Chiều 19/3, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm để thất thoát 800 tỷ đồng của PVN ở Oceanbank tiếp tục với phần thẩm vấn.
Theo cáo trạng, trong lần thứ 3, PVN góp thêm 100 tỷ đồng vào Oceanbank, nâng tổng số vốn góp của PVN tại Oceanbank lên 800 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn tại Oceanbank. Đó là thời điểm tháng 5/2011.
|
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh TTXVN. |
Tại thời điểm đó, luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực. Tại khoản 2, điều 55 quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”.
Như vậy, phần vốn của PVN tại Oceanbank đã vượt quá 5% so với quy định, lẽ ra ông Đinh La Thăng với trách nhiệm là Chủ tịch HĐTV phải chỉ đạo việc thoái vốn tại Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là 15%.
Tuy nhiên, ngày 10/5/2011, ông Thăng lại ký quyết định giao người làm người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank, với tỷ lệ 20% vốn.
Ngày 13/5/2011, một số thành viên HĐTV đã có bút phê "đồng ý" hoặc ký vào văn bản xin ý kiến về việc góp vốn. Riêng ông Đinh La Thăng đi công tác nên không có ý kiến biểu quyết...
Đến 3 ngày sau, có 4/7 thành viên HĐTV biểu quyết đồng ý tăng vốn điều lệ ở mức tối đa 20% vào Oceanbank, với số tiền góp bổ sung 100 tỷ đồng, đủ điều kiện để ban hành nghị quyết về việc góp vốn.
Cùng ngày, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN) ký quyết định chấp thuận góp thêm 100 tỷ đồng vào Oceanbank và ngay hôm sau chuyển luôn số tiền này.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng khai, trong đợt góp vốn lần 3, bị cáo đi vắng nên đã ký ủy quyền điều hành HĐTV cho ông Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN).
Theo lời khai của ông Thăng, nghị quyết 4266 xuất hiện vào thời điểm ông chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ mới. Lúc này, bị cáo bận rộn với rất nhiều việc. Sau khi vụ án xảy ra, ông xem lại các tài liệu thì mới biết về việc hợp đồng đã ký với Oceanbank.
Ông Thăng cũng khai, ông đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông đã ủy quyền phụ trách HĐQT cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Thăng trình bày, trước khi góp vốn vào Oceanbank, PVN đã định thành lập một ngân hàng của ngành dầu khí. Tuy nhiên, việc này đã không thể thực hiện khi Chính phủ có chủ trương kiềm chế lạm phát, PVN phải dừng việc này lại.
Ông Thăng ví von, việc góp vốn của PVN vào Oceanbank giống như việc PVN gả một cô gái xinh đẹp cho một chàng trai khác, nhưng cô gái này đã có chồng.
Vì cô gái này đã có chồng nên "tiêu chuẩn chọn chồng" phải khác. Nếu là ngân hàng Ngoại thương hay ngân hàng Đầu tư phát triển, người ta không cho PVN cơ hội góp vốn, nên phải tính toán khả năng phát triển của Oceanbank.
Ông Thăng cho biết, chấp nhận PVN, Oceanbank cũng phải chấp nhận mấy chục con người, toàn là lãnh đạo cả.
Bị cáo Sơn hay những người khác đều là TGĐ các đơn vị khác rồi, nếu không thành lập ngân hàng của ngành dầu khí nữa thì bố trí họ ở đâu? Rồi bao nhiêu tiền đã đầu tư vào phần mềm, xây dựng cơ sở vật chất cho việc thành lập một ngân hàng của ngành dầu khí...