|
Lò giết mổ gia súc tập trung ở phường 2, thị xã Quảng Trị xuống cấp nghiêm trọng
|
Lò giết mổ gia súc tập trung ở thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh được xây dựng từ năm 2006 với diện tích 1.500 m2 do ông Nguyễn Đức Kết làm chủ đầu tư, tổng vốn xây dựng khoảng 600 triệu đồng. Thời điểm những năm 2009-2013, bình quân mỗi ngày lò mổ của ông Kết mổ khoảng 50 con lợn. Tuy nhiên những năm trở lại đây, cơ sở vật chất lò mổ xuống cấp nghiêm trọng. Sàn nhà bong tróc, mái lợp xập xệ có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào nếu có gió lớn, các bể chứa nước đục ngầu, hệ thống chuồng trại đã quá cũ và kéo theo đó là điều kiện vệ sinh không đảm bảo cho việc giết mổ gia súc. Tình trạng xuống cấp cũng xảy ra đối với lò mổ tập trung ở phường II, được xây dựng cách đây hơn mười năm ở khu vực Ba Bến, thị xã Quảng Trị.
Không những đã quá cũ kỹ, chật hẹp mà việc đặt gần khu dân cư trong khi các điều kiện về thoát nước, vệ sinh không đảm bảo khiến hoạt động của lò mổ này ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân trong vùng. Ngoài các cơ sở giết mổ gia súc tập trung thì hiện nay, ngày càng phát sinh nhiều cơ sở giết mổ gia súc quy mô nhỏ lẻ. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 11 cơ sở giết mổ gia súc tập trung với công suất giết mổ từ 15-150 con/ngày, tất cả được xây dựng và đưa vào hoạt động từ thời điểm năm 1996 đến trước năm 2005. Ngoài ra có 204 cơ sở giết mổ gia súc quy mô nhỏ lẻ tại hộ gia đình và 3 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung.
Qua điều tra đánh giá các cơ sở giết mổ gia súc tập trung và các cơ sở giết mổ gia súc quy mô nhỏ lẻ tại hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh, hầu hết chưa đạt các tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 45/2014/TTBNNPTNT, ngày 3/12/2014 quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông- lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đặc biệt là các lỗi về vị trí, xử lý chất thải. Đối với các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, hầu hết đã có thời gian sử dụng từ 10 - 20 năm, tại thời điểm xây dựng đa số cơ sở giết mổ được xây dựng cách xa khu dân cư nhưng trong quá trình đô thị hóa, các khu dân cư mới được hình thành và phát triển dẫn đến việc các cơ sở giết mổ trên không còn phù hợp với điều kiện thực tế.
Mặt khác, tại thời điểm xây dựng do chưa có tiêu chuẩn, thiết kế, chủ đầu tư là tư nhân hoặc HTX nên đến nay phần lớn các cơ sở giết mổ gia súc tập trung này không đảm bảo về diện tích, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, xử lý chất thải... Và tất nhiên là không còn phù hợp với các tiêu chuẩn về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ thịt ngày càng tăng cao nên đến nay công suất giết mổ của các cơ sở này đã vượt lên gấp 2 - 3 lần so với thiết kế ban đầu. Vì thế, các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất phục vụ cho cơ sở giết mổ hoạt động đều quá tải và xuống cấp nghiêm trọng. Thực tế hiện nay, 100% cơ sở thực hiện giết mổ sàn, chưa có cơ sở thực hiện giết mổ treo theo quy mô công nghiệp hoặc bán công nghiệp. Các công đoạn giết mổ gia súc đều được tiến hành trên nền xi măng. Hầu hết các cơ sở giết mổ này không có khu xử lý thịt và khu xử lý phụ phẩm riêng biệt, nước xả, nước thải tràn lan trên sàn...
Trong quá trình giết mổ, thịt lợn, nội tạng, phân, nước thải ... đều nằm lẫn với nhau nên việc thịt lợn bị nhiễm vi sinh vật là điều không thể tránh khỏi. Đối với các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ, hầu hết các cơ sở này đều tận dụng một phần diện tích sinh hoạt của gia đình để thực hiện việc giết mổ, diện tích không đảm bảo, 100% cơ sở giết mổ trên nền xi măng, dụng cụ giết mổ còn thô sơ, hệ thống xử lý chất thải chưa có hoặc tạm bợ, chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... Với số lượng 204 cơ sở giết mổ quy mô nhỏ lẻ nằm rải rác trong khu dân cư, chưa được quy hoạch vào giết mổ tập trung trong khi đó Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ có 78 cán bộ thực hiện công tác kiểm soát giết mổ nên không thể kiểm tra, kiểm soát hết các cơ sở này.
Qua khảo sát thực tế và tìm hiểu của chúng tôi, tại một số chợ như chợ thị xã Quảng Trị, chợ Ái Tử, chợ Thuận (huyện Triệu Phong), chợ Cầu, chợ Gio Sơn (huyện Gio Linh), chợ Xép, chợ thị trấn Hồ Xá 2, chợ Do, chợ thị trấn Bến Quan, chợ Vĩnh Lâm, chợ Vĩnh Thủy, chợ Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh); chợ Tân Liên, chợ Tân Long, chợ Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) diễn ra tình trạng thịt gia súc đã ra đến chợ mới có người đến đóng dấu kiểm dịch. Tình trạng kiểm tra thân thịt và đóng dấu kiểm soát giết mổ tại một số chợ vẫn còn diễn ra nhiều nơi, đồng nghĩa với việc toàn bộ quy trình giết mổ không được theo dõi, giám sát chặt chẽ và do đó không thể chắc chắn thịt được đóng dấu tại chợ có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không.
Riêng đối với gia cầm, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại 3 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung ở phường 1 (thành phố Đông Hà) và kiểm tra, đóng dấu kiểm soát giết mổ gia cầm tại một số chợ như chợ thị xã Quảng Trị, chợ Ái Tử (huyện Triệu Phong), chợ Cầu (huyện Gio Linh), chợ Do (huyện Vĩnh Linh). Số còn lại thì người dân mua thực phẩm theo cảm tính và tạm chấp nhận đó là thịt sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Có thể thấy công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Để giải quyết hiệu quả vấn đề này, cần có cơ chế chính sách phù hợp cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng và chính quyền địa phương.
(Còn nữa)
Thanh Trúc - Lâm Thanh