Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố dự thảo ngân sách cho tài khóa 2024 (bắt đầu từ tháng 10/2023 và kết thúc vào tháng 9/2024) vào ngày 9/3 theo giờ địa phương.
Dự thảo ngân sách được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội đang bị chia rẽ, các ưu tiên về chi tiêu và nguồn thu ngân sách của Tổng thống thuộc đảng Dân chủ sẽ là những yếu tố chính trong các cuộc đàm phán sắp tới với đảng Cộng hòa về việc nâng trần nợ công.
Dưới đây là một số điểm được theo dõi sát sao trong dự thảo lần này.
Cắt giảm thâm hụt ngân sách
Tổng thống Biden khẳng định sẽ đẩy mạnh cắt giảm thâm hụt quốc gia, lên tới 3.000 tỷ USD trong 10 năm thông qua tăng thuế đối với các công ty và người có thu nhập cao.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết tổng thâm hụt liên bang của Mỹ dự kiến lên tới 1.400 tỷ USD vào năm 2023.
Là một phần của nỗ lực trên, chính quyền cho biết họ sẽ đưa ra các sáng kiến mới để xử lý gian lận trong chi tiêu trong thời kỳ đại dịch và các chương trình khác của chính phủ. Tổng thống Biden cũng muốn tăng tiền phạt đối với các công ty vi phạm luật lao động và chuyển hướng các nguồn tài trợ đáng lẽ phải dùng để xây dựng các nhà tù liên bang.
Tăng chi tiêu cho chương trình Medicare
Theo thông báo trong tuần này của Nhà Trắng, Tổng thống Biden hy vọng có thể tăng mức thuế áp lên nhóm thu nhập trên 400.000 USD để chi tiêu cho chương trình Medicare từ 3,8% lên 5%, đồng thời mở rộng khả năng đàm phán giá thuốc của chính phủ liên bang để duy trì khả năng chi trả cho chương trình chăm sóc sức khỏe.
[Quốc hội Mỹ hy vọng thông qua dự thảo ngân sách liên bang trước hạn]
Nhà Trắng muốn Quốc hội cho phép chính quyền đàm phán giá nhiều loại thuốc hơn với các nhà sản xuất và để những cuộc đàm phán đó bắt đầu sớm hơn sau khi thuốc được tung ra thị trường. Ngân sách cũng sẽ yêu cầu các chương trình bảo hiểm y tế thương mại cung cấp các khoản giảm giá khi giá một số loại thuốc tăng nhanh hơn tốc độ lạm phát.
Các đề xuất khác liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe bao gồm tăng khả năng tiếp cận với thuốc phòng ngừa HIV cho những người đăng ký chương trình Medicaid, cũng như yêu cầu các chương trình bảo hiểm hoàn tiền cho Medicaid khi họ chi tiêu ít hơn cho việc chăm sóc bệnh nhân.
Tăng thuế mua lại cổ phiếu gấp 4 lần
Ông Biden có kế hoạch đề xuất tăng gấp bốn lần mức thuế 1% đối với việc mua lại cổ phiếu có hiệu lực vào tháng 1/2023. Mục tiêu là khuyến khích các công ty đầu tư vào sự phát triển của họ, thay vì ưu tiên cho các cổ đông.
Nhà Trắng cho biết việc đánh thuế mua lại cổ phiếu giúp cân bằng một "điểm lệch" của hệ thống thuế. Nhiều cổ đông phải chịu thuế áp lên cổ tức, nhưng việc mua lại cổ phần không phải chịu thuế cho đến năm nay.
Tuy nhiên, giới quan sát cho hay kế hoạch tăng thuế mua lại cổ phiếu có thể khó "qua cửa" Quốc hội Mỹ, nơi đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện.
Ưu tiên cho chăm sóc trẻ em
Dự kiến ông Biden sẽ điều chỉnh lại một điều khoản trong kế hoạch hỗ trợ mùa dịch thông qua hồi năm 2021 nhằm mở rộng khoản tín dụng thuế dành cho chăm sóc trẻ em của các gia đình có thu nhập thấp.
22 bang đã bắt đầu nghiên cứu thực hiện các điều khoản tương tự. Tổng thống Biden cũng sẽ đề xuất tăng tài trợ liên bang cho chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non thêm 22,1 tỷ USD vào năm 2024, tăng 10,5% so với mức ban hành năm 2023, bao gồm 9 tỷ USD cho các khoản trợ cấp liên bang.
Theo kế hoạch của Tổng thống Mỹ, số tiền tài trợ cho các chương trình Head Start sẽ tăng thêm 9% lên 13,1 tỷ USD. Điều này sẽ cho phép toàn bộ bốn triệu trẻ em 4 tuổi của nước Mỹ được đi học mầm non miễn phí, nhưng khoản tài trợ cho chương trình mầm non phổ cập cho trẻ 3 tuổi được đề xuất trước đó sẽ bị cắt giảm.
Tăng thuế đối với nhóm giàu có
Theo một tài liệu chưa công bố rộng rãi, Tổng thống Biden sẽ đề xuất cắt giảm hàng chục tỷ USD tiền trợ cấp thuế dành cho các công ty dầu khí, nhà đầu tư bất động sản, nhà quản lý quỹ, những người đã về hưu giàu có và các nhà giao dịch tiền điện tử.
Dự kiến ngân sách sẽ đề xuất chấm dứt "ưu đãi thuế đặc biệt" đối với các công ty dầu khí và ưu đãi thuế nhiên liệu hóa thạch, song tài liệu chưa đưa ra các số liệu cụ thể.
Ngân sách cũng sẽ đề xuất chấm dứt lợi ích "trao đổi tương đương" cho phép các nhà đầu tư bất động sản hoãn một số loại thuế vô thời hạn. Đây cũng là cam kết của ông Biden nhằm chấm dứt "lỗ hổng" cho phép các nhà quản lý quỹ trả mức thuế thu nhập thấp hơn nhiều so với những người làm công ăn lương.
Ngoài ra, Tổng thống Biden muốn đặt giới hạn về số tiền mà những người có thu nhập trên 400.000 USD có thể giữ trong tài khoản hưu trí để được hưởng các lợi ích về thuế. Ông cũng sẽ loại bỏ "trợ cấp thuế đặc biệt" đối với các giao dịch tiền điện tử nhưng không áp dụng cho cổ phiếu.
Tổng thống Biden dự kiến sẽ nhắc lại lời kêu gọi đánh thuế tối thiểu 20% thu nhập đối với các hộ gia đình sở hữu khối tài sản hơn 100 triệu USD. Nhà Trắng gọi nó là "thuế thu nhập tối thiểu của tỷ phú."
Trong đề xuất ngân sách vào năm ngoái, ông Biden cho hay loại thuế này sẽ đảm bảo những người Mỹ giàu có nhất không phải trả mức thuế thấp hơn so với lính cứu hỏa và giáo viên. Tuy nhiên, một số nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm thúc đẩy một đề xuất như vậy đã không được Quốc hội thông qua.
Theo giới quan sát, các đề xuất của Nhà Trắng đề xuất ít khi được thông qua hoàn toàn. Hạ viện Mỹ đang do phe Cộng hòa kiểm soát, những người muốn yêu cầu cắt giảm mạnh chi tiêu cho các sáng kiến của Tổng thống Biden và gia hạn các khoản giảm thuế được thông qua dưới thời ông Donald Trump.
Và trong khi người dân Mỹ trả lời các cuộc thăm dò ý kiến rằng họ muốn đánh thuế cao hơn đối với người giàu, thì việc tăng thuế ít khi là một động thái khôn ngoan về mặt chính trị./.
H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)