OPEC+ và những bế tắc trong việc duy trì giá dầu mỏ 

(Chinhphu.vn) – Hội nghị OPEC+ nhằm tìm kiếm một sự đồng thuận về việc tiếp tục giảm nguồn cung ra thị trường chí ít trong vòng 6 tháng tới diễn ra thật không đúng lúc. Trong khi nền kinh tế thế giới nói chung và tại một số quốc gia nói riêng đang có một số chỉ dấu manh nha của cuộc khủng hoảng mới thì dịch COVID-19 lại bùng phát và lây lan.
OPEC+ và những bế tắc trong việc duy trì giá dầu mỏ

Xem biểu đồ trên, có thể thấy rằng mặc dù OPEC+ đã được thành lập và sản lượng đã được các nước thành viên trong khối cắt giảm (xem bảng thống kê dưới đây) nhưng giá dầu vẫn khó có thể duy trì ở mức khả dĩ nếu không tiếp tục kéo giảm hẳn xuống mức khai thác.

Theo đánh giá, 60% nhu cầu về dầu mỏ trên thế giới là để phục vụ cho giao thông vận tải (chủ yếu là xe ô tô). Thời buổi dịch bệnh, đa phần người dân sẽ ở nhà đồng nghĩa với việc xe cộ cũng chỉ nằm yên tại chỗ. Chỉ trong ngày 16/3, lợi nhuận của ngành công nghiệp chế biến xăng dầu Mỹ đã sụt giảm tới 95%, có những thời điểm trong ngày còn biểu thị bằng chỉ số âm.

Mặc dù Chính phủ Mỹ đã quyết định nhân giá dầu sụt giảm sẽ mua thêm 77 triệu thùng cho kho dự trữ quốc gia và một số nước khác cũng đang ấp ủ kế hoạch như vậy nhưng với lượng cung quá dồi dào, lượng dầu dư thừa trước sau rồi cũng sẽ chẳng có người mua.

Đã ít nhiều xuất hiện những dự báo (mà đại diện trong số này là Trafigura- một trong ba nhà cung cấp dầu lớn nhất trên hành tinh), với mức khai thác khoảng 100 triệu thùng của năm 2019 thì mức cầu giảm trong thời gian tới đã khoảng 10 triệu thùng/ngày. Tháng Hai là thời điểm mà Trung Quốc phải gồng mình chống đỡ sự hoành hành của virus corona, nhu cầu về dầu tại đây giảm 20% tương đương với khoảng 3 triệu thùng/ngày. Hiện nay, trên thị trường dầu mỏ tình hình xem ra cũng ảm đạm chẳng khác gì so với hồi tháng Hai tại Trung Quốc nhưng với quy mô và mức độ còn ghê gớm hơn. Mỹ, Đức, Pháp, Italy, Anh và Canada tiêu thụ khoảng 31 triệu thùng/ngày. Nếu mức cầu tại các quốc gia này cũng giảm khoảng 20% như tại Trung Quốc thì sẽ tương đương với trên 6 triệu thùng/ngày! So sánh với các số liệu trong quá khứ mới thấy rằng nếu con số dự báo là đáng tin cậy thì quả là chưa từng có trong lịch sử: Trong năm 2009 là thời kỳ suy thoái lớn, mức tiêu thụ dầu mỏ giảm bình quân 1 triệu thùng/ngày và năm 1980 khi diễn ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, con số này là 2,65 triệu thùng/ngày.

Saad Rahim - kinh tế trưởng của Tập đoàn Trafigura nhận định sẽ có thời kỳ mức tiêu thụ dầu mỏ sụt giảm từng ngày.

Mức cầu thì thấp, kể cả trong trường hợp OPEC+ đạt được thoả thuận thì cũng khó có thể cưỡng lại xu thế thoái trào. Nay các “ông lớn” lại đua nhau “bật bơm” để đẩy dầu mỏ hết công suất ra thị trường ắt giá sẽ lao dốc không phanh.

Theo Bloomberg, một số chuyên gia lo ngại giá sẽ tụt xuống mức 10 USD/thùng và thậm chí còn thấp hơn - điều chưa từng xảy ra kể từ sau cuộc chiến dầu mỏ giữa Saudi Arabia và Venezuela những năm 1997-1999.

Lý do Nga từ chối lời đề nghị của Saudi Arabia và rút khỏi OPEC+

Trả lời hãng tin Reuters, Thứ trưởng Bộ năng lượng Nga Pavel Sorokin cho rằng mặc dù cú sốc về giá hiện nay là một kịch bản tồi tệ nhưng để làm lành mạnh hoá thị trường, không sớm thì muộn việc Nga rút ra khỏi thoả thuận là việc dứt khoát phải làm.

