Những xu thế lớn chi phối quan hệ quốc tế ngày nay 

(Chinhphu.vn) – Theo nhìn nhận của chuyên gia, tình hình thế giới và khu vực nổi nên 8 xu thế lớn, tác động đến quan hệ quốc tế và tác động ít nhiều đến việc thực hiện đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta.
Những xu thế lớn chi phối quan hệ quốc tế ngày nay

Nhận định về tình hình thế giới, TS. Lê Đình Tĩnh, Quyền Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao cho rằng, trước hết cục diện thế giới cơ bản tuy vẫn vận động trong trạng thái Mỹ là siêu cường duy nhất, nhưng sự phân bố quyền lực đang có những thay đổi đáng chú ý như yếu tố đa cực, đa trung tâm rõ nét hơn.

Trước hết, khác với thời Chiến tranh Lạnh, khái niệm “cực” quyền lực không còn mang ý nghĩa kiểm soát đơn tuyến từ trên xuống. Thực tế là tập hợp lực lượng hiện nay đa dạng, phức tạp, lỏng lẻo hơn, chủ yếu trên cơ sở lợi ích quốc gia.

Trong cấu trúc và phân bố quyền lực hiện nay, do vai trò tăng lên của các nước tầm trung, khả năng đơn phương chi phối của các cực giảm xuống. Sự ra đời của G20 cho thấy nếu chỉ có các tập hợp cũ như G7 thì không đáp ứng được thực tiễn quốc tế mới.

Đồng thời, tuy là các cực với khả năng kiểm soát lỏng lẻo hơn so với trước nhưng quan hệ giữa các nước lớn vẫn mang tính định hình cục diện, cạnh tranh hay hợp tác giữa các nước này có tác động lớn đến chiều hướng vận động của tình hình.

Thứ hai, tiếp đà những năm gần đây, xu thế toàn cầu hóa tuy chưa bị đảo ngược nhưng nhiều khía cạnh bị chững lại do sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc.

Xu thế chuyển dịch tư bản (và kéo theo nhiều lĩnh vực khác) vẫn diễn tiến theo hướng từ Tây sang Đông, Bắc xuống Nam. Trong những năm vừa qua, tự do hóa thương mại tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thể hiện ở việc ký kết ba hiệp định thương mại táo bạo và quy mô hàng đầu là CTPP, FTA EU-Nhật và USMCA (phiên bản mới của NAFTA).

Đồng thời, trong khi thúc đẩy tự do hóa thương mại và thuận lợi hóa đầu tư, giờ đây nhiều chính phủ phải tính đến lợi ích của tổng thể hoặc một bộ phận thiểu số người dân. Phong trào “áo vàng” ở Pháp, Brexit ở Anh, vấn đề người nhập cư tại Mỹ, Đức, Áo cho thấy rõ điều đó.

Thứ ba, hòa bình, hợp tác tiếp tục là xu thế chủ đạo nhưng nguy cơ chiến tranh, xung đột cục bộ tăng cao hơn so với trước, xuất hiện các hình thái mới, trong khi tình hình nhiều điểm nóng khu vực chứng kiến những chuyển động khác nhau.  

Về tổng thể, hòa bình thế giới được duy trì, các cuộc xung đột quy mô lớn không xảy ra, tuy nhiên thế giới những năm qua đã xảy ra cuộc chiến tranh Syria, căng thẳng gia tăng tại nhiều nước Trung Đông, châu Phi, Mỹ La tinh.

Tình hình Biển Đông tuy không xảy ra sự cố lớn trên bề mặt nhưng nguy cơ va chạm, xung đột không giảm, thậm chí nguy hiểm hơn do mật độ hiện diện các phương tiện tăng lên.

Một số hình thái chiến tranh, xung đột mới xuất hiện như chiến trạng mạng, chiến tranh bất quy tắc, xung đột phi vũ trang. Đáng chú ý, tình hình bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt nhanh chóng, thể hiện rõ các cuộc gặp cấp cao liên Triều và Mỹ-Triều. Nguy cơ khủng bố ISIS giảm đi.

Tuy nhiên trên bình diện toàn cầu, hợp tác đa phương bị thách thức đáng kể. Anh thúc đẩy thỏa thuận với EU về thực thi Brexit tuy chưa đạt được thống nhất nội bộ. APEC dưới sự điều hành của nước chủ nhà Papua New Guinea không ra được Tuyên bố chung. G20 tại Argentina đạt thỏa thuận nhưng với công thức yếu. G7 bất đồng nhiều hơn so với trước. Trong khi đó, hợp tác song phương và giữa các nhóm nhỏ hơn tăng lên, ví dụ hợp tác tay ba, tay tư  (Mỹ - Nhật - Australia, Mỹ - Nhật - Ấn Độ - Australia), hợp tác tiểu vùng tích cực hơn (Mekong, Vành đai Ấn Độ Dương, CLMV…).

Thứ năm, các thách thức an ninh ngày càng đa dạng, phức tạp, khó lường, có thể tạo ra các hệ quả trên diện rộng và trong dài hạn, bao gồm nhiều vấn đề phi truyền thống tác động đến an ninh, phát triển của nhiều quốc gia, tạo thêm gánh nặng về tài lực, vật lực và nhân lực.

