Những vấn đề đặt ra với giết mổ gia súc, gia cầm. Bài 2: Cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho các lò mổ 

(QT) - Trong điều kiện vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp đang “nóng” như hiện nay, việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và ban hành chính sách hợp lý đối với việc xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện không hề dễ dàng nếu không triển khai một cách đồng bộ và có lộ trình rõ ràng.

Trở lại câu chuyện lò mổ của ông Nguyễn Đức Kết, ở khóm Hữu Nghị, thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh), sau hơn 10 năm đưa lò mổ vào hoạt động, ông Kết cho hay: “Đến nay tôi vẫn chưa thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu. Càng làm càng thua lỗ. Mỗi con lợn thu phí đưa vào lò giết mổ tập trung là 12 ngàn đồng. Tính ra, trung bình mỗi tháng lò mổ thu 7,2 - 7,9 triệu đồng. Trong khi chi phí trong một tháng 6,9 triệu đồng gồm các khoản như thuê bảo vệ, củi đốt lò, tiền điện, chổi quét lò… Như vậy, sau khi trừ các khoản chi phí mỗi tháng tôi chỉ còn từ 300 ngàn - 1 triệu đồng”. Đứng trước nguy cơ phá sản vì thu không đủ bù chi của lò giết mổ nhưng bây giờ ông Kết không thể tự điều chỉnh lệ phí đưa gia súc vào lò giết mổ.

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn tỉnh các lò giết mổ tập trung ở mỗi địa phương có một mức thu khác nhau, giao động từ 12 - 25 ngàn đồng. Việc không thống nhất mức thu phí dịch vụ đưa gia súc, gia cầm vào lò giết mổ tập trung như hiện nay gây không ít khó khăn cho các chủ lò. Mục đích xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung không chỉ để kiểm soát công tác quản lý giết mổ mà còn đưa lại những tính năng như sạch sẽ, tiện lợi, chuyên nghiệp và giá thành thấp hơn khi cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng, nhưng vì việc phân cấp quản lý đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa cụ thể, mức thu phí cho thuê để giết mổ của các cơ sở chưa thống nhất và chưa đủ để trang trải các hoạt động của cơ sở, thiếu kinh phí để duy tu, nâng cấp.

 

Theo ông Lê Quang Ánh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cần có một khung phí, lệ phí chuẩn cho các cơ sở giết mổ tập trung, vừa tránh thất thoát ngân sách, vừa công bằng cho cả chủ lò và chủ gia súc. Vì vậy, đơn vị đã tham mưu Sở Nông nghiệp & PTNT kiến nghị UBND tỉnh xem xét sớm ban hành quyết định quy định tạm thời về giá dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

 

Cũng liên quan đến công tác quản lý hoạt động các lò giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã qua nhiều lần lấy ý kiến của các ngành, địa phương và tiến hành xây dựng dự thảo đề án quy hoạch, chính sách xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến 2030. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được tỉnh phê duyệt.

 

Có thể nói, trong điều kiện vấn đề an toàn thực phẩm đang được người dân đặc biệt quan tâm như hiện này thì việc quy hoạch, xây dựng, đưa các lò giết mổ tập trung vào hoạt động hiệu quả không chỉ là việc của các chủ lò giết mổ mà là một trong những nhiệm vụ cấp bách về an toàn thực phẩm đòi hỏi các cấp, ngành chức năng, hệ thống chính trị cần phải vào cuộc quyết liệt hơn.

 

Hiện các cơ sở giết mổ tập trung và các cơ sở giết mổ quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh do chưa được quy hoạch từ đầu, thiếu đầu tư, đến nay hầu hết đã xuống cấp, địa điểm không phù hợp so với quy định. Bên cạnh đó sự phân công, phân cấp về quản lý an toàn thực phẩm giữa các đơn vị chưa rõ ràng, chồng chéo và còn nhiều bất cập trong khi người sản xuất, kinh doanh sản phẩm động vật chủ yếu vẫn chạy theo lợi nhuận, thiếu ý thức trong việc chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Vì vậy, để quy hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung và nâng cao năng lực quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cần có sự thống nhất trong việc ban hành hệ thống văn bản quy định chung về thủ tục, tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Ngành chức năng mà cụ thể là Sở Nông nghiệp & PTNT cần có sự phân công, phân cấp về quản lý giết mổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường một cách rõ ràng, cụ thể đối với các phòng chuyên môn và các địa phương.

 

Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương trong tỉnh quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung phù hợp đặc thù, điều kiện từng vùng. Cơ quan chuyên ngành thú y cần kiểm tra, xử lý theo quy định hiện hành các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động giết mổ động vật không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ việc chấp hành vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, xử lý triệt để các cơ sở vi phạm theo quy định.

 

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với tình hình giết mổ thực tế tại địa phương, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, đáp ứng một số quy chuẩn như: Có hệ thống mổ treo, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải. Các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo yêu cầu; tiếp tục rà soát để xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y trên địa bàn. Đồng thời, kiên quyết chấm dứt việc giết mổ trong hộ gia đình tại các địa phương. Mặt khác, chỉ đạo ban quản lý các chợ xây dựng quy chế, nghiêm cấm việc kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.

 

Lâm Thanh - Thanh Trúc

> Những vấn đề đặt ra đối với hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm. Bài 1: Thiếu an toàn trong hoạt động của lò mổ

1674 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 691
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 691
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87029137