Trong một báo cáo hàng tháng được công bố, OPEC đã điều chỉnh triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu giảm xuống trung bình 90,2 triệu thùng/ngày trong năm 2020, theo đó giảm 400.000 thùng/ngày so với ước tính 9,5 triệu thùng/ngày theo năm được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 8/2020.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh những người tham gia thị trường năng lượng ngày càng lo ngại về sự phục hồi kinh tế đang chững lại và nhu cầu nhiên liệu gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19.
Nhóm thống trị Trung Đông, bao gồm các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới đã điều chỉnh nhu cầu dầu mỏ tại các quốc thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng khoảng 100.000 thùng/ngày do nhu cầu dầu mỏ tại khu vực tiểu vùng giảm ít hơn so với dự kiến trong quý II/2020.
Tuy nhiên, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ tại khu vực ngoài OECD giảm 500.000 thùng/ngày do tác động tiêu cực của đại dịch đến nhu cầu dầu ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ. Dự kiến, tác động của đại dịch tới khu vực châu Á sẽ kéo dài hết nửa đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, tổ chức này cũng cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 6,6 triệu thùng/ngày lên trung bình 96,9 triệu thùng/ngày năm 2021. Dự báo này cũng giảm 400.000 thùng/ngày so với ước tính trước đó được đưa ra hồi tháng 8/2020.
Giá dầu sụt giảm chủ yếu do cuộc khủng hoảng COVID-19 đã kìm hãm nhu cầu đi lại và các hoạt động kinh tế, khiến tiêu thụ năng lượng giảm mạnh. Dù một số quốc gia đã nới lỏng những hạn chế, song nguy cơ gia tăng các ca lây nhiễm mới và sản lượng dầu thô cao hơn tiếp tục là nhân tố đè nặng lên giá dầu.
Giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 39,76 USD/thùng ngày 14/9, giảm khoảng 0,2% so với phiên mở cửa. Trong khi giá dầu WTI giao dịch ở mức 37,26 USD/thùng, giảm khoảng 0,1%. Giá dầu thô đã giảm khoảng 40% kể từ đầu năm 2020.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tổ chức OPEC, Tổng Thư ký OPEC, ông Mohammad Barkindo cho biết, đại dịch COVID-19 là “một trong những thách thức lớn nhất trên quy mô toàn cầu trong thời hiện đại”.
Ông Barkindo cho biết thêm: “Bên cạnh những tác động khủng khiếp đại dịch COVID-19 gây ra cho con người, đại dịch cũng đã khiến nền kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ tại khu vực OPEC rơi vào suy thoái được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử”.
Theo kế hoạch, OPEC và các đối tác (OPEC+) sẽ nhóm họp trong ngày 17/9 để thảo luận những diễn biến mới nhất trên thị trường dầu mỏ cũng như chính sách dầu mỏ. OPEC+ trước đó đã đồng ý cắt giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày đến tháng 12/2020.
Trước đó vào tháng này, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu thêm 500.000 thùng/ngày do dự báo tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ thấp hơn tại Trung Quốc./.
Hoài Hà (Theo CNBC, wsj.com)