Theo ông Putin, “không có nền kinh tế số hóa thì chúng ta không thể chuyển sang phương thức công nghệ tiếp theo, mà thiếu bước chuyển tiếp này thì nền kinh tế của nước Nga sẽ không có tương lai, chính vì vậy, đây là nhiệm vụ số một về mặt kinh tế mà chúng ta phải giải quyết…”.
Một số thông tin dưới đây sẽ cho thấy tính chất nghiêm túc và cấp bách của vấn đề chuyển đổi nền kinh tế từ phương thức “Analog” sang “số hoá” tại quốc gia rộng nhất thế giới này.
Bài 1: Thời đại số hoá và sức mạnh tiềm ẩn
Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông, khái niệm "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" được nhắc đến khá nhiều, vậy thực chất nó là gì? Và liệu đây có phải là sự tiếp nối của "Cuộc cách mạng số hoá" để từ đó có một quan điểm nhất quán tạo định hướng cho chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia?
Nguồn cội của khái niệm "Cách mạng công nghiệp 4.0"
Nước Đức luôn tự hào là nhà cung cấp công nghệ và các trang thiết bị công nghiệp có uy tín trên khắp toàn cầu. "Made in Germany" luôn là sự bảo đảm chất lượng và độ tin cậy cao cho bất kỳ khách hàng nào trên thị trường thế giới.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số hoá, sau thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, Trung Quốc và một loạt các quốc gia đang phát triển đã tận dụng được triệt để cơ hội này để tung ra thị trường những sản phẩm tương tự gây sức ép cạnh tranh với một loạt các nước phương Tây, những nước đang đặt cơ sở của mình tại các nước thuộc “Thế giới thứ ba” buộc họ phải chủ trương cho hồi hương các cơ sở sản xuất của mình và hồi phục lại nền công nghiệp tại chính quốc.
Trong những năm qua, Mỹ đang đẩy mạnh đầu tư cho khai thác năng lượng trên chính lãnh thổ nước Mỹ hơn là ưu tiên kéo sản xuất của mình từ châu Á và châu Âu về Mỹ.
Không giàu tài nguyên như Mỹ, sức lao động lại đắt đỏ và hơn nữa vấn đề già hoá dân số càng làm cho Chính phủ Đức rơi vào thế khó. Theo các chuyên gia Đức thì chỉ có thể trên cơ sở của Internet và trí tuệ nhân tạo mới tạo ra các "thiết bị thông minh" đặt tại các "nhà máy thông minh" không cần sự tham gia trực tiếp của con người vẫn có thể tiếp nhận và truyền tải thông tin cần thiết để hoạt động và làm việc từ đó tạo ra các sản phẩm tiên tiến vượt trội, bảo đảm giữ vững vị thế thủ lĩnh của mình trên thị trường toàn cầu.
Từ những lập luận đó, tháng 1/2011, dự án mang tên "Cách mạng công nghiệp 4.0" được đề xuất và tháng 11/2011, dự án chính thức được Chính phủ Đức thông qua trong khuôn khổ kế hoạch "Chiến lược Hi tech 2020".
Sáng kiến "Cách mạng công nghiệp 4.0" của Đức đã lan toả và được nhắc đến tại một loạt quốc gia với những tên gọi và hình thái khác nhau. Tại Mỹ, năm 2014, Hiệp hội Internet công nghiệp phi lợi nhuận (Industrial Internet) đã được thành lập. Tại Trung Quốc, học thuyết "Sản xuất của Trung Quốc đến năm 2025" với nhiệm vụ cụ thể là đưa nền công nghiệp của nước này tuần tự đạt ngưỡng từ 2.0 đến 3.0 và bứt phá lên mức 4.0. Nhật Bản đang sôi nổi thảo luận khái niệm "kết nối mạng với các nhà máy" đối với toàn bộ ngành công nghiệp của mình.
Tên gọi thì có khác nhau, thậm chí cách thức triển khai cũng có thể như vậy, nhưng tất cả đều dựa trên một nền tảng chung – nền tảng của số hóa.
Kỳ tích công nghệ
Ngày nay, cuộc sống của nhân loại dường như cũng đã bị số hoá. Số hoá (Digitalization) được ví như thời kỳ điện khí hoá trong quá khứ mà nếu không nhờ có điện thì cả nền kinh tế lẫn sinh hoạt của con người sẽ không thể được hoàn thiện. Tương tự như vậy, trong thời đại thông tin mọi hoạt động của con người từ phức tạp như phóng một con tàu vũ trụ đến đơn giản như đặt mua đồ ăn… đều được xử lý và giải quyết một cách linh hoạt và đạt trình độ rất chuyên nghiệp.
