Ông Joe Biden dự định bổ nhiệm đặc phái viên phụ trách châu Á 

(ĐCSVN) - Ông Joe Biden đang xem xét bổ nhiệm người đứng đầu đặc trách châu Á. Động thái cho thấy, chính sách đối ngoại của ông J.Biden đang dành sự ưu tiên cho khu vực này trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới tại Nhà Trắng.
Ông Joe Biden dự định bổ nhiệm đặc phái viên phụ trách châu Á

Năm nguồn thạo tin tham gia quá trình thảo luận nội bộ trong nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực của ông J.Biden cho biết ông J.Biden đang cân nhắc về khả năng thành lập vị trí mới này và đặt trong Hội đồng An ninh Quốc gia. 

“Tổng thống đắc cử đã nhiều lần nhấn mạnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một trong những cơ hội lớn, nhưng cũng là nơi lợi ích và giá trị của chúng ta phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng”, một quan chức trong đội ngũ phụ trách chuyển giao quyền lực của ông J.Biden cho hay. Quan chức này cũng cho biết thêm, chính quyền tương lai sẽ lựa chọn “đúng người đúng việc” để thúc đẩy lợi ích và giá trị của Mỹ bên cạnh các đồng minh.

Công việc chọn nhân sự đặc trách châu Á nhiều khả năng sẽ được giao cho ông Jake Sullivan – người mới được đề cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ. Theo tờ Financial Times, động thái này cho thấy tầm quan trọng của khu vực trong chính sách đối ngoại Mỹ ngày một lớn. Bên cạnh đó, đây cũng được coi là sự thận trọng của chính quyền tương lai ông J.Biden trong quan hệ với Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ - Trung đã trở nên căng thẳng và phức tạp trong nhiệm kỳ của Tổng thống D.Trump hơn thời điểm 4 năm về trước khi ông J.Biden rời vị trí Phó Tổng thống.

Theo Financial Times, việc ông J.Biden có ý định lập đặc phái viên cấp cao phụ trách châu Á cũng thể hiện nước Mỹ dưới thời ông J.Biden sẽ quay trở lại châu Á và phối hợp với các đồng minh "giải quyết những thách thức đến từ Bắc Kinh".

Ông J.Biden sẽ phải đối mặt với một loạt các vấn đề từ chính trị, kinh tế và thương mại với Trung Quốc. Ông sẽ phải đưa ra những phản ứng phù hợp trước hàng loạt vấn đề nhạy cảm tại Trung Quốc, như phong trào biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc), hay mối đe dọa từ các công ty Trung Quốc đến an ninh quốc gia Mỹ.

Trước đó, ông J.Biden khẳng định ông sẽ không ngay lập tức hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã được Tổng thống đương nhiệm D.Trump ký kết với Trung Quốc, song cũng sẽ không thực hiện các bước đi để dỡ bỏ thuế quan áp lên hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Ông J.Biden khẳng định sẽ theo đuổi các chính sách nhắm vào các “hành vi lạm dụng” của Trung Quốc, chẳng hạn như các hành động đánh cắp sở hữu trí tuệ, bán phá giá, trợ cấp doanh nghiệp và ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo tương lai của Mỹ cũng nhấn mạnh tới tính cần thiết của việc đạt được một sự đồng thuận từ lưỡng đảng, đồng thời tập trung vào các nỗ lực của chính phủ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, cơ sở hạ tầng và giáo dục để tạo điều kiện cho các công ty nước này cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ Trung Quốc.

Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông J.Biden vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vị trí đặc phái viên phụ trách châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Một quan chức cho biết, đội chuyển giao đang cân nhắc nhiều phương án nhưng chưa có quyết định thống nhất để trình lên tân Tổng thống đắc cử./.

 
Hoài Hà (Theo Financial Times, Reuters)
146 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 436
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 436
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87844108