Thành quả đó bắt nguồn từ nhiều nhân tố nhưng trước hết là từ những giải pháp đột phá, tích cực của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thời gian qua.
Lãnh đạo, chỉ đạo đưa Chỉ thị 15 của Ban Bí thư vào thực tiễn cuộc sống
Ngày 28-8-2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW “Về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, trong năm 2002, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt, học tập với thành phần gồm toàn thể lãnh đạo các sở, ban, ngành, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh; Thường trực và Trưởng Ban Tuyên giáo các huyện, thị ủy và Tuyên huấn các Đảng ủy trực thuộc. Tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ thị 15, chỉ đạo cấp ủy, lãnh đạo các địa phương, đơn vị tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; nghiêm túc chỉ đạo triển khai và thực hiện Chỉ thị. Song song với chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai tuyên truyền Chỉ thị 15 trên nhiều kênh thông tin như: Hội nghị Tỉnh ủy, Hội nghị Báo cáo viên, Tài liệu sinh hoạt chi bộ, Báo Quảng Trị, Đài phát thanh truyền hình tỉnh và đăng tải tuyên truyền trên các trang tin và đài truyền thanh các huyện, thị, thành phố.
Cụ thể hóa Chỉ thị 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 7-4-2003, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 23-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp và lịch sử các ngành, đoàn thể, trong đó nhấn mạnh vai trò của các cấp ủy Đảng đối với công tác lịch sử Đảng và những nhiệm vụ cụ thể đến năm 2005 và 2010. Ban hành Thông báo số 25-TB/TU về tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các xã xuất bản lịch sử Đảng bộ kéo dài đến năm 2020.
Tiếp đó, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành: Hướng dẫn của số 10-HD/TG, ngày 18 tháng 9 năm 2006 về công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng toàn tỉnh giai đoạn (2006-2010); Công văn số 328 ngày 27-3-2008 “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”; Đề án số 02-ĐA/BTGTU của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị xuất bản lịch sử giai đoạn 2011 – 2015.
Việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tiễn địa phương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống từ tỉnh đến cơ sở trong thời gian qua.
Chỉ đạo triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng.
- Chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tích cực, chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với cơ sở thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản lịch sử Đảng bộ. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn các đơn vị tiến hành các bước nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ theo đúng quy trình, sát hợp với điều kiện từng địa phương; cử cán bộ chuyên trách lịch sử Đảng trực tiếp tham gia các cuộc hội thảo để kịp thời định hướng, thống nhất các vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn; cung cấp nguồn tư liệu chính thống, đính chính các sự kiện, nhân vật trong các ấn phẩm đã xuất bản để các đơn vị chỉnh sửa, bổ sung trong những lần tái bản tiếp theo.
- Củng cố, từng bước kiện toàn gắn với quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác lịch sử Đảng. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy củng cố, kiện toàn phòng Lý luận chính trị -Lịch sử Đảng làm nhiệm vụ tham mưu về công tác Lịch sử Đảng, do đồng chí Phó Trưởng Ban có chuyên môn và kinh nghiệm trên lĩnh vực lịch sử Đảng trực tiếp phụ trách; đồng chí Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách chung; Các huyện, thị, thành ủy đều có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm do đồng chí Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng ban Tuyên giáo trực tiếp phụ trách. Nhiều đơn vị như: Vĩnh Linh, Hướng Hóa, Đông Hà, Gio Linh, Đakrông, Triệu Phong, Hải Lăng bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn về ngành lịch sử phụ trách công tác lịch sử Đảng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ làm công tác nghiên cứu và biên soạn lịch sử trên địa bàn toàn tỉnh. Trong 15 năm (từ 2012 - 2017), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức 3 đợt tập huấn nghiệp vụ lịch sử Đảng cho hơn 500 học viên; mời giảng viên nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng trực tiếp tập huấn nên đã tạo sự phấn khởi rất lớn cho đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng cũng như cán bộ chủ chốt ở cơ sở; đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ công tác lịch sử Đảng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành nhiều tài liệu hướng dẫn, đề cương khai thác tư liệu của từng giai đoạn cách mạng gửi về cơ sở, góp phần rất quan trọng đề cấp xã triển khai công tác này.
