Bà Jacinda Ardern - 37 tuổi sẽ trở thành nữ thủ tướng của New Zealand. Bà là người phụ nữ thứ 3 giữ cương vị này và thủ tướng trẻ thứ 2 trong lịch sử New Zealand.
Điều đáng nói là Jacinda Ardern đã thành lập được một chính phủ liên minh chỉ sau gần 3 tháng dẫn dắt đảng Lao động.
Jacinda Ardern bắt đầu tham gia đảng Lao động năm 17 tuổi và được bầu vào Quốc hội năm 2008. Jacinda Ardern có công lớn vực dậy đảng Lao động, giúp đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 9/2017.
Đầu năm 2017, Bill England trở thành thủ tướng khi người tiền nhiệm John Key bất ngờ từ chức. Lúc đó đảng Quốc gia vẫn chiếm ưu thế. Đột nhiên, lãnh đạo đảng Lao động Andre Little rút lui, giúp Jacinda Ardern nắm cương vị này.
Bà Ardern đã thu hút được sự ủng hộ của đông đảo cử tri kể từ khi trở thành thủ lĩnh đảng Lao động vào hôm 1/8, nhờ cam kết sẽ giải quyết những vấn đề xã hội, như trẻ em nghèo và nhà ở cho người thu nhập thấp. Giới truyền thông New Zealand thậm chí đã gọi làn sóng ủng hộ bà là “cơn sốt Jacinda”.
Nhờ bà Ardern, tỷ lệ ủng hộ mà cử tri dành cho đảng Lao động phục hồi mạnh sau khi sụt xuống mức 24% - chỉ bằng khoảng một nửa so với đảng của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Bill England.
Dù đảng Lao động chỉ về nhì trong cuộc bầu cử hôm 23/9, đảng Quốc gia không thể giành được đa số phiếu cần thiết để cầm quyền. Bởi vậy, cả 2 đảng này đều cần đến sự hậu thuẫn của đảng New Zealand thứ nhất để được trao quyền lãnh đạo đất nước. Sau 12 ngày đàm phán, đảng New Zealand thứ nhất tuyên bố đứng về phía bà Ardern, thay vì đảng Quốc gia - đảng cầm quyền tại New Zealand từ năm 2008. Chính điều này giúp Jacinda Ardern trở thành thủ tướng New Zealand.
Jacinda Ardern từng làm việc cho cựu lãnh đạo đảng Lao động Phil Goff. Bà cũng từng là Chủ tịch Liên hiệp quốc tế các tổ chức thanh niên xã hội, tổ chức quản lý hơn 150 phong trào tiến bộ của giới trẻ trên toàn cầu.
Theo đánh giá chung, Jacinda Ardern là người sử dụng hiệu quả mạng xã hội, thường xuyên đăng tải Facebook và dùng công nghệ để tiếp cận người dân.
Nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới
Ở tuổi 31, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz đang trong lộ trình chính thức trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới sau khi đảng Nhân dân (OVP) của ông giành thắng lợi với hơn 31% phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử.
Kurz tốt nghiệp trung học năm 2004, hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 2005. Sau đó, chàng trai trẻ ghi danh vào khoa Luật của Đại học Vienna, nhưng quyết định thôi học năm 2011 để tập trung cho sự nghiệp chính trị.
Với khuôn mặt "trẻ thơ", chính trị gia trẻ tuổi này được công chúng Áo đặt biệt danh "Wonderkid" (thần đồng). Kurz gây ấn tượng với cử tri là một chính trị gia bạo dạn. "Tôi nói điều tôi nghĩ", Kurz phát biểu trước công chúng.
Trước khi trở thành ngoại trưởng cách đây 4 năm, Kurz được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch tổ chức thanh niên của đảng trung hữu Nhân dân với 99% số phiếu tán thành vào năm 2008, đồng thời làm Phó Chủ tịch đảng từ năm 2009. Sự nghiệp chính trị tiếp tục rộng mở khi Kurz trúng cử làm ủy viên Hội đồng thành phố Vienna nhiệm kỳ 2010-2011.
