Sau Hà Lan, Romania và Đức, đến lượt Pháp phải chứng kiến hình ảnh những người nông dân lái máy kéo biểu tình trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ huyết mạch. Nước Pháp lại rơi vào sự bất ổn mới.
Từ giữa tháng 11/2023, nông dân Pháp bắt đầu những cuộc biểu tình đầu tiên dưới sự dẫn dắt của Liên minh quốc gia Các nghiệp đoàn Nông dân (FNSEA) và Nghiệp đoàn Nông dân trẻ (SJA), với sự hưởng ứng của nhiều hội nông dân khác.
Nhưng phải đến giữa tháng 1/2024, phong trào biểu tình mới trở nên quyết liệt hơn. Bắt đầu từ Toulouse, vùng Occitanie ở miền Nam, phong trào đang lan rộng ra các địa phương khác khiến cho hoạt động giao thông tại nhiều nơi tê liệt.
Ngày 26/1, nông dân Pháp đã biểu tình dựng nhiều hàng rào chắn đường trên một trong những tuyến đường cao tốc chính nối thủ đô Paris với thành phố Lille ở miền Bắc nước này, vùng Benelux và Anh. Sự việc này đã làm ách tắc giao thông kéo dài vài km. Đây là lần đầu tiên trong năm 2024 thủ đô của Pháp rơi vào tình trạng gián đoạn giao thông quy mô lớn do biểu tình của nông dân gây ra.
Trước đó, ngày 25/1, hàng trăm chiếc máy kéo chặn ngang đường cao tốc A16. Các nghiệp đoàn nông dân cho biết để tăng cường áp lực với chính phủ, phong trào biểu tình sẽ được mở rộng ra miền Bắc và khắp cả nước trong những ngày tới.
Gần một năm trước, hàng nghìn nông dân đã kéo đến Quảng trường Invalides, gần trụ sở Bộ Nông nghiệp ở thủ đô Paris, để phản đối tình trạng có nhiều gánh nặng chồng chất lên vai họ, từ chi phí sản xuất, giá năng lượng tăng vọt đến các quy định gắt gao về sử dụng thuốc trừ sâu. Cuộc biểu tình đã khiến giao thông vùng thủ đô ùn tắc suốt 420km.
Lần này, yêu sách của nông dân còn lớn hơn nhiều. Các nghiệp đoàn đã gửi cho chính phủ một danh sách chi tiết các yêu cầu cần được đáp ứng, trước mắt là trợ cấp khẩn cấp “cho những lĩnh vực đang gặp khủng hoảng nhất," giải ngân các khoản trợ cấp thuộc khuôn khổ Chính sách Nông nghiệp chung châu Âu (CAP) và lâu dài là “từ bỏ thương mại tự do," tạo một mức thu nhập xứng đáng cho tất cả nông dân, hỗ trợ thích đáng cho quá trình chuyển đổi sinh thái nông nghiệp và cắt giảm các tiêu chuẩn áp dụng cho lĩnh vực này.
Các đại diện nông dân cũng nhấn mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cho phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp, đồng thời khẳng định danh sách họ đưa ra “không phải là để đàm phán mà là một yêu sách hoàn chỉnh” buộc chính phủ phải thực hiện.
Nhiều nông dân cho biết họ đang cảm thấy “ngạt thở” với các chính sách quản lý của chính phủ, với quá nhiều quy định chồng chéo tạo ra những thủ tục hành chính phức tạp và “không phù hợp với thực tế," đặc biệt là các điều khoản chiểu theo các tiêu chuẩn của Thỏa thuận Xanh châu Âu.
Thỏa thuận Xanh châu Âu, một sáng kiến chính trị được Ủy ban châu Âu (EC) hậu thuẫn, buộc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải thực hiện quá trình chuyển đổi sinh thái, bao gồm lĩnh vực nông nghiệp, với các mục tiêu giảm sử dụng thuốc trừ sâu cũng như phát triển nông nghiệp hữu cơ hoặc bảo vệ đa dạng sinh học.
Người nông dân Pháp, cũng như ở nhiều nước thành viên EU khác, cho rằng việc áp các tiêu chuẩn của thỏa thuận sẽ gây ra rất nhiều vấn đề cho hoạt động sản xuất của họ.
