Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Sau phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vẫn còn 24 đại biểu đăng ký phát biểu và nhiều đại biểu muốn tiếp tục thảo luận. Để bảo đảm chất lượng dự thảo Luật trước khi được Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị để các đại biểu quốc hội và đại diện các cơ quan hữu quan tiếp tục góp ý kiến cho việc hoàn thiện dự án Luật.
Tại Hội nghị, việc quy định trách nhiệm của luật sư (LS) khi không tố giác khách hàng tiếp tục nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến trái chiều của các đại biểu (ĐB).
Khoản 3, Điều 19 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
Các đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội), Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đều không đồng tình với việc quy định như trên, bởi cho rằng sẽ ảnh hưởng đến chế định LS đã được Hiến pháp cũng như các luật liên quan quy định. Đồng thời, đứng về mặt đạo đức xã hội, sẽ khiến LS phải làm trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và phản bội niềm tin khách hàng gửi gắm, thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề LS.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch liên đoàn LS Việt Nam . (Ảnh: Trọng Phú).
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch liên đoàn LS Việt Nam đặt vấn đề : “Nếu LS tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời LS nữa không? Xã hội có tẩy chay nghề luật sư không? Chưa bảo vệ được gì đã đi tố giác rồi thì không biết nghề luật sư có điều kiện tồn tại hay không? Tôi khẳng định niềm tin của khách hàng và xã hội vào nghề luật sư sẽ mất dần và sẽ bị thui chột”.
Đồng tình với quan điểm ngoài trách nhiệm của LS thì cũng phải thực hiện trách nhiệm công dân, tuy nhiên ĐB Thịnh cho hay kinh nghiệm của các nước Nhật, Mỹ, Đức cũng quy định LS trong trường hợp biết thân chủ của mình chuẩn bị thực hiện tội phạm hoặc lên kế hoạch thực hiện tội phạm thì báo cho cơ quan Nhà nước, nhưng họ chỉ khoanh lại trong những tội đặc biệt nghiêm trọng như khủng bố, lật đổ chính quyền. Còn những tội phạm đã thực hiện rồi thì miễn trừ cho luật sư.
Mặt khác, trách nhiệm điều tra tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng và cơ quan điều tra. Theo đó, ĐB Thịnh đề nghị nên khoanh lại khoảng 20 - 30 tội là phải tố giác tội phạm so với 83 tội đang được quy định tại Điều 19.
Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: "Tôi xin hỏi Liên đoàn luật sư, trước khi sửa Bộ luật này có điều gì làm thui chột nghề luật sư chưa? Bộ luật hình sự gần 500 điều mà Liên đoàn luật sư chỉ đi bảo vệ 1 điều cho mình? Các anh phải xem lại, phải có trách nhiệm chung”.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngoài đạo đức luật sư còn phải có trách nhiệm, đạo đức của một công dân, biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì phải xem lại. “Ở đây tôi hiểu nên giới hạn trong tội nào, chứ đúng là luật sư cứ đi tố giác thân chủ thì không được. Nhưng cũng phải giới hạn tội nào thì anh không thể làm ngơ được” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị điều 19 đã thảo luận rất nhiều vì vậy cơ quan soạn thảo và thẩm tra nên ngồi lại để thảo luận thấu tình đạt lý với các luật sư, có thể mời các chuyên gia luật tranh luận riêng.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh mối quan hệ giữa LS và người do mình bào chữa là một trong những hiết kế tạo ra sự cân bằng, những điều kiện bảo đảm công lý, bảo đảm quyền con người.
ĐB cho hay, xuất phát Công ước về quyền con người mà Việt Nam ký thì Liên hợp quốc đã ban hành một Nghị quyết về quan hệ giữa LS và người được bào chữa (năm 1990). Trong nghị quyết này có ghi là các nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện để bảo vệ quyền bí mật giữa LS và thân chủ. Theo ĐB, nhiều nước chỉ yêu cầu LS tiết lộ thông tin chứ không dùng từ tố giác đối với những hành vi đang diễn ra, chuẩn bị diễn ra, sẽ diễn ra. Đối với những tội phạm đã diễn ra thì nhiều nước không buộc luật sư phải tố giác.
Mặt khác, ĐB Nghĩa cũng chỉ ra chữ tố giác rất rộng, nguy hiểm. “Một ông LS đi tố giác chính thân chủ của mình, sau tòa xử không phạm tội thì phải xử lý làm sao?”, ĐB Nghĩa băn khoăn.
Theo đó ông đề nghị phải quy định rõ điều kiện để LS có thể tố giác là “phải biết rõ, có chứng cứ và nếu những hành vi đấy không tố giác dẫn đến nguy hiểm cho xã hội”.
“Không phải không tố giác là không yêu nước, “bất trung” hay là thiếu trách nhiệm. Hiểu như vậy là sai và không đúng tầm của chúng ta ngồi đây thiết kế luật này, ĐB Nghĩa thẳng thắn nói.
ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội), Phó Chủ tịch Liên đoàn LS cũng lập luận: Quy định này đẩy LS không những vi phạm điều cấm đối với luật sư của Bộ luật tố tụng hình sự, mà còn vi phạm quy tắc đạo đức nghề luật sư.
Thậm chí, quy định này là vi hiến và xung đột với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Việc quy định như trên còn làm đảo lộn giá trị nghề luật sư trong xã hội vì bản chất nghề luật sư là bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) với kinh nghiệm đã từng hành nghề luật sư cũng chia sẻ quan điểm với ý kiến của các luật sư. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thái Học cho rằng, mọi công dân đều bình đẳng truớc pháp luật, LS muốn chia sẻ cũng phải trên cơ sở pháp luật. Theo đó, quy định như luật là phù hợp, chứ không phải ràng buộc luật sư tố giác mọi tội phạm và cũng cũng không làm thui chột nghề LS.
“Tôi nghĩ điều này phù hợp với trách nhiệm của LS, hoạt động hành nghề LS, vừa bảo vệ quyền lợi thân chủ của mình, đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”– ông Học nói.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) cũng cho rằng quy định như trên là hợp lý, ngoài trách nhiệm của LS thì giới LS cần phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm công dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết./.
Thu Hằng