Ngày 25/6, Quốc hội Pakistan đã phê duyệt dự thảo ngân sách tài khóa 2023-2024 của chính phủ. Dự thảo được sửa đổi nhằm đáp ứng các điều kiện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong nỗ lực sau cùng để thể chế tài chính này giải ngân thêm các khoản cứu trợ cho Pakistan.
Phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Chủ tịch Hạ viện Raja Pervaiz xác nhận dự luật ngân sách đã được thông qua. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Ishaq Dar đề ra các loại thuế mới và các hướng cắt giảm chi tiêu.
Bộ trưởng Ishaq Dar cũng đã công bố một số điều chỉnh khác, trong đó có việc tăng thuế xăng dầu và dỡ bỏ tất cả hạn chế nhập khẩu - vốn là một trong những mối quan ngại chính của IMF trong khuôn khổ các biện pháp thắt chặt tài chính đối với nền kinh tế Pakistan.
Quyết định sửa đổi dự thảo ngân sách được tiến hành sau khi Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif gặp Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp ước Tài chính Toàn cầu Mới ở Thủ đô Paris (Pháp) trong tuần này, tiếp đó là các cuộc đàm phán trực tuyến kéo dài ba ngày giữa hai bên.
[Thủ tướng Pakistan hối thúc IMF sớm giải ngân gói cứu trợ]
Vào năm 2019, IMF đã nhất trí cấp gói Hỗ trợ Dài hạn (EFF) trị giá 6,5 tỷ USD cho Pakistan.
Tuy nhiên, ngày 30/6 tới, tức chỉ còn 5 ngày nữa gói hỗ trợ này sẽ hết hạn, IMF phải xem xét liệu có nên giải ngân cho Pakistan một phần tiền trong 2,5 tỷ USD còn lại của quỹ này trước thời điểm hết hạn hay không. Các đợt giải ngân các gói cứu trợ cho nước này đã bị đình trệ kể từ tháng 11 năm ngoái.
Với dự trữ tiền tệ hầu như không đủ để trang trải cho hoạt động nhập khẩu trong vòng một tháng, Pakistan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán nghiêm trọng. Các nhà phân tích cho rằng quốc gia Nam Á này có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ nếu không nhận được các gói cứu trợ từ IMF.
Theo đánh giá của EFF vào đầu năm nay, Pakistan đã nỗ lực hết sức để đảm bảo được hưởng các gói cứu trợ của IMF - đây là yếu tố quan trọng đảm bảo các đợt viện trợ song phương và đa phương khác dành cho Pakistan.
Tuy nhiên, vào giữa tháng Sáu, IMF bày tỏ không đồng tình với dự thảo ngân sách ban đầu của Pakistan do cho rằng gói ngân sách này sẽ bỏ lỡ cơ hội tăng nguồn thu thuế./.
Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)