Tháng 4/2011 đánh dấu bước tiến lớn trên con đường chính trị của Kurz khi được bổ nhiệm là người đứng đầu Vụ Hội nhập thuộc Bộ Nội vụ Áo. Trong cuộc bầu cử quốc hội Áo năm 2013, Kurz giành được nhiều phiếu trực tiếp nhất từ cử tri so với các chính trị gia khác.
Tháng 12/2013, Kurz trở thành Ngoại trưởng trẻ nhất trong lịch sử Áo ở tuổi 27.
|
Ông Sebastian Kurz - Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại trụ sở đảng ở Vienna sau khi có kết quả bầu cử sớm, ông Kurz hôm 15/10 hứa hẹn về một phong cách lãnh đạo mới. Ông được hy vọng như “làn gió mới” sẽ giúp thay đổi và vực dậy nền kinh tế Áo đang suy thoái.
Giới trẻ ngưỡng mộ Kurz, một người trẻ, có hoài bão và ý chí, dấn thân trên con đường chính trị, thành công nhờ "nói những điều mình nghĩ" và hành động để đổi thay, đổi thay bản thân, đổi thay xã hội, đổi thay thế giới.
Ở tuổi 31, ông Kurz là một nhà lãnh đạo trẻ theo tiêu chuẩn của phong trào trẻ hoá lãnh đạo gần đây ở châu Âu, khi ông Macron bước vào Điện Elysee ở tuổi 39 và ông Christian Lindner (38 tuổi) dẫn đầu đảng Dân chủ Tự do Đức quay trở lại Nghị viện Đức (Bundestag).
Và tại Italy, nơi 2 ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử vào năm tới có thể là Luigi Di Maio, tân lãnh đạo 31 tuổi của phong trào 5 sao mới phất và cựu Thủ tướng Matteo Renzi (42 tuổi).
Đốt đuốc tìm người trẻ tuổi, tài năng
Người đứng đầu nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin gần đây đã có một động thái gây chú ý, đó là thay thế 11 trong số 85 lãnh đạo vùng của Liên bang Nga trong vòng 2 tuần.
7 trong số các lãnh đạo khu vực được bổ nhiệm ngày 11/10 vừa qua mới chỉ ngoài 30 tuổi hoặc hơn 40 tuổi một chút.
Chức vụ lãnh đạo khu vực ở Nga được xem như một vị trí bước đệm quan trọng để các chính trị gia có thể bước vào chính phủ liên bang hoặc giữ vai trò quyền lực hơn trong chính quyền của tổng thống. Người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, gần đây đã mô tả thế hệ lãnh đạo khu vực mới ở Nga là những chuyên gia “trẻ tuổi, tài năng và hiểu biết rộng”.
Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Nga phụ trách các vấn đề nội chính, ông Sergei Kirienko, gần đây đã công bố mở cuộc thi dành cho các nhà quản lý với tên gọi “Các nhà lãnh đạo Nga”. Bất kỳ công dân Nga nào dưới 50 tuổi và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm quản lý, không cần phải là người làm việc trong chính phủ Nga hoặc khu vực công, cũng có thể ứng tuyển tham gia cuộc thi thông qua một trang web.
Họ sẽ được đặt vào nhiều tình huống để tìm hướng giải quyết và tham gia các trò chơi chiến lược. 300 thí sinh cuối cùng lọt vào vòng chung kết sẽ được nhận 1 triệu rúp/người và những người xuất sắc nhất sẽ được tham gia vào một chương trình tiếp theo. Những người này được xem là “nhóm cán bộ nguồn dự trữ” của Chính phủ Nga và sẽ được chọn vào các vị trí cả ở chính quyền liên bang lẫn lãnh đạo khu vực. Theo ông Sergei Kirienko, tất cả đều là ý tưởng của Tổng thống Putin.