Các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh ở Hà Lan, vốn được cho là sẽ khó khăn, đã nhanh chóng "sa lầy" ngay từ bước đầu khi nghị sỹ được Đảng Tự do (PVV) lựa chọn làm đại diện đàm phán buộc phải tuyên bố từ bỏ nhiệm vụ vì vướng bê bối.
Đảng PVV do ông Geert Wilders dẫn đầu đã gây bất ngờ khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Hà Lan diễn ra tuần trước, với kết quả có được 37 ghế tại Quốc hội gồm 150 ghế của nước này.
Hiện Liên minh châu Âu (EU) đang theo dõi sát tiến trình đàm phán thành lập chính phủ tại Hà Lan.
Việc ông Wilder và PVV có thể tìm được các đối tác liên minh được đánh giá là không dễ dàng.
Điều này nhanh chóng được bộc lộ khi ngày 27/11, Thượng nghị sỹ Gom van Strien của PVV thông báo với ông Geert Wilders và Chủ tịch PVV về việc rút khỏi vị trí đại diện đàm phán, quyết định có hiệu lực ngay lập tức.
Lý do được đưa ra bắt nguồn từ các thông tin đăng tải trên truyền thông, theo đó cáo buộc ông Gom van Strien có hành vi gian lận tại công ty cũ.
Tuyên bố được đưa ra ngay cả khi nghị sỹ này còn chưa chính thức bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, dự kiến trong ngày 27/11.
Trước đó, nhật báo NRC ngày 26/11 đưa tin Utrecht Holdings - công ty cũ của ông Gom van Strien - đã đệ đơn lên cảnh sát tố cáo hành vi gian lận của ông này và các đồng nghiệp.
Ông Gom van Strien bác bỏ mọi cáo buộc "vô căn cứ," khẳng định luôn tuân thủ luật pháp và các quy định.
Với kết quả dẫn đầu, ông Wilders là người đầu tiên được giao trọng trách đàm phán tìm kiếm đối tác liên minh, ít nhất là 2-3 đảng, trong đó đảng VVD, đảng Khế ước xã hội mới là đối tác tiềm năng nhất.
Bê bối này đánh dấu bước thụt lùi đầu tiên của ông Wilders và PVV. Chia sẻ trên mạng xã hội X cuối tuần qua, ông Wilders khẳng định PVV sẽ giúp quản lý đất nước và bày tỏ tin tưởng sẽ trở thành thủ tướng của Hà Lan.
Ông cũng khẳng định sẵn sàng thể hiện quan điểm "tích cực và phù hợp", cũng như hài hòa những quan điểm cực đoan.
Ông Wilders tin rằng các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh có thể được hoàn tất trong 3 tuần nếu tất cả đều có sự chuẩn bị để thỏa hiệp.
Tuy nhiên, tuyên bố rút lui của nghị sỹ Gom van Strien có thể khiến thời gian đàm phán kéo dài hơn dự tính của PVV.
Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng phải đến đầu năm 2024, Hà Lan mới có chính phủ mới./.