Đến nay, toàn tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 316 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 68.000 tỷ đồng; có 20 dự án đang tiến hành thủ tục, tiếp cận hồ sơ với tổng số vốn đăng ký dự kiến trên 82.500 tỷ đồng. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đăng ký đạt trên 1.900 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay có 14 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 46,6 tỷ đồng. Về phát triển doanh nghiệp (DN), đến hết quý 1/2017, toàn tỉnh có 3.182 DN với tổng số vốn đăng ký kinh doanh trên 17.000 tỷ đồng, trong 3 tháng đầu năm 2017 đã có 39 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 400 tỷ đồng, tăng 39% so với số doanh nghiệp đăng ký cùng kỳ năm 2016. Năm 2016 đóng góp của DN trên địa bàn vào ngân sách nhà nước khoảng 517 tỷ đồng; tổng sản phẩm (GDP) của DN ước đạt 6.804,9 tỷ đồng, đóng góp khoảng 47,6% GDP của tỉnh…
Bên cạnh những kết quả quan trọng này, công tác XTĐT vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Nổi bật là hoạt động XTĐT chưa có chiều sâu, thiếu đồng bộ và thiếu tính chiến lược; các hình thức XTĐT thực hiện với quy mô chưa sâu rộng, thiếu tính chuyên nghiệp và chưa thực sự chủ động.
Thông tin XTĐT chưa theo sát yêu cầu của nhà đầu tư; khá nhiều hoạt động XTĐT mới dừng lại ở khâu tiếp xúc, giới thiệu mà chưa đeo bám quyết liệt, chưa làm cho nhà đầu tư thấy rõ tiềm năng, lợi thế và lợi ích kinh tế mang lại cho mình khi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chưa thu hút được nhiều dự án lớn, có hàm lượng công nghệ cao. Nhiều dự án triển khai chậm tiến độ do năng lực nhà đầu tư, do khó khăn trong công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng; công tác quy hoạch, quản lý đất đai phục vụ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp chưa được chú trọng.
Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hạn chế, bất cập này là do đội ngũ cán bộ làm công tác XTĐT còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp chưa cao; đầu tư cho công tác XTĐT chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Cơ sở hạ tầng của tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ; nhà đầu tư vẫn còn gặp những rào cản về thủ tục hành chính, đất đai, công tác giải phóng mặt bằng…
Từ thực trạng của công tác XTĐT của tỉnh và xu thế thu hút đầu tư hiện nay của các tỉnh, thành phố trong khu vực, có thể thấy rằng nhiệm vụ này của địa phương cần phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm và phương pháp, hình thức tổ chức. Trong đó, cần tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, có tiềm lực kinh tế và hàm lượng công nghệ cao, ít tác động đến môi trường sinh thái; hạn chế các dự án đầu tư quy mô nhỏ lẻ, sử dụng diện tích đất lớn và gây ô nhiễm môi trường.
Chú trọng XTĐT về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế; công nghiệp nặng và thiết bị công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp năng lượng mới và năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng, dệt may và giày da; thương mại - dịch vụ và logistics; quan tâm thu hút các dự án đầu tư vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Trên cơ sở này, công tác XTĐT cần có sự đổi mới cơ bản với ưu tiên trước mắt là cần sớm thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư của tỉnh để làm đầu mối tham mưu, tổ chức các hoạt động XTĐT, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn cũng như hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình đầu tư và thực hiện một số nhiệm vụ khác. Trên thực tế mô hình này đã được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện trên cơ sở hợp nhất các đơn vị làm công tác xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại - công nghiệp và phát huy tốt hiệu quả nhờ tính tập trung, quản lý thống nhất, chuyên nghiệp và phát huy sức mạnh tổng hợp.
Tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu, danh mục dự án, ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho công tác XTĐT; thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến quảng bá tiềm năng, lợi thế và danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh lên phương tiện thông tin đại chúng, qua các sự kiện xúc tiến đầu tư và kinh tế ở trong và ngoài nước.
Thực hiện đồng bộ hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về công tác XTĐT qua việc bám sát hoạt động, công tác XTĐT của các bộ, ngành Trung ương; phối hợp với các tổ chức quốc tế, nhất là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA) để kết nối, tham gia xúc tiến, mời gọi các dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Tổ chức đồng bộ, hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ dịch vụ, giúp đỡ các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu các thông tin liên quan đến pháp luật, chính sách, cơ chế thủ tục đầu tư và các vấn đề liên quan khác khi đến đầu tư trên địa bàn… Công tác XTĐT có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào môi trường đầu tư và kinh doanh hiện có trên địa bàn.
Do vậy, các cấp và các ngành, địa phương cần thường xuyên tiếp xúc, đối thoại và quan tâm giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng cũng cần có giải pháp hiệu quả để khắc phục ngay tình trạng một số nhà đầu tư giữ đất trong khi kinh nghiệm, năng lực tài chính hạn chế hoặc chậm triển khai dự án và tình trạng chuyển đổi, chuyển nhượng dự án; kiên quyết xử lý về mặt pháp lý đối với những dự án hết thời hạn đầu tư, không có năng lực đầu tư.
Huy Nam