Nước Anh - những khó khăn không dễ vượt qua 

(ĐCSVN) - Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Anh trước thời hạn được công bố vào chiều 9/6. Theo đó, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May không giảnh đủ số phiếu quá bản trong tổng số 650 ghế. Điều này có thể báo trước một tương lai bất định cho nền chính trị Anh trong thời gian tới.
Nước Anh - những khó khăn không dễ vượt qua
Kết quả không mong đợi của đảng Bảo thủ

Kết quả cuối cùng, đảng Bảo thủ giành được 318 ghế, mất 12 ghế so với kỳ bầu cử trước, còn Công đảng giành được 262 ghế, tăng 30 ghế so với kỳ bầu cử trước. Dù dẫn đầu, song đảng Bảo thủ của bà May không giành được 326 ghế cần thiết để thành lập chính phủ, do đó, đảng này cho biết có thể sẽ thành lập chính phủ thiểu số với sự hỗ trợ của đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland, đảng giành được 10 ghế trong hạ viện.  Đảng Dân tộc Scotland về thứ 3 trong cuộc bầu cử với 35 ghế, giảm 21 ghế so với cuộc bầu cử năm 2015, tiếp đó là đảng Dân chủ tự do tăng thêm 4 ghế, được 12 ghế. Đặc biệt đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) theo đường lối dân túy đã "trắng tay" khi mất ghế duy nhất trong hạ viện

Giới chính trị gia ở Anh cho rằng mặc dù đảng Bảo thủ vẫn là đảng chính trị có số ghế nhiều nhất nhưng việc không thể giành được đa số ghế trong tổng số 650 ghế tại Quốc hội Anh và không đạt đủ 326 ghế cần thiết để tự thành lập chính phủ được cho là bước thụt lùi của đảng này và một bước ngoặt đáng buồn cho Thủ tướng Theresa May. Theo nhận định của giáo sư chuyên ngành chính trị học tại đại học Kinh tế Chính trị London Paul Kelly, kết quả này phản ánh uy tín và quyền lực của Thủ tướng Theresa May bị suy yếu không chỉ trong nội bộ đảng Bảo thủ, tại Hạ viện, mà còn ảnh hưởng lớn đến vị thế của bà tại Liên minh châu Âu, theo đó bà sẽ gặp nhiều khó khăn hơn tại cuộc đàm phán Brexit sắp tới.

Theo hãng tin Sky News, Thủ tướng May đang tìm kiếm liên minh với đảng Liên minh dân chủ DUP, đảng chính trị lớn nhất tại Bắc Ireland, nhưng là một đảng nhỏ tại Hạ Viện, để thành lập chính phủ. DUP đã giành 10 ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử lần này. Hiện thủ lĩnh DUP cũng đang cân nhắc việc ủng hộ bà May trong tiến trình thành lập chính phủ.

Trong khi đó, Công đảng của lãnh đạo Jeremy Corbyn, tuy không giành được đa số ghế tại Quốc hội nhưng với việc giành được 261 ghế đảng này đã có bước tiến ngoạn mục, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong đời sống chính trị nước Anh, trong đó ghi nhận xu hướng dân chủ xã hội cánh tả đã quay trở lại mạnh mẽ. Ông Corbyn đã khẳng định được vị thế của ông không chỉ trong Công đảng mà trở thành một nhân vật chính trị quyền lực trong đời sống chính trị nước Anh trong thời gian tới. Phát biểu sau khi tái đắc cử nghị sĩ tại Islington North, ông Corbyn cam kết các nghị sĩ Công đảng tại Hạ viện sẽ tiếp tục thực hiện cương lĩnh của Công đảng, đấu tranh cho quyền lợi của đại đa số người dân chứ không phải cho một thiểu số người như khẩu hiệu tranh cử của Công đảng. Lãnh đạo Công đảng Corbyn cũng đã kêu gọi Thủ tướng Theresa May nên từ chức trước kết quả bầu cử “Quốc hội treo”. Theo ông, bà May nên ra đi và mở đường cho một "chính phủ thực sự đại diện cho đất nước".

Brexit đối mặt với những khó khăn

Các nhà phân tích cho rằng, thất bại của đảng Bảo thủ được nhìn nhận có thể dẫn tới một giai đoạn bất ổn chính trị tại Anh và sự chậm trễ trong việc hình thành một chính phủ mới có thể trì hoãn và làm xáo trộn các cuộc đàm phán Brexit sắp tới. Đó là chưa kể tác động tới nền kinh tế khi tỷ giá đồng bảng Anh sụt giảm so với đồng USD.

Nhiều nhà lãnh đạo của EU đã bày tỏ lo ngại đối với tiến trình đàm phán Brexit bị trì hoãn và nguy cơ đàm phán thất bại lớn hơn.

Trên trang twitter cá nhân, ông Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lo ngại không biết khi nào các cuộc đàm phán về Brexit sẽ bắt đầu và cũng chẳng biết được khi nào nó sẽ kết thúc. Ông nhấn mạnh tất cả cần làm tối đa để tránh việc không đưa ra được thỏa thuận khi mà theo dự kiến các cuộc đàm phán về Brexit sẽ phải được bắt đầu từ ngày 19-6 tới và kết thúc vào cuối tháng 3-2019.

Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu về Brexit Michel Barnier khẳng định Brussels sẽ chờ đợi cho tới khi nước Anh sẵn sàng để bắt đầu các cuộc đàm phán. Trên trang twitter của mình, ông viết “các cuộc đàm phán Brexit sẽ bắt đầu khi Anh sẵn sàng”. Ông Barnier cho biết lịch trình và các quan điểm của EU đã rõ ràng và bày tỏ hi vọng hai bên sẽ cùng nhau nỗ lực để đi đến một thỏa thuận.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho rằng kết quả cuộc bầu cử Hạ viện Anh thật sự bất ngờ nhưng không thay đổi quyết định Brexit. Phát biểu trên đài Europe 1, Thủ tướng Philippe nêu rõ: "Người dân Anh đã lên tiếng, họ đã bỏ phiếu và đã dành cho đảng Bảo thủ nhiều lá phiếu hơn dù chỉ là một đa số đơn giản, đây là một điều bất ngờ. Nhưng tôi không nghĩ chúng ta nên dựa vào vào kết quả này để đặt câu hỏi về lập trường Brexit mà người dân Anh thể hiện rõ ràng".

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel bày tỏ mong muốn nước Anh sẽ sớm thành lập được chính phủ để các bên có thể nhanh chóng bước vào tiến trình đàm phán Brexit.

Về phần mình, Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslav Sobotka cho rằng Anh nên nhanh chóng thành lập một chính phủ mới. Song ông cũng cho rằng cũng cần theo dõi sát quá trình thành lập chính phủ mới tại Anh để đánh giá những gì mà chính phủ mới sẽ mang tới bàn đàm phán.

Việc đảng Bảo thủ không giành được số ghế quá bán trong cuộc bầu cử Quốc hội Anh hoàn toàn đi ngược với chiến lược mà Thủ tướng May đã đề ra ban đầu về ý định tổ chức bầu cử sớm để củng cố quyền lực và thiết lập một chính phủ "đoàn kết và đồng lòng" trong các cuộc đàm phán Brexit. Các biện pháp, chính sách và chủ trương được đề ra sẽ khó lòng đạt được sự đồng thuận cao khi chính phủ mới ở Anh là một chính phủ do nhiều đảng kết hợp./.

 

Tấn Vũ
476 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 413
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 413
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87746076