đại học công lập, hiện đại để chúng em được ăn cơm nhà, học đại học và rồi vươn ra biển lớn”. Nhìn lại chính mình, chúng tôi và các khóa sau, thật tự hào khi biết bao sinh viên sau khi tốt nghiệp từ ngôi trường Phân hiệu Đại học Huế được đến làm việc ở hàng chục tỉnh thành trải dài từ Bắc vào Nam.
Trong cuộc gặp gỡ, TS. Trương Chí Hiếu, Giám đốc Phân hiệu cho biết “Phân hiệu Đại học Huế đã hội tụ đủ thời gian và đã chuẩn bị sẵn sàng cho một bước phát triển mới, với đội ngũ cán bộ quản lý trẻ và một tập thể cán bộ giảng viên đoàn kết, không ngừng nâng cao trình độ và chuyên môn, nhiệt tình, tâm huyết và gắn bó với mảnh đất Quảng Trị cùng với sự hỗ trợ của lãnh đạo Đại học Huế, chính quyền tỉnh Quảng Trị sẽ là động lực quan trọng để chúng tôi quyết tâm sớm xây dựng một trường Đại học Kỹ thuật uy tín, với tiêu chí hiện đại, văn minh, trách nhiệm với cộng đồng.
Trong quá trình đó, Phân hiệu quyết tâm không ngừng đổi mới hoạt động, phương pháp đào tạo để đảm bảo sinh viên có kiến thức vững vàng, đặc biệt về chuyên ngành và ngoại ngữ, thành thạo kỹ năng làm việc và các kỹ năng mềm để nhanh chóng hòa nhập vào thị trường lao động chất lượng cao.” Chúng tôi - những cựu sinh viên - rất vui mừng khi được các lãnh đạo nhà trường chia sẻ thêm các thông tin về định hướng phát triển của Phân hiệu.
Tại kết luận buổi làm việc giữa Đại học Huế với UBND tỉnh Quảng Trị ngày 14/10/2016 đã nêu rõ “quan tâm, tạo điều kiện để xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của phân hiệu theo định hướng phát triển các ngành kỹ thuật, sớm xây dựng đề án thành lập Trường đại học Kỹ thuật, phấn đấu xây dựng Trường Đại học Kỹ thuật trực thuộc Đại học Huế vào năm 2018” và mới đây tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Quảng Trị với Đại học Huế vào ngày 14/6/2017 đã một lần nữa thể hiện quyết tâm, ý chí nguyện vọng đưa Phân hiệu Đại học Huế phát triển thành Trường Đại học Kỹ thuật trong thời gian sớm nhất để phục vụ nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao của tỉnh nhà.
|
Tập huấn chương trình phát triển lành mạnh cho thế hệ trẻ
|
Chúng tôi có dịp được chứng kiến các bạn sinh viên trong các câu lạc bộ karate, khiêu vũ, âm nhạc trình diễn các tiết mục. Trong không khí này chúng tôi như sống lại một thời sinh viên của ngày nào. Cùng trò chuyện với anh Nguyễn Văn Huế, Bí thư Đoàn Thanh niên, anh cho biết: “Kế thừa truyền thống trước đây, Đoàn Thanh niên Phân hiệu Đại học Huế đang phát huy hơn nữa lửa nhiệt tình của thanh niên và xây dựng các kỹ năng để góp phần giáo dục toàn diện hướng tới giá trị Chân - Thiện - Mỹ cho sinh viên”.
Hành trình kết nối cuối của cựu sinh viên và sinh viên Phân hiệu Đại học Huế là điểm dừng chân tại Ký túc xá sinh viên, tiếp xúc cùng chia sẻ với các bạn, chúng tôi không quên kể về những kỷ niệm đẹp thời sinh viên cho các bạn cùng nghe. Qua những câu chuyện ấy, chúng tôi mong rằng hôm nay được sống trong điều kiện học tập và môi trường sinh hoạt ký túc xá hiện đại nhất khu vực miền Trung, các bạn phải cố gắng để học tập tốt hơn, chia sẻ yêu thương, gắn bó giúp đỡ nhau để sau này các bạn vẫn sẽ mãi tự hào là sinh viên Phân hiệu Đại học Huế, sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, biết yêu thương, chia sẻ, đoàn kết như những người thân trong một gia đình.
Tạm biệt quý thầy cô, các bạn sinh viên, chúng tôi những cựu sinh viên vẫn mãi tự hào về một Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị, vẫn giữ nhiệt huyết của tuổi trẻ, đem tri thức thầy cô truyền dạy, đem kỹ năng rèn giũa của tuổi trẻ thời sinh viên để góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp và mong rằng tới đây trên quê hương anh hùng Quảng Trị sẽ có một trường Đại học Kỹ thuật được thành lập như nguyện vọng của chính quyền và người dân nơi đây cũng như những nỗ lực của các thế hệ thầy cô và sinh viên Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị.
Văn Huế
|