Omicron – virus làm lộ rõ nghịch lý thời đại dịch 

(ĐCSVN) – Sự xuất hiện của biến thể Omicron khiến trái đất vốn đang không mấy “khỏe mạnh” lại tiếp tục bị chao đảo. Và virus nhỏ bé này một lần nữa làm lộ rõ nghịch lý trên thế giới thời đại dịch khi nhiều quốc gia tích trữ dư thừa vaccine thì ở không ít nước khác, người dân lại chưa được tiếp cận với biện pháp phòng COVID-19 hữu hiệu này.
Omicron – virus làm lộ rõ nghịch lý thời đại dịch

Đã hai năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn. Và biến thể Omicron (ban đầu được gọi là B.1.1.529) lần đầu tiên được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ Nam Phi vào ngày 24/11. Ngay sau đó, hôm 26/11, WHO đã đặt tên cho biến thể mới là Omicron (theo bảng chữ cái Hy Lạp) và phân loại biến thể này là "biến thể đáng lo ngại". Được cho là có 32 đột biến trong protein gai, biến thể Omicron có thể xem là nguyên nhân khiến số ca nhiễm hàng ngày tại Nam Phi tăng tới 12 lần trong chưa đầy một tháng qua. Các ca nhiễm Omicron cũng đã được phát hiện ở châu Âu, Hong Kong, Israel và các nước ở miền Nam châu Phi. 

Cố vấn Y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cho biết sẽ không ngạc nhiên nếu chẳng may biến thể Omicron có mặt ở Mỹ, mặc dù hiện tại nước này chưa phát hiện ca nhiễm Omicron nào. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thậm chí đã phải hủy một hội nghị cấp bộ trưởng, một sự kiện lớn nhất trong vòng 4 năm qua của WTO, vào phút chót do lo ngại sự lây lan của Omicron. Với một loại virus như thế này, khả năng lây lan là khó tránh khỏi!

Có thể thấy trước đó, Delta, biến thể của SARS-CoV-2 vốn đang chiếm ưu thế trên toàn cầu hiện nay, lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ, từng gây ra làn sóng đại dịch thứ hai thảm khốc ở nước này, với số ca nhiễm hàng ngày lên tới hơn 400.000 ca. Và tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ đã có thể hạ nhiệt khi khoảng 1/3 dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Trong khi đó, biến thể Omicron lại đã chứng tỏ dễ lan truyền hơn biến thể chủ đạo Delta. Hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể này thật ra bắt nguồn tại Nam Phi hay "du nhập" vào quốc gia này từ những nơi khác trong khu vực; song điều mà các nhà khoa học biết được chính là: nhiều khả năng virus đã biến đổi ở những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp và có mức độ lây nhiễm của virus cao.

Một trong những đặc tính quan trọng của virus corona là protein gai - cho phép virus xâm nhập vào tế bào vật chủ và gây bệnh. Protein gai cũng là thành phần mà các loại vaccine phòng COVID-19 nhắm tới để ngăn chặn virus. Tuy nhiên, ở những người chưa tiêm chủng, virus xâm nhập, tấn công tế bào vật chủ và biến tế bào thành một “nhà máy”. Sau đó virus sẽ tự nhân bản. Nếu quá trình “sao chép” bị lỗi, các nhà khoa học gọi đó là một đột biến. Một đột biến có thể giúp virus đi vào tế bào cơ thể dễ dàng hơn. Khi các đột biến tăng lên theo thời gian, nó sẽ làm sinh ra biến thể mới của một dòng virus. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể khiến các đột biến xảy ra nhiều hơn.

Tuy nhiên, thực tế là mặc dù hàng tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sản xuất và phân phối trên thế giới nhưng “bức tranh” đó lại có sự phân hóa sâu sắc giữa các nước. Trong khi một số quốc gia đã nhanh chóng tìm được nguồn cung vaccine thì những quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, vẫn chưa tiếp cận được. Trong khi các nước phát triển đã đạt được thỏa thuận từ sớm với các nhà sản xuất vaccine để bảo đảm hàng tỷ liều, thậm chí từ trước khi vaccine được phê duyệt, thì các nước nghèo chỉ có thể dựa vào nguồn cung hạn chế từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ chế COVAX. Đặc biệt, gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều tăng cường cho người dân với hy vọng thêm khả năng miễn dịch cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, ngăn chặn đà bùng phát trở lại của đại dịch do lo ngại về các biến thể mới của SARS-CoV-2. Trong khi đó, hàng trăm triệu người khác vẫn đang chờ được tiêm liều vaccine COVID-19 đầu tiên.

