Một phái đoàn của Chính phủ Sri Lanka tới Mỹ trong ngày 17/4 nhằm đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về gói hỗ trợ trị giá 4 tỷ USD nhằm cứu vãn nền kinh tế của đất nước hiện đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng ngoại hối nghiêm trọng.
Hãng tin PTI cho biết, Phái đoàn của Sri Lanka do Bộ trưởng Tài chính mới được bổ nhiệm Ali Sabry dẫn đầu sẽ hội đàm với từ 19-24/4.
Chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Tài chính thông báo việc đình chỉ trả nợ nước ngoài, bao gồm trái phiếu và các khoản vay giữa chính phủ với chính phủ, trong khi chờ hoàn thành chương trình tái cơ cấu khoản vay với IMF.
Sri Lanka phải trả 7 tỷ USD nợ trong năm nay. Đây là lần vỡ nợ đầu tiên của Sri Lanka trong lịch sử kể từ năm 1948.
Hiện 22 triệu dân của đất nước này đang phải đối mặt với tình trạng cắt điện kéo dài 12 giờ, khan hiếm thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác như thuốc men.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Sri Lanka (SEC) ngày 16/4 thông báo rằng Sở giao dịch chứng khoán Colombo sẽ tạm thời đóng cửa trong một tuần kể từ 18/4 để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có cơ hội hiểu rõ về các điều kiện kinh tế hiện tại đang gặp khủng hoảng giúp họ "đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt."
[Sri Lanka tạm dừng thanh toán nợ nước ngoài để tránh vỡ nợ]
Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948.
Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng gây ra tình trạng hỗn loạn chính trị tại quốc đảo này với việc người dân tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố về việc cắt điện kéo dài trong nhiều tuần và thiếu nhiên liệu, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác hàng ngày.
Đầu tháng này, toàn bộ Nội các Sri Lanka - trừ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và anh trai của ông (Thủ tướng Mahinda Rajapaksa) - đã từ chức sau khi hàng nghìn người bất chấp tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm trên toàn quốc đã tham gia các cuộc biểu tình đường phố.
Tổng thống Rajapaksa đã nói rằng cuộc khủng hoảng ngoại hối không phải do chính phủ của ông gây ra, suy thoái kinh tế phần lớn là do ảnh hưởng của đại dịch trong khi doanh thu du lịch của quốc đảo và lượng kiều hối suy giảm.
Tổng thống Gotabaya đã sa thải anh trai và Bộ trưởng tài chính Basil Rajapaksa vào đầu tháng này và mời các đảng Đối lập thành lập một Nội các thống nhất để trấn an sự bất bình của công chúng trước những khó khăn do khủng hoảng kinh tế gây ra. Tuy vậy, phe đối lập từ chối đề nghị thành lập Nội các thống nhất.
Trong bối cảnh Sri Lanka thiếu hụt ngoại hối trầm trọng, Ấn Độ đã cung cấp khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD để giúp Sri Lanka nhập khẩu nhiên liệu - cứu cánh quan trọng cho đảo quốc này.
Ấn Độ gần đây thông báo cung cấp thêm khoản tín dụng 1 tỷ USD cho Sri Lanka như một phần của hỗ trợ tài chính cho nước này nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế./.
Tiến Hiến (TTXVN/Vietnam+)