Kể từ cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, Mỹ đã bắt đầu xem an ninh mạng là thách thức nghiêm trong hơn cả chủ nghĩa khủng bố. Cáo buộc can thiệp vào bầu cử năm qua liên quan đến yếu tố an ninh mạng. An ninh nguồn nước tiếp tục diễn biến đáng báo động ví dụ tại lưu vực hạ nguồn sông Mekong. Việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015 làm giảm các nỗ lực quốc tế về ứng phó với biến đối khí hậu trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng. Tội phạm công nghệ cao tăng lên về số lượng và mức độ phức tạp. An ninh tài chính xuất hiện các vấn đề như như tiền ảo (cryptocurrency), tài chính công nghệ (fintech) mới, nạn đánh cắp bí mật thông tin, tin tặc can thiệp giao dịch ngân hàng.

Cùng với xu thế tán quyền, mạng xã hội với tính chất siêu kết nối, lan tỏa cực nhanh (nhiều lúc khó kiểm chứng và kiểm soát) trở thành công cụ chuyển tải thông điệp chính trị sắc bén, đặt ra nhu cầu thay đổi phương thức quản lý và quản trị tại nhiều quốc gia.

Thứ sáu, nỗ lực xu thế dân chủ hóa đời sống quốc tế, đấu tranh bảo vệ các quyền lợi chính đáng, bình đẳng giữa các quốc gia vẫn tiếp tục nhưng kết quả đạt được hạn chế hơn trong năm qua do tác động của chính trị cường quyền, chủ nghĩa đơn phương và tình trạng không có thể chế siêu quốc gia bảo đảm cưỡng chế thi hành luật pháp quốc tế.

Quá trình pháp điển hóa và tiến bộ luật pháp quốc tế nhìn chung được thúc đẩy nhưng có mặt thụt lùi, nhất là trên khía cạnh thực thi. Ví dụ Phán quyết của Tòa Trọng tài theo phụ lục VII của Công ước Luật biển năm 1982 chưa được tuân thủ trên thực tế.

Chủ nghĩa đơn phương có dấu hiệu tăng lên, ví dụ việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Hạt nhân P5+1 với Iran, Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), UNESCO, Hội đồng Nhân quyền LHQ, Cơ quan Bưu chính Quốc tế. Sáng kiến của các nước lớn như Chiến lược Ấn-Thái, BRI đặt ra vấn đề liệu ASEAN có còn giữ được vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình và rộng hơn là vai trò của các nước vừa và nhỏ. Tính hiệu quả, hiệu lực của nhiều định chế quốc tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào quyết định của các nước lớn.

Thứ bảy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động ngày càng sâu rộng, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là công cụ quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Công nghệ mới khiến tư duy chính sách, tổ chức, quản trị và kinh doanh thay đổi. Facebook không viết bất kỳ tin nào nhưng lại là hãng sở hữu nhiều tin tức nhất thế giới. Các mô hình kinh tế số (thương mại điện tử, hạ tầng số), kinh tế chia sẻ (Uber, Grab, Airbnb) xuất hiện, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ với các mô hình kinh doanh, sản xuất và dịch vụ truyền thống. Mỹ phóng tàu thăm dò Insight lên sao Hỏa. Lần đầu tiên trong lịch sử, một công ty tư nhân có giá trị tài sản vượt mốc 1.000 tỷ USD (hãng công nghệ Apple). Chương trình Made in China 2025 đặt mục đích biến Trung Quốc thành cường quốc công nghệ hàng đầu, dành 2,1% GDP cho nghiên cứu và phát triển, đứng thứ 2 thế giới. Nhật Bản xây dựng xã hội 5.0. Hàm lượng tri thức trung bình trong các sản phẩm chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Cạnh tranh công nghệ ngày càng khốc liệt.

Thứ tám, châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất và là trọng tâm địa chiến lược mới của thế giới, đem đến cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia khu vực.

Sự tập trung của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ (số 1), Trung Quốc (2), Nhật Bản (3), Ấn Độ (6), ASEAN (7), Hàn Quốc (11), cộng với tốc độ tăng trưởng cao (năm 2018 khoảng 5,6% so với mức kỷ lục 6,6% năm 2017) khiến châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là địa điểm hấp dẫn nhất cho thương mại và đầu tư toàn cầu.

Cùng với đó, các nước lớn triển khai các chiến lược quy mô, tiêu biểu là BRI (Trung Quốc) và Chiến lược Ấn-Thái (Mỹ), đem lại cả cơ hội và thách thức mới cho khu vực.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, cụ thể hóa Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương.

So với các giai đoạn trước, Việt Nam đã thể hiện được vai trò vị thế mới trên cơ sở năng lực đất nước được nâng cao. Càng ngày có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đã mang vóc dáng và đáp ứng được tiêu chí của một nước tầm trung, về sức mạnh tổng hợp quốc gia, về cách ứng xử ngoại giao coi trọng hòa bình hợp tác, đối thoại, luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương và có bản sắc đặc trưng được cộng đồng khu vực, quốc tế đánh giá cao.

Trong thời gian tới TS. Lê Đình Tĩnh cho rằng Việt Nam sẽ tập trung xử lý nhiều thách thức cả cũ và mới, đồng thời phát huy lợi thế và những thành tựu đạt được thời gian qua./.

Hải Minh

383 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 936
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 936
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87054074