Lý giải tại sao năm 2016 Nga quyết định tham gia OPEC+ mà nay lại từ chối tiếp tục đồng hành cùng liên minh này, Thứ trưởng Pavel Sorokin bày tỏ, giai đoạn 2014-2016 do giá dầu trên thị trường ở mức khả dĩ cao và ổn định, một loạt quốc gia bắt đầu gia tăng khai thác và dư thừa nguồn cung cũng dần lộ diện (theo đánh giá của Bộ năng lượng Nga là khoảng 2%, tương đương mức tăng lượng dầu dự trữ khoảng 400 triệu thùng). “Đâu là ngưỡng đáy để đánh giá “điểm chết” của cung trên thị trường là điều vô cùng quan trọng. Chúng tôi đã làm phép thử và nhận ra rằng thời điểm 2016 nếu giá dầu ở ngưỡng 27-28 USD/thùng thì việc khai thác sẽ chậm lại, cũng có nghĩa là nguồn cung sẽ giảm”.

OPEC+ được thành lập để nhằm bảo đảm ngăn không cho dầu mỏ tràn ngập thị trường. Tuy nhiên trong vòng 3 năm qua, khi tình hình sáng sủa hơn, đã xuất hiện những dòng tiền đầu tư vào các khu vực khai thác dầu có giá thành cao và dường như OPEC+ là sự bảo đảm cho giá dầu ổn định mặc dù trên thực tế những thoả thuận gần đây càng trở nên kém hiệu quả. Các nước trong OPEC+ chỉ chiếm 50% dung lượng khai thác của cả thị trường, khi giá dầu neo ở mức 65-70 USD và không phản ánh đúng cán cân cung cầu thì mặc dù OPEC+ có cố gắng kiềm chế thì các nước khác vẫn gia tăng sản lượng của mình. Hệ quả là giá dầu lại đi xuống.
 

Vì vậy, xây dựng chính sách có tính chất định hướng nhằm bình ổn cho thị trường dầu khí cần phải có tầm nhìn không chỉ là một năm hay vài ba năm mà đòi hỏi phải xa hơn nữa - khoảng chục năm.

Cũng theo lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga, chưa ai có thể đánh giá được đúng mức sức ảnh hưởng của dịch COVID-19 với nền kinh tế toàn cầu nhưng chắc chắn nhu cầu về dầu mỏ sẽ sụt giảm đáng kể.

“Khi mà suy thoái kinh tế đang diễn ra, không ai có thể biết đâu là “đáy” của giá dầu. Trong điều kiện như vậy, giá cao là điều bất hợp lý vì như vậy chỉ tạo thêm gánh nặng lên người tiêu dùng. Giá dầu ở mức thấp sẽ tạo lực đẩy hỗ trợ cho nền kinh tế.

Khác với các đối tác tại khu vực Arab, điều kiện khai thác tại Nga rất không đồng nhất. Nếu chúng tôi chấp nhận ký thoả thuận mới tức là phía Nga sẽ phải tiếp tục giảm thêm 300.000 thùng/ngày nữa. Tổng cộng lượng cắt giảm là 600.000 thùng/ngày . Do đặc thù về địa vật lý cùng những phức tạp về công nghệ sẽ dẫn tới hậu quả là có những giếng dầu sau này vĩnh viễn không thể phục hồi lại được kéo theo đó là nhiều người mất việc làm, dòng tiền đầu tư cũng giảm…

Cũng xin lưu ý là Nga không mong muốn và không có ý định khơi mào một cuộc chiến về giá dầu với Saudi Arabia”, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga nhấn mạnh.

Ông P.Sorokin còn công khai tuyên bố, nhờ có thoả thuận OPEC+ mà trong khoảng thời gian hơn 3 năm qua ngân sách của LB Nga đã “kiếm thêm” được 10.000 tỷ ruble (trên 150 tỷ USD). Đây cũng là “vốn giắt lưng” để Nga vững tâm hơn phần nào trước cơn bão giá đang chờ ở phía trước.

Ẩn sau những lý do chính thức như những phát ngôn trên của Bộ Năng lượng Nga, theo các chuyên gia còn có những lý do “ngoài kinh tế” sẽ được trình bày thêm ở phần tiếp theo.

Phạm Hoàng

201 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 938
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 938
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87210830