Truyền thông Bắc Phi ngày 9/7 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Niger cho biết nước này đã tiếp nhận các vũ khí hạng nặng và xe bọc thép do Ai Cập cung cấp để chống lại các nhóm thánh chiến ở miền Đông và miền Tây đất nước.
Giới chức quân sự Niger ở Niamey đã tiếp nhận từ Ai Cập 30 xe bọc thép BRDM-2, khoảng 20 quả đạn cối và một khẩu pháo 122 mm, hơn 2.000 khẩu súng lục tự động và súng trường tấn công AK-47, cùng với nhiều đạn dược.
Bộ trưởng Quốc phòng Niger Alkassoum Indatou đã ca ngợi sự hỗ trợ quan trọng của Ai Cập, cho biết thêm Cairo tuyên bố sẽ tiếp tục thể hiện tình đoàn kết với Niger trong bối cảnh tình hình an ninh ở khu vực Sahel diễn biến phức tạp.
[Niger sẽ là nước đầu tiên ở châu Phi được EU hỗ trợ chống thánh chiến]
Theo ông Indatou, Ai Cập cũng đang hỗ trợ huấn luyện các lực lượng đặc biệt của quân đội Niger.
Dọc trên 6 trong số 7 đường biên giới, Niger - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới - đang phải đối mặt với các băng nhóm vũ trang hoặc các nhóm thánh chiến như Boko Haram và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Tây Phi, cũng như các nhóm thánh chiến khác có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda và nhóm IS tại vùng Sahara mở rộng (IS-GS).
Trong cuộc chiến chống lại các nhóm chiến binh thánh chiến, Niger nhận được sự hỗ trợ của nhiều quốc gia phương Tây, bao gồm cả Pháp và Mỹ. Hiện có khoảng 1.500 binh sỹ Pháp đang đồn trú tại Niger.
Mới đây, ngày 5/7, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell tuyên bố Brussels sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự để giúp Niger đối phó với các nhóm thánh chiến, đặc biệt là ở những khu vực gần Mali và Burkina Faso.
Phát biểu họp báo ở thủ đô Niamey, ông Borrell thông báo Niger “sẽ là quốc gia đầu tiên ở châu Phi” được hưởng lợi từ viện trợ của châu Âu nhằm cung cấp cho lực lượng của nước này những “thiết bị sát thương” chủ yếu là “đạn dược cho trực thăng chiến đấu.”
Trong số “hàng trăm triệu euro” viện trợ dành cho an ninh của Niger, 5 triệu euro sẽ được dùng để mua đạn dược chiến đấu. Số tiền này sẽ đến từ Quỹ Hòa bình châu Âu, cùng một nguồn tài chính mà Ukraine từng được hưởng lợi trước đó.
Quan chức EU cũng nhắc lại sự tồn tại của “các phái bộ quân sự ở Niger để hỗ trợ đào tạo nhân sự, xây dựng doanh trại...”
Theo ông Borrell, EU “ủng hộ” Niger vì “chương trình củng cố dân chủ được quản trị tốt”, cũng như “năng lực tuyệt vời” của quân đội nước này trong quá trình “đối phó với tình trạng mất an ninh.”
Ông đánh giá cao vai trò “ổn định” của Niger “ở một khu vực hết sức bất ổn và dễ bị tổn thương.”
Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, phải đối mặt với những toán cướp có vũ trang hoặc các nhóm thánh chiến ở biên giới giáp với 6 trong số 7 quốc gia láng giềng, chẳng hạn như Boko Haram (Nigeria) ở phía Đông và các nhóm thánh chiến khác có liên hệ với 2 tổ chức khủng bố gồm Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo Đại sa mạc Sahara (EIGS) ở phía Tây.
Ngày 22/6, Quốc hội Niger đã thông qua quốc ca mới để thay thế bài "La Nigérienne" (Tạm dịch: Bài ca Niger).
Bài quốc ca mới có tựa đề "Vì danh dự của tổ quốc," đề cập đến các cuộc đấu tranh chống thực dân và cuộc kháng chiến chống lại các nhóm thánh chiến đã tàn phá đất nước này kể từ năm 2015 đến nay.
Từng là thuộc địa cũ Pháp, lời bài hát "La Nigérienne" được nhà soạn nhạc người Pháp Maurice Albert Thiriet viết vào năm 1961. Tuy nhiên, nội dung bài hát không còn phù hợp, nhiều người Niger mong muốn thay thế bằng bài hát mới.
Vào năm 2019, Chính phủ Niger đã thành lập và giao nhiệm vụ cho một ủy ban gồm các nhạc sỹ, nhà văn và quân nhân để điều chỉnh hoặc viết một bài quốc ca mới phù hợp với bối cảnh hiện tại của Niger.
Nội dung bài quốc ca mới nhằm tôn vinh lòng dũng cảm, sự kiên trì của những chiến binh quyết tâm bảo vệ tổ quốc bằng xương máu.
Niger sẽ kỷ niệm 63 năm ngày tuyên bố độc lập vào ngày 3/8 tới./.
(Vietnam+)