Phá vụ mua bán hóa đơn GTGT trị giá gần 2.000 tỷ đồng 

(ĐCSVN) - Phá vụ mua bán hóa đơn GTGT trị giá gần 2.000 tỷ đồng; Tổng cục Du lịch thu hồi công văn “xin 400 vé máy bay”; EU sẽ chi 2,4 tỷ euro để mua các loại vaccine phòng COVID-19 đang được bào chế... là một số tin đáng chú ý ngày 4/6.
Phá vụ mua bán hóa đơn GTGT trị giá gần 2.000 tỷ đồng

Phá vụ mua bán hóa đơn GTGT trị giá gần 2.000 tỷ đồng

Ngày 4/6, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết đã làm rõ đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) trái phép trị giá gần 2.000 tỷ đồng do đối tượng Doãn Ngọc Huy (SN 1987, trú tại Quận 2, TP.HCM) cầm đầu.

Theo cơ quan Công an, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có dấu hiệu mua bán hóa đơn GTGT trái phép của các doanh nghiệp ở Yên Bái, TP.HCM với số lượng lớn để kê khai hợp thức hàng hóa mua vào.

Thông tin bước đầu, Doãn Ngọc Huy cùng 3 đối tượng khác sử dụng giấy tờ tùy thân giả mang tên cá nhân giả ở các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Thái Bình, TP.HCM... để làm người đại diện theo pháp luật thành lập 5 công ty phát hành hóa đơn GTGT khống cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước.

Sau 3 tháng tập trung triển khai chuyên án, bước đầu xác định, Doãn Ngọc Huy chỉ đạo Trần Khánh Hưng (SN 1986) sử dụng Facebook có tên là "Tony Trần" đăng thông tin hỗ trợ công ty xuất hóa đơn, rao bán hóa đơn trên mạng Internet để tìm người mua với giá bán bằng 3% giá trị hàng hóa khống ghi trên hóa đơn.

Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn khống, nhóm của Huy đề nghị người mua ký khống ủy nhiệm chi và giấy giới thiệu gửi cho nhóm của Huy. Sau đó, Huy thuê Nguyễn Duy Thanh (SN 1987) và Nguyễn Xuân Lộc (SN 2002, đều trú tại TP.HCM) cấu kết với các nhân viên chi nhánh ngân hàng, làm thủ tục thanh toán khống trên hệ thống ngân hàng bằng cách: Lập giấy nộp tiền không vào tài khoản đơn vị, doanh nghiệp mua hóa đơn, đồng thời dùng ủy nhiệm chi để làm thủ tục chuyển tiền trên hệ thống tài khoản của đơn vị doanh nghiệp mua hóa đơn đến các tài khoản công ty bán hóa đơn do Huy điều hành, cùng lúc đó nhóm của Huy lập tức làm thủ tục rút tiền mặt khỏi tài khoản.

Với thủ đoạn như trên, trong thời gian từ năm 2018 - 2019, nhóm của Huy đã bán hàng nghìn hóa đơn GTGT với doanh số gần 2.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 60 tỷ đồng. 

Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Doãn Ngọc Huy, Nguyễn Duy Thanh, Trần Khánh Hưng, Nguyễn Xuân Lộc và các đối tượng liên quan.

Hiện cơ quan cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, củng cố chứng cứ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

 Công văn gây tranh cãi của Tổng cục Du lịch (Ảnh: nhandan.com.vn)

Tổng cục Du lịch thu hồi công văn “xin 400 vé máy bay”

Sáng 4/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Airs, Bamboo Airways đã họp báo liên quan đến vụ việc công văn số 167/TCDL-TTDL “xin” vé máy bay của Tổng cục Du lịch dành cho hoạt động kích cầu. Tại cuộc họp báo, đại diện Tổng cục Du lịch là ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng đã xin lỗi và rút lại công văn nêu trên.

Trước đó, ngày 2/6, Tổng cục Du lịch ban hành văn bản số 167/TCDL-TTDL có nội dung đề nghị các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways cung cấp tổng số 400 vé cho các hoạt động kích cầu nội địa của Tổng cục Du lịch.

Tại cuộc họp, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông Hãng Hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết, hằng năm VNA phối hợp cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch tổ chức nhiều chương trình kích cầu, xúc tiến du lịch và phía VNA đều có những hỗ trợ cụ thể trong hoạt động kích cầu du lịch thông qua vé hay chuyên chở hàng hóa.