Theo số liệu từ Our World in Data, dự án thuộc Đại học Oxford (Anh), chỉ 7% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ toàn cầu là 42%. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại châu Âu và Mỹ lần lượt là 67% và 58%, tương phản hoàn toàn với Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, nơi mới chỉ tiêm đầy đủ được cho 1,7% trong số 206 triệu dân. Ethiopia, nước đông dân thứ hai châu Phi, mới đạt 1,2%. Hay bản phân tích do công ty phân tích khoa học Airfinity tại châu Phi thực hiện mới đây cho thấy tình trạng bất bình đẳng vaccine nghiêm trọng giữa các nước có thu nhập cao và các nước có thu nhập thấp, đặc biệt ở châu Phi. Theo bản phân tích, số liều vaccine phân phối cho các nước G20 theo đầu người cao gấp 15 lần so với số liều phân phối cho các nước cận Sahara châu Phi, gấp 15 lần số liều phân phối cho các nước có thu nhập thấp và gấp 3 lần số liều phân phối cho tất cả các nước khác cộng lại. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown từng cảnh báo các nước phương Tây có thể phải vứt bỏ 100 triệu liều vaccine chỉ trong vài tuần tới do người dân không tiêm hết, trong khi đó chỉ 7,5% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine…

Và sự xuất hiện của biến thể Omicron chính là minh chứng làm lộ rõ nhất, phơi bày tình trạng bất bình đẳng vaccine và chậm tiêm chủng - những trở ngại khiến cho cuộc chiến chống COVID-19 càng thêm khó khăn và kéo dài. Trong số 8 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm du lịch liên quan đến biến thể Omicron, tỷ lệ dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine dao động từ 5,6% ở Malawi đến 37% ở Botswana. Các nhà khoa học và các chuyên gia y tế cộng đồng đã cảnh báo rằng khoảng cách lớn giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển xét về tỷ lệ tiêm chủng có thể là nguyên nhân dẫn tới xuất hiện biến thể mới. Ông Michael Head, nhà nghiên cứu cao cấp về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh), nhận định sự xuất hiện của các biến thể mới là "hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm". Trong khi đó, ông Jeremy Farrar, Giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust (Anh) chuyên nghiên cứu y tế, lưu ý sự xuất hiện của biến thể mới cho thấy tại sao thế giới cần bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với vaccine COVID-19 và các công cụ y tế công cộng khác. Tổ chức Y tế Thế giới thì nhấn mạnh rằng bất bình đẳng vaccine chính là cách chúng ta tự thua trong cuộc chiến chống COVID-19.

Các cơ quan y tế công cộng quốc tế đều khẳng định, không ai được an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn, vì virus SARS-CoV-2 lưu hành càng lâu mà không được kiểm soát, thì khả năng xuất hiện các biến thể mới có thể kháng vaccine càng lớn. Do đó, ngay cả khi tỷ lệ miễn dịch đạt được rất cao ở các nước phát triển nhưng hàng trăm triệu người ở những nước nghèo quanh họ chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 thì nguy cơ lây nhiễm bệnh cũng chưa thể được dập tắt. Và vì vậy, nếu như các nước giàu chưa bị thuyết phục chia sẻ thêm vaccine dựa trên các lý lẽ về công bằng, thì có thể họ sẽ phải khuất phục trước nguy cơ về những biến thể mới sẽ phát sinh ở những nơi ngoài biên giới nước họ. Và Omicron chính là một tiếng chuông cảnh tỉnh kịp thời và rõ nét nhất.

Trong khi chúng ta vẫn cần phải biết thêm về Omicron, chúng ta cũng biết rằng còn nhiều người dân trên thế giới vẫn chưa được tiêm phòng. Các biến thể mới sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện, và đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục kéo dài. Chúng ta sẽ chỉ có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của các biến thể mới nếu như có thể bảo vệ tất cả người dân trên thế giới, chứ không chỉ ở các nước giàu. Càng trì hoãn tiêm chủng cho toàn bộ dân số, chúng ta sẽ càng nhanh chóng hết bảng chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho các biến chủng mới. Cách duy nhất để ngăn ngừa điều đó, không thể phủ nhận, đó là tiêm vaccine nhanh hơn cho nhiều người hơn. Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã cho thấy virus vẫn chưa bị đánh bại và sẽ càng khó bị đánh bại nếu thế giới không rút ra được bài học từ những điều đã trải qua./.

 
Khánh Linh
217 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 636
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 636
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89006790