Theo báo cáo, nợ công của 19 quốc gia khu vực sử dụng đồng tiên chung Euro (Eurozone) tăng tới 98% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020.
"Tại khu vực Eurozone, tỷ lệ nợ công so với GDP tăng từ 83,9% vào cuối năm 2019 lên 98% vào cuối năm 2020. Trong khi đó, toàn bộ khối EU, nợ công tăng từ mức trung bình 77,5% lên 90,7%".
Cũng theo báo cáo của Eurostat, "thâm hụt ngân sách chính phủ khu vực Eurozone so với GDP tăng từ 0,6% năm 2019 lên 7,2% vào năm 2020 và toàn bộ khu vực EU, mức thâm hụt tăng từ 0,5% năm 2019 lên 6,9% năm 2020”.
Cụ thể, đối với từng quốc gia, nợ công của Hy Lạp đã lên tới 205,6% GDP được ghi nhận là quốc gia có mức nợ công cao nhất EU. Italy là quốc gia có tỷ lệ nợ công so với GDP cao thứ 2 tại khu vực EU là 155,8%. Tiếp đó là Bồ Đào Nha (133,6%); Tây Ban Nha (120%); đảo Síp (118,2%) Pháp (115,7%) và Bỉ (114,1%).
Tất cả các nước thành viên EU, ngoại trừ Đan Mạch đều có mức thâm hụt ngân sách hơn 3% GDP. Trong đó, Tây Ban Nha, Malta, Hy Lạp và Italy là các quốc gia có mức thâm hụt ngân sách lớn nhất khu vực. Tây Ban Nha ghi nhận mức thâm hụt ngân sách lên tới 11% GDP.
Hy Lạp ghi nhận mức thâm hụt ngân sách ở mức 9,7%. Tỷ lệ này ở Italy là 9,5%; Pháp là 9,2%; Đức là 4,2%. Đan Mạch là nước có thâm hụt thấp nhất 1,1%, trở thành quốc gia duy nhất, bất chấp đại dịch, vẫn nằm trong khuôn khổ của Hiệp ước ổn định tài chính của EU. Thụy Điển có thâm hụt ngân sách thấp thứ 2 tại khu vực , chỉ ở mức 3,1%, tức là chỉ cao hơn giới hạn bình thường 3% của Hiệp ước ổn định tài chính chung của EU.
Cũng theo Eurostat, thâm hụt ngân sách trung bình của khu vực đồng tiền chung Eurozone đã tăng 7,2% trong năm 2020, từ 0,6% vào năm 2019. Với toàn bộ EU, thâm hụt tăng 6,9%, từ mức 0,5%.
Vào tuần trước, 3 nhà kinh tế hàng đầu của Pháp đã kêu gọi các quốc gia EU dỡ bỏ các biện pháp thắt lưng buộc bụng, cho rằng các biện pháp không cần thiết sẽ kìm hãm khả năng phục hồi của các nước sau khủng hoảng dịch bệnh.
Trước đó, lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý thành lập một quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu đại dịch trị giá 750 tỷ Euro (888 tỷ USD) để tái thiết các nền kinh tế EU bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng COVID-19. Theo kế hoạch, gói cứu trợ này sẽ bao gồm 500 tỷ EUR (564 tỷ USD) dưới dạng viện trợ và 250 tỷ EUR (282 tỷ USD) cho vay giúp các nước thành viên phục hồi kinh tế do những tác động của đại dịch COVID-19 gây ra./.
Hoài Hà (Theo euronews.com, europa.eu)