Ông Dương Hoài Nam, Giám đốc Văn phòng khu vực miền bắc của Vietjet Air cho biết, Vietjet Air và Tổng cục Du lịch đã có những hợp tác chiến lược để kích cầu du lịch trong nhiều năm qua. Về văn bản, ông Dương Hoài Nam cho rằng có thể Tổng cục Du lịch lo lắng, muốn đẩy nhanh kích cầu du lịch nội địa nên đã ban hành văn bản này.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trần tình: “Thực chất công văn 167 này chỉ là triển khai cụ thể kế hoạch đã thống nhất từ trước đó. Tuy nhiên, xuất phát từ áp lực muốn đẩy nhanh thị trường du lịch nội địa nên Tổng cục Du lịch đã ban hành văn bản này. Tổng cục Du lịch nhận thấy văn bản chưa phù hợp nên sẽ thu hồi và mong ba hãng hàng không Vietjet, Vietnam Airlines và Bamboo cảm thông”.

Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Chiều 3/6, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Văn phòng Bộ đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Du lịch báo cáo về nội dung văn bản 167 mà báo chí đã nêu. Theo ý kiến của chỉ đạo của Bộ trưởng, văn bản này không phù hợp trong thời điểm hiện tại. Sáng 4/6, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nhận báo cáo giải trình của Tổng cục Du lịch. Thứ trưởng Lê Quang Tùng, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng đã ký văn bản yêu cầu Tổng cục Du lịch thu hồi văn bản 167 đồng thời giao Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 6/6”.

 Nghiên cứu viên thử nghiệm bào chế vaccine phòng dịch COVID-19 trên mẫu bệnh phẩm tại phòng thí nghiệm bệnh viện ở Bologna, Italy ngày 15/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

EU sẽ chi 2,4 tỷ euro để mua các loại vaccine phòng COVID-19 đang được bào chế

Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/6 cho biết EU sẽ sử dụng quỹ khẩn cấp 2,4 tỷ euro để thúc đẩy việc mua trước các loại vaccine được hy vọng sẽ phòng ngừa bệnh COVID-19.

Động thái trên đã được thảo luận tại cuộc họp các đại sứ EU ngày 3/6, sau khi Đức, Pháp, Italy, và Hà Lan cho biết đang đẩy nhanh các cuộc đàm phán với các công ty dược phẩm để có thể tiếp cận với các loại vaccine đang được bào chế với mục tiêu phòng ngừa COVID-19.

Quỹ trên, mang tên Công cụ hỗ trợ khẩn cấp (ESI), cũng sẽ được sử dụng để tăng khả năng sản xuất vaccine tại châu Âu, đồng thời đưa ra một đảm bảo trách nhiệm pháp lý cho các công ty dược phẩm.

Nỗ lực của EU được đưa ra sau khi Mỹ có các động thái nhằm đảm bảo mua được các loại vaccine đang được bào chế, trong đó có gần 1/3 trong số 1 tỷ liều đầu tiên dự kiến được đưa ra thử nghiệm của hãng dược AstraZeneca. Một quan chức EU cho biết khối này cần hành động vì Mỹ đang làm việc này cho dù việc này có thể đồng nghĩa với nguy cơ "mất tiền không" nếu các loại vaccine được đặt mua không thành công với mục tiêu phòng COVID-19.

EU đã sẵn sàng chấp nhận các rủi ro tài chính lớn hơn vì lo ngại không được tiếp cận nhanh với một loại vaccine có thể chống lại loại virus đã làm 385.000 người thiệt mạng trên khắp thế giới. EU cũng lo ngại không có đủ liều để tiêm phòng phổ cập cho gần 450 triệu công dân của mình nếu bào chế được một loại vaccine có khả năng phòng SARS-CoV-2. Khối này đang nghiên cứu một chiến lược tiêm phòng để ưu tiên cho những người cần được tiêm phòng nhất, như các y tá, bác sĩ và người già. Hiện chưa rõ làm thế nào sáng kiến của EU có thể phối hợp với các kế hoạch của các nước thành viên riêng lẻ để đảm bảo có vaccine từ các công ty dược phẩm./.

 
P.V (tổng hợp)
406 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1020
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1020
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87201382