OPEC+ nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu thô 

(ĐCSVN) – Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã quyết định tăng nhẹ sản lượng dầu thô kể từ tháng Năm, bất chấp sức ép từ Mỹ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về việc tăng sản lượng nhằm “hạ nhiệt” giá dầu.
OPEC+ nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu thô

Giá dầu đã tăng lên mức cao gần như cao nhất mọi thời đại do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung của Nga sau khi Mỹ và các đồng minh áp đặt một loạt các biện pháp kinh tế lên Nga.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) ngày 31/3 quyết định tăng nhẹ sản lượng dầu thô bất chấp sức ép từ Mỹ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về việc tăng sản lượng nhằm “hạ nhiệt” giá dầu. Theo đó, OPEC+ sẽ nâng sản lượng lên 432.000 thùng/ngày kể từ ngày 1/5, cao hơn một chút so với mức 400.000 thùng/ngày mà khối này hiện đang áp dụng. Trong giai đoạn từ tháng 12/2021 - 1/2022, các thành viên của khối đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của khối lên 27,981 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mà OPEC+ nỗ lực hướng tới kể từ tháng 8/2021, khi liên minh này bắt đầu thu hẹp dần chính sách cắt giảm sản lượng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu, sau cú sốc của dịch COVID-19 gây ra.

Trong tuyên bố chung, OPEC+ cho biết, các nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn được duy trì và sự đồng thuận về triển vọng sản lượng đã cho thấy một thị trường cân bằng. Theo OPEC+, sự biến động hiện tại của thị trường “vàng đen” không phải do các nguyên tắc cơ bản bị xáo trộn, mà là do những diễn biến địa chính trị đang diễn ra.

Trong một báo cáo, OPEC+ cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ phải hứng chịu một đòn giáng mạnh từ cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Báo cáo nhận định: "Tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp được cho là sẽ suy sụp không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới nếu chỉ tính đến tác động lạm phát mà cuộc xung đột này gây ra".

Mỹ đã nhiều lần kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng dầu vì giá năng lượng cao đã góp phần làm tăng lạm phát trên toàn thế giới, đe dọa làm chệch hướng sự phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Cũng trong ngày 31/3, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố quyết định xuất kho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) của nước này trong 180 ngày nhằm “hạ nhiệt” giá nhiên liệu đang tăng cao do khủng hoảng tại Ukraine gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Dự kiến đây sẽ là lần thứ 3 Mỹ xả kho dự trữ chiến lược nước này trong vòng 6 tháng qua, và là đợt xả lớn nhất trong gần 50 năm của SPR.

Tuần trước, các nhà lãnh đạo của nhóm các nền công nghiệp và phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kêu gọi OPEC tăng sản lượng khai thác dầu trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung. “Chúng tôi kêu gọi các nước sản xuất dầu và khí đốt hành động có trách nhiệm và tăng cường giao hàng ra thị trường quốc tế, nhấn mạnh rằng OPEC có vai trò chủ chốt. Chúng tôi sẽ làm việc với họ và tất cả các đối tác để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu ổn định và bền vững”, tuyên bố chung của G7 cho biết.

Theo kế hoạch, OPEC+ sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 5/5 tới đây./.

 
H.Hà (Theo Reuters, CNBC)
603 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1038
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1038
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87191807