Trước đó, ngày 30/11, tổ chức OPEC và các nước đối tác đã nhóm họp tại Vienna. Trong đó, các thành viên OPEC đã cơ bản đạt được sự đồng thuận về việc cần phải kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng ở mức 7,7 triệu thùng/ngày (khoảng 8% nhu cầu toàn cầu) hiện nay thêm 3 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, điều này còn cần phải được sự ủng hộ của các nước đối tác.
Sau khi kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Algeria - Chủ tịch luân phiên của OPEC Abdelmadjid Attar cho biết đã có “sự đồng thuận ở cấp OPEC” để kéo dài thời gian cắt giảm nguồn cung hiện tại là 7,7 triệu thùng/ngày thêm 3 tháng nữa và bày tỏ lạc quan về khả năng sẽ thuyết phục OPEC+ để có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết Nga đã đề xuất khả năng OPEC+ sẽ bắt đầu tăng sản lượng thêm 0,5 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2021.
Trong trường hợp, nếu nhóm OPEC+ không duy trì thời gian cắt giảm sản lượng như hiện tại thêm 3-4 tháng thì thị trường dầu mỏ thế giới 6 tháng đầu năm 2021 có thể sẽ dư thừa khoảng 1 triệu thùng/ngày do nhu cầu thị trường thế giới sụt giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Theo kế hoạch ban đầu, đến tháng 1/2021 lộ trình cắt giảm sản lượng sẽ giảm từ 7,7 triệu thùng/ngày còn 5,7 triệu thùng/ngày.
Giá “vàng đen” sụt nhẹ trong ngày 2/12 do gia tăng lo ngại về nguồn cung dư thừa sau khi nhóm OPEC+ hoãn việc đàm phán tiếp đến ngày 3/12 vì chưa thu hẹp được bất đồng.
Cụ thể, giá dầu Brent mất 27 xu Mỹ, tương đương 0,6% xuống còn 47,15 USD/thùng sau khi giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 30/11. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng hạ 29 xu Mỹ, tương đương 0,7% còn 44,26 USD.
Một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters với 40 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo rằng giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 49,35 USD/thùng trong năm tới và khó có khả năng duy trì đà tăng./.
Hoài Hà (Theo Reuters, Bloomberg)