Theo Tổng Thư ký, có nhiều lĩnh vực cấp bách cần được xử lý trong năm mới 2018, trong đó có biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cuộc xung đột Trung Đông...
Trong bài phát biểu trình bày những ưu tiên hành động của mình trong năm 2018, ông Guterres nhấn mạnh việc trao quyền cho phụ nữ trên toàn thế giới là nhiệm vụ cấp bách nhất.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong việc xử lý những thách thức toàn cầu hiện nay, đồng thời kêu gọi những nỗ lực để ngăn chặn tình trạng lạm dụng tình dục và ngược đãi đối với phụ nữ.
Ông Guterres hối thúc cộng đồng quốc tế thúc đẩy "thỏa thuận mới" thực sự cho tiến trình toàn cầu hóa đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Trong năm 2018, Tổng Thư ký Liên hợp quốc tiếp tục đặt mục tiêu cho việc triển khai Chương trình Nghị sự phát triển bền vững 2030, huy động nguồn tài chính cho sự phát triển, kêu gọi các quốc gia và các nhà tài trợ thực hiện các cam kết tài chính.
Ông đề nghị các quốc gia nỗ lực ngăn chặn tình trạng trốn thuế, rửa tiền và những luồng vốn phi pháp để các quốc gia đang phát triển có thể phát huy tốt hơn nguồn lực của mình, tận dụng khu vực tư nhân năng động và xã hội dân sự, đồng thời đầu tư cho lớp trẻ.
Về những tiến bộ công nghệ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng cần phải tận dụng những lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 song phải thận trọng trước những nguy cơ. Những tiến bộ công nghệ có thể giúp đem lại lời giải cho nhiều thách thức cấp bách nhất ngày nay, song đồng thời công nghệ cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.
Đối với bán đảo Triều Tiên, ông Guterres hoan nghênh việc mở lại các kênh liên lạc liên Triều, kêu gọi các bên tận dụng những tín hiệu hy vọng này để mở rộng những nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa khu vực thông qua biện pháp hòa bình.
Một ưu tiên cấp bách khác của Tổng Thư ký Liên hợp quốc là Trung Đông. Theo ông, tình hình tại Trung Đông đang diễn biến ngày một phức tạp với việc quá nhiều điểm nóng liên quan đến nhau, dẫn đến nguy cơ xảy ra một chu kỳ leo thang xung đột.
Ông kêu gọi người Israel và Palestine quay trở lại bàn đàm phán và khẳng định không có "kế hoạch B" thay thế cho giải pháp hai nhà nước. Tại Syria, ông Guterres cho biết Liên hợp quốc sẽ tiếp tục sự can dự hướng tới những cuộc đàm phán thực chất, có đầy đủ đại diện của các bên tại Syria diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ), dẫn đến giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.
Cuộc chiến chống khủng bố là một nhiệm vụ cấp bách khác được Tổng Thư ký Liên hợp quốc xác định cần phải tiếp tục thúc đẩy trong năm 2018. Ông thông báo vào tháng 6 tới sẽ triệu tập hội nghị cấp cao những quan chức đứng đầu các cơ quan chống khủng bố để thúc đẩy hợp tác đa phương trong lĩnh vực này.
Tổng Thư ký Guterres cũng đặt ưu tiên cho việc củng cố hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Theo ông, sứ mệnh gìn giữ hòa bình đang phải đương đầu với những thách thức chưa từng có khi các phái bộ ngày càng có xu hướng "bị triển khai đến những môi trường khó khăn, gần như không có hòa bình để mà gìn giữ."
Do đó, ông đặt quyết tâm cải thiện cách thức hoạt động của các đội quân gìn giữ hòa bình để binh sỹ có thể tự bảo vệ tốt hơn chính bản thân cũng như người dân mà họ đang phục vụ.
Các mục tiêu còn lại của Tổng Thư ký Guterres trong năm nay bao gồm: củng cố quan hệ đối tác của Liên hợp quốc với Liên minh châu Phi (AU); đẩy lùi trào lưu dân tộc chủ nghĩa đầy nguy hiểm tại châu Âu, hồi sinh các sáng kiến trung gian hòa giải cho miền Đông Ukraine, Nagorno-Karabakh, Transnistria; tìm giải pháp đem lại sự ổn định lâu dài ở vùng Tây Balkan; chấm dứt tình trạng di cư ồ ạt của người Rohingya theo đạo Hồi ở Myanmar; thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; giải quyết vấn đề người di cư với việc thông qua Thỏa thuận Toàn cầu về Di cư an toàn, có trật tự và định kỳ trong năm nay.
Kết thúc bài phát biểu, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh 2018 là năm của cải cách và Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ đưa ra những quyết định quan trọng dù tổ chức này đang phải đương đầu với vô số thách thức từ đầu tư thời gian, tiền bạc, năng lượng, chính trị... Ông bày tỏ hy vọng rằng bất luận những thách thức và khó khăn, các quốc gia vẫn duy trì được những giá trị của Hiến chương Liên hợp quốc./.