Nỗ lực mới của Liên minh châu Âu nhằm giảm thiểu rác thải nhựa 

Từ 3/7, các sản phẩm nhựa dùng một lần chỉ được bán ra thị trường nếu đáp ứng các yêu cầu thiết kế sản phẩm cụ thể giúp giảm đáng kể số lượng nắp làm bằng nhựa thải ra môi trường.
Nỗ lực mới của Liên minh châu Âu nhằm giảm thiểu rác thải nhựa

Từ ngày 3/7/2024, tất cả các loại nắp chai hoặc hộp nhựa chứa đồ uống được bán ở Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải được gắn vào chai/hộp theo các quy định mới nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm.

Như vậy, một phần của chỉ thị được EU ban hành từ năm 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 3/7 tới, trong đó yêu cầu một loạt sản phẩm từ chai nước, đồ uống có gas đến hộp sữa và nước trái cây phải có nắp được gắn vào bình.

Theo chỉ thị này, nắp chai/hộp là một trong những sản phẩm nhựa dùng một lần được tìm thấy nhiều nhất trên các bãi biển ở châu Âu.

Như vậy, các sản phẩm nhựa dùng một lần chỉ được bán ra thị trường nếu đáp ứng các yêu cầu thiết kế sản phẩm cụ thể giúp giảm đáng kể số lượng nắp làm bằng nhựa thải ra môi trường.

Quy định này là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm hạn chế sản xuất nhựa sử dụng một lần và đã được chuyển thành luật ở các quốc gia thành viên EU.

Quy định cũng áp dụng cho phần trên của "bao bì tổng hợp" chẳng hạn như hộp sữa hoặc hộp nước trái cây có chứa bìa cứng, nhựa hoặc nhôm nhưng không bao gồm phần trên của hộp đựng bằng thủy tinh và kim loại, cũng như các hộp đựng được sử dụng cho "mục đích y tế."

 

Năm 2021, EU đã cấm đĩa nhựa, dao kéo, ống hút và tăm bông dùng một lần. Các công ty được phép bán hết số hàng đã sản xuất trong kho. Tháng Ba vừa qua, các nước EU đã nhất trí thỏa thuận cấm bao bì nhựa sử dụng một lần từ năm 2030.

Lệnh cấm cũng sẽ áp dụng cho việc đóng gói trái cây và rau quả tươi chưa qua chế biến, các phần đi kèm sản phẩm như gia vị và đường, cũng như đồ vệ sinh cá nhân cỡ nhỏ và màng bọc cho vali ở sân bay. Thỏa thuận này là bước tiến tới các mục tiêu môi trường của EU theo Thỏa thuận Xanh, một bộ luật được đề ra để giúp khối này đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 5/2024 đã tiến hành điều tra Italy vì cho rằng nước này không thực hiện các hướng dẫn nhằm hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Italy là một trong những nước đầu tiên ủng hộ các nỗ lực của châu Âu nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do đồ nhựa sử dụng một lần, song trong những năm gần đây quốc gia này phản đối việc mở rộng các quy định liên quan.

Năm 2021, EU điều tra và phát hiện rằng các quy định của Italy về sản phẩm nhựa sử dụng một lần không tuân thủ các quy định của EU.

Sau đó, Italy chính thức "chuyển đổi" các quy định của EU về sản phẩm nhựa dùng một lần thành luật. Tuy nhiên, vấn đề này một lần nữa gây chú ý vào năm ngoái, khi Italy và Phần Lan cảnh báo sẽ nới lỏng các quy định của EU về bao bì nhựa dùng một lần.

 

Thông báo của EC cho biết Italy đã không thực hiện "đầy đủ và chính xác" các quy định về đồ nhựa sử dụng một lần, vốn được coi là đóng vai trò thiết yếu trong Chiến lược về nhựa và Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn của EU.

Theo EC, Italy có thời gian 2 tháng để khắc phục các vấn đề được nêu trong kế hoạch trên. Nếu không tuân thủ, quốc gia này có thể sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt của EC.

Một nghiên cứu quốc tế mới đây cho thấy hơn 50% ô nhiễm nhựa từ các sản phẩm có thương hiệu trên toàn cầu liên quan 56 công ty sản xuất.

Nghiên cứu được đăng trên trang chủ của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), theo đó 12 tổ chức quốc tế, trong đó có Cơ quan khoa học quốc gia của Australia và CSIRO, đã lần đầu tiên đưa ra định lượng trách nhiệm đối với vấn đề ô nhiễm nhựa.

Dựa trên dữ liệu từ chương trình theo dõi rác thải nhựa kéo dài 5 năm tại 84 quốc gia trên thế giới, nghiên cứu chỉ ra công ty Coca-Cola của Mỹ là nhà sản xuất gây ô nhiễm nhựa lớn nhất, chiếm 11% tổng ô nhiễm nhựa toàn cầu.

Tiếp theo là tập đoàn PepsiCo, chiếm 5%; Nestle của Thụy Sỹ và công ty thực phẩm Danone của Pháp đều chiếm 3%. Trong khi đó, 13 công ty khác gây ra ít nhất 1% ô nhiễm là nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống hoặc thuốc lá.

 

Trong khi đó, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) và Đại học Toronto (Canada) gần đây công bố một nghiên cứu cho thấy hiện có tới khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm đang nằm sâu dưới đáy đại dương./.

Các thợ lặn thu thập rác thải nhựa ở ngoài khơi bờ biển đảo Goree, Senegal. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm nằm sâu dưới đáy biển

Khối lượng rác thải nhựa dưới đáy biển tập trung xung quanh các lục địa, với 46% trong tổng số lượng rác này nằm ở độ sâu hơn 200m và 54% còn lại nằm ở độ sâu từ 200 đến 11.000m.

(TTXVN/Vietnam+)
29 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 665
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 665
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 80801497