Trong bối cảnh giá nguyên liệu thô và năng lượng tăng cao làm sụt giảm lợi nhuận của nhiều nông trang, đặc biệt là những trang trại nhỏ và truyền thống nhất, Chính phủ Pháp được cho là chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ cụ thể, khiến các nông dân cảm thấy mình giống như “những người vô hình” trong các cuộc tranh luận chính trị về hậu quả của lạm phát và khủng hoảng.
Chưa kịp ổn định thành phần chính phủ vì tính chất phức tạp liên quan, tân Thủ tướng Gabriel Attal đã phải đối mặt với những áp lực mà trước đó ông chưa thể tưởng tượng hết.
Phong trào biểu tình của nông dân đang dần trở nên quyết liệt hơn và có nguy cơ lan rộng khắp cả nước, khiến chính phủ của ông không khỏi lo ngại.
Đặc biệt là khi trên hành trình kéo về thủ đô, các “binh đoàn máy kéo” của nông dân rất có thể kéo theo những bộ phận người dân khác trong xã hội vốn cũng đang âm ỉ nỗi bất bình.
Những chiếc máy kéo dàn hàng ngang trên các tuyến cao tốc, với biểu ngữ “Chúng tôi đi đầu," là hình ảnh nhạy cảm không nên có, nhất là trong thời gian nước Pháp đang gấp rút chuẩn bị cho Thế vận hội mùa Hè 2024 và các sự kiện quốc tế lớn khác.
Như ở thành phố Agen, nằm ở miền Tây Nam đất nước, “thủ đô của các cuộc biểu tình," trong đám đông nông dân đi máy kéo đã xuất hiện cả những tài xế taxi và nhân viên ngành tòa án. Đó có thể là minh chứng cho thấy nguy cơ các phong trào xã hội khác nhau liên kết lại để biểu tình.
Phong trào biểu tình của nông dân đang dần trở nên quyết liệt hơn và có nguy cơ lan rộng khắp cả nước. (Nguồn: latribune)
Đầu năm 2024, có một thông tin không vui đối với bất cứ người dân lao động nào tại Pháp, đó là việc hóa đơn tiền điện sẽ tăng từ 8-9%. Điều này đồng nghĩa với sự kết thúc của chương trình hỗ trợ thuế quan mà chính phủ áp dụng từ tháng 12/2021 để bù đắp cho tình trạng giá cả tăng vọt do đại dịch COVID-19 và được gia hạn do xung đột ở Ukraine.
Thông tin do Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire thông báo trên truyền hình ngày 21/1, dù đã nằm trong dự liệu, nhưng vẫn gây tâm lý bất an cho nhiều người. Sự việc diễn ra ở thời điểm lạm phát vẫn cao hơn mức công bố, trong khi sức mua vẫn là mối lo hàng đầu của chính phủ, và tất cả diễn ra sau một cuộc cải cách lương hưu gây nhiều tranh cãi.
Tổng thống Emmanuel Macron có lý do để lo lắng. Tổng thống Macron đã bổ nhiệm ông Gabriel Attal làm Thủ tướng cũng một phần nhằm củng cố phe đa số trước cuộc bầu cử nghị viện châu Âu tháng 6/2024. Bởi như mọi khi, lên tiếng nhiều nhất đối với các vấn đề xã hội chính là các đảng theo chủ nghĩa dân túy, nhất là đảng Tập hợp Quốc gia (RN) và đảng Tái chinh phục theo tư tưởng cực hữu.
Phong trào biểu tình của nông dân Pháp chắc chắn là một cơ hội hoàn hảo, giúp các đảng cực hữu và dân tộc chủ nghĩa tìm thấy một “hướng đi mới” mà các ứng cử viên của họ - đang có ưu thế rõ rệt trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận, có thể áp dụng cho chiến dịch tranh cử vào nghị viện châu Âu trên nền tảng bất an chung của nhiều nước EU. Đây đang là vấn đề đau đầu với các nhà lãnh đạo Pháp./.
Nông dân biểu tình nhằm gây sức ép với Chính phủ tăng cường biện pháp hỗ trợ người dân khi giá cả nông sản sụt giảm, trong khi lại có nhiều quy định với hoạt động nông nghiệp.