“Tôi đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Ả rập Xê út Salman bin Abdulaziz Al Saud. Chúng tôi đã có cuộc thảo luận quan trọng về sản lượng dầu mỏ và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cùng các biện pháp thúc đẩy công nghiệp và ngành công nghiệp dầu mỏ của chúng tôi hoạt động tốt hơn so với thời điểm hiện tại… Chúng tôi đã có một cuộc đối thoại suôn sẻ và sẽ chờ đợi những gì xảy ra tiếp theo…” – ông D.Trump nói.
Cùng ngày, Văn phòng báo chí điện Kremlin cũng xác nhận thông tin về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với người đồng nhiệm Mỹ D.Trump và Quốc vương Ả rập Xê út Salman bin Abdulaziz Al Saud. Nhân dịp này, các bên đã khẳng định quyết tâm cùng phối hợp hành động để ổn định lĩnh vực thương mại dầu mỏ trên thế giới, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ sự biến động giá dầu đối với nền kinh tế toàn cầu.
Thông báo của điện Kremlin cho biết, trong khuôn khổ cuộc điện đàm, các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ và Ả rập Xê út đã thảo luận về tình hình thị trường dầu mỏ thế giới, gồm cả các diễn biến xoay quanh cuộc họp cấp Bộ trưởng OPEC+ và Hội nghị trực tuyến sắp tới của các Bộ trưởng năng lượng nhóm G20.
Sau cuộc họp trực tuyến kéo dài hơn 9 tiếng đồng hồ ngày 9/4, các nước OPEC+ đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 5 và 6. Tất cả các nước thành viên sẽ giảm sản xuất 23%. Ả rập Xê út và Nga mỗi nước giảm 2,5 triệu thùng một ngày, xuống còn 8,5 triệu thùng dầu/ngày so với 11 triệu thùng như hiện nay. Con số này của Iraq là một triệu.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã vấp phải rào cản khi Mexico từ chối mức cắt giảm do OPEC+ đưa ra là 400.000 thùng/ngày và chỉ đồng ý thực hiện mức cắt giảm 100.000 thùng/ngày, bắt đầu từ tháng tới.
Kết thúc cuộc họp, OPEC đã ra tuyên bố chi tiết về mức cắt giảm, song lưu ý thêm rằng tất cả các nước trong và ngoài OPEC đã đồng ý tham gia vào Bản tuyên bố hợp tác, ngoại trừ Mexico. Chính vì thế, đây là một thỏa thuận có điều kiện, dựa trên sự chấp thuận của Mexico.
Dự kiến, vào ngày 10/6 tới, các nước sẽ tham gia một cuộc họp trực tuyến khác để quyết định về các bước đi tiếp theo – vốn được cho là sẽ đóng vai trò cần thiết để cân bằng thị trường dầu mỏ thế giới.
Thỏa thuận trước đây của OPEC+ đã hết hiệu lực từ ngày 31/3. Tuy nhiên, kể từ sau thời điểm trên, Nga và Ả rập Xê út đã gặp nhiều bất đồng đối với những điều khoản gia hạn thỏa thuận. Việc các bên rút khỏi thỏa thuận đã đẩy OPEC+ vào tình huống phải gia tăng sản lượng, vào đúng thời điểm nhu cầu dầu mỏ trên thế giới sụt giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Những diễn biến bất lợi trên đã khiến giá “vàng đen” bị giảm mạnh xuống 22 USD/thùng và cũng mức thấp kỷ lục ghi nhận được trong vòng 20 năm qua.
Thị trường dầu mỏ thế giới đã phản ứng tích cực sau những thông tin về quyết định cắt giảm sản lượng lịch sử của OPEC+. Tuy nhiên, chỉ từ đầu năm cho tới nay, giá dầu đã mất đi một nửa giá trị trong khi nhu cầu tiêu thụ lại dự báo sẽ giảm 30%, biện pháp cắt giảm sản lượng mà OPEC+ vừa đưa ra lại được cho là sẽ chỉ phát huy hiệu quả “khiêm tốn” trong việc cải thiện giá dầu vốn đang ở mức thấp kỷ lục./.
Thu Lan (Theo CNBC, TASS)