Cuộc cách mạng số hóa hiện nay được coi là bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ XX khi mà sự ra đời của máy tính đã giúp cho việc giải quyết các phép tính toán nhanh hơn và với độ phức tạp hơn rất nhiều. Tiếp theo đó là sự xuất hiện của các chương trình bảo đảm vào những năm 1980 đã giúp cho việc tự động hoá một loạt quy trình kinh doanh trong các doanh nghiệp. Đến những năm 1990, công nghệ Internet đã đánh dấu sự phát triển bùng nổ của một loạt lĩnh vực: Kinh doanh qua mạng, các dịch vụ thông qua mạng Internet, thư điện tử... Đến đầu những năm 2000, truyền thông Internet đã lan toả và kéo theo sự xuất hiện của một loạt mạng xã hội, điện thoại cầm tay được sử dụng rộng rãi, mạng không dây dạng Wi-Fi ra đời tạo nền tảng cho mạng Internet làm việc trên điện thoại di động và một loạt các tiện ích khác như hệ thống dẫn đường qua vệ tinh, máy tính cá nhân dưới dạng Netbook... Đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI điện thoại thông minh (smartphone) với sự tích hợp của hàng loạt chức năng thông minh càng làm cho đời sống số hoá trở nên mật thiết và không thể thiếu được trong mọi hoạt động của con người.
Theo số liệu thống kê, trong năm nay đã có khoảng 50% người dân trên khắp hành tinh sử dụng Internet. Giờ đây thật khó mà hình dung được mọi hoạt động trong xã hội sẽ ra sao nếu không có Internet, không có mạng di động, không có máy tính cá nhân (bao gồm cả smartphone)… Đánh giá của Công ty nghiên cứu quốc tế Mckinsey cho thấy, nhờ cách mạng số hoá mà cụ thể là việc sử dụng rộng rãi máy tính, các giải pháp công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông… mà sau khoảng 20 năm nữa, 50% các thao tác trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được tự động hoá. Điều này (nếu thành hiện thực) được ví như kỳ tích của cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra từ thế kỷ XVIII-XIX, mà nhờ nó tại Anh số lượng lao động làm việc trong khu vực kinh tế chủ chốt đã giảm được một nửa. Tuy nhiên để tạo nên kỳ tích này, nước Anh phải mất không phải là 20 năm như hiện nay mà là 160 năm (từ năm 1710 đến năm 1871)!
Cuộc cách mạng số hoá đang dần chuyển sang giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ. Theo dự báo, kết quả của sự bùng nổ này sẽ là các công nghệ hoàn toàn mới như máy tự học, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, các nền tảng kỹ thuật số, các robot và kỹ thuật robot... Nền kinh tế số (thuật ngữ được đề xuất năm 1995 bởi Giáo sư trường MIT Nicholas Negroponte) cũng đang làm "biến dạng" một loạt mô hình kinh doanh trên thị trường. Ví dụ cụ thể như ngành kinh doanh du lịch, trong vòng 15 năm qua, tại Mỹ doanh thu từ đăng ký khách sạn trực tuyến tăng hơn 10 lần trong khi số lượng các công ty lữ hành lại giảm đi hơn một nửa. Còn công ty Amazon – từ chỗ khởi đầu chỉ là bán sách trên mạng Internet thì nay đã là một không gian buôn bán khổng lồ đủ mọi thứ hàng với doanh số hơn 80 tỷ USD. Nhờ đó mà hiện nay công ty này còn trực tiếp tổ chức sản xuất hàng tiêu dùng để phục vụ cho mảng bán hàng của mình.
Kết quả nghiên cứu của Mckinsey cho thấy Mỹ, Trung Quốc và một số nước thuộc EU là các quốc gia có tỷ trọng số hoá/GDP cao nhất thế giới - chiếm khoảng 10% GDP. Theo dự báo, đến năm 2025 khoảng 22% GDP của kinh tế Trung Quốc có được nhờ số hoá, còn tại Mỹ nhờ công nghệ số hoá mà giá trị tăng thêm sẽ đem lại cho ngành kinh tế của nước này khoảng 1,6 - 2,2 nghìn tỷ USD!
Cũng giống cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra trong quá khứ, cho phép một số quốc gia nắm bắt được cơ hội và bứt phá để trở thành những quốc gia tiên tiến hàng đầu; giờ đây, cuộc cách mạng số hoá cũng hứa hẹn cho quốc gia nào biết chọn đúng thời điểm, biết sử dụng chính xác và kịp thời các công nghệ số hoá tiên tiến để từ đó giúp nền kinh tế của quốc gia mình tăng tốc và cất cánh.
Bài 2: Chương trình 'nền kinh tế số hoá' của Chính phủ Nga
Phạm Hoàng