Đối với các huyện miền núi, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mở lớp tập huấn riêng. Năm 2012, mở 2 lớp tập huấn công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cho cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy; Thường trực, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy các xã, thị trấn; lãnh đạo các phòng, ban trên địa bàn huyện. Hội nghị tập huấn đã trang bị kỹ năng cơ bản, cần thiết phục vụ việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu để biên soạn một công trình lịch sử; nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cho đội ngũ cán bộ biên soạn ở các địa phương; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy cơ sở, các ngành, đoàn thể về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ, nhiệm vụ giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
- Chỉ đạo điểm một số đơn vị có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phong trào. Trong điều kiện rất khó khăn về nguồn nhân lực, kinh phí, những năm đầu thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các xã có điều kiện thuận lợi như: Gio An, Trung Hải, Triệu Nguyên, thị trấn Lao Bảo, Hải Lâm nghiên cứu, biên soạn điểm để rút kinh nghiệm triển khai trong toàn tỉnh. Qua chỉ đạo điểm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, huyện ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, từ thành công của các xã điểm, các địa phương, đơn vị nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của công tác lịch sử Đảng; tích cực, chủ động, quyết tâm khắc phục khó khăn triển khai nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các công trình lịch sử Đảng bộ của địa phương mình.
- Hỗ trợ kinh phí cấp xã xuất bản lịch sử Đảng bộ: Năm 2011, trước những khó khăn của cơ sở về kinh phí xuất bản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua Đề án 02-ĐA/BTGTU về hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị cấp xã xuất bản lịch sử Đảng bộ, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm cơ quan thường trực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong toàn tỉnh. Theo Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh trích ngân sách hỗ trợ cho mỗi xã 25 triệu đồng để xuất bản lịch sử Đảng bộ.
Đến năm 2013, sau hai năm triển khai thực hiện Đề án, trước những khó khăn của cơ sở, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh rất quan tâm, đồng ý hỗ trợ thêm cho mỗi đơn vị 25 triệu đồng. Như vậy, hỗ trợ của tỉnh nâng lên thành 50 triệu đồng/xã đặc biệt khó khăn và 25 triệu đồng/xã.
Năm 2016, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng kết 5 năm thực hiện Đề án 02 về hỗ trợ kinh phí của tỉnh cho các đơn vị cấp xã xuất bản lịch sử Đảng bộ. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống cách mạng ở địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tăng mức hỗ trợ cho các xã chưa xuất bản thêm 25 triệu đồng/xã và được đồng ý. Như vậy, hỗ trợ của tỉnh cho các xã chưa xuất bản tăng lên 50 triệu đồng/xã và 75 triệu đồng/xã đặc biệt khó khăn.
Từ năm 2011 - 2017, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 114 đơn vị cấp xã xuất bản lịch sử Đảng bộ với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng. Hỗ trợ kinh phí của tỉnh tạo động lực vật chất và tinh thần rất quan trọng giúp các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các công trình lịch sử Đảng bộ trong thời gian qua.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Từ năm 2002 đến 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu tổ chức sơ kết 5 năm (năm 2007), hội nghị tổng kết 10 năm (2017) và báo cáo tổng kết 15 năm bằng văn bản về công tác lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Riêng Đề án 02, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo báo cáo tổng kết 5 năm bằng văn bản. Việc tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác lịch sử Đảng cho thấy sự quan tâm sâu sắc và sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác lịch sử Đảng, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc thúc đẩy trong trào. Là dịp để những người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở các cấp trao đổi, thảo luận và đúc rút nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá, làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.
Có thể khẳng định, qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác lịch sử Đảng, vượt lên khó khăn, với sự quyết tâm, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Quảng Trị đã phát huy nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, hưu trí, các tầng lớp nhân dân và bà con xa quê hương, tập trung sức lực, trí tuệ, kinh phí đầu tư nghiên cứu, biên soạn, xuất bản đạt nhiều kết quả quan trọng; góp phần xứng đáng vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tỉnh nhà.
Nguyễn Ngọc Tuấn-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy