Những "cánh tay nối dài" của Điện lực Khe Sanh 

(QT) - Điện lực Khe Sanh đảm nhận nhiệm vụ quản lý, vận hành lưới điện ở địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa có bán kính cấp điện lớn, đi qua địa hình phức tạp, trong đó có nhiều khu vực là vùng sâu, vùng xa, khó khăn, hiểm trở. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đơn vị đã chủ động tham mưu với PC Quảng Trị thành lập 3 đội quản lý điện tổng hợp gồm Đội quản lý điện tổng hợp Hướng Phùng đóng ở xã Hướng Phùng; Đội quản lý điện tổng hợp Lao Bảo (thị trấn Lao Bảo) và Đội quản lý điện tổng hợp A Túc (xã A Túc) với tổng chiều dài quản lý 255 km đường dây trung thế, 200 km đường dây hạ thế và 14.300 khách hàng sử dụng điện.

Trong quá trình hoạt động, các đội quản lý điện tổng hợp thật sự là “cánh tay nối dài” của Điện lực Khe Sanh trong công tác quản lý, vận hành và sửa chữa lưới điện tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Hôm chúng tôi đến Đội quản lý tổng hợp điện A Túc đóng tại xã A Túc, hầu hết các thành viên của đội đã về hiện trường. Anh Trần Văn Tuấn, đội trưởng cho biết đội gồm 4 thành viên hoạt động trên địa bàn các xã Thanh, A Xing, A Túc, A Dơi, Xy, Ba Tầng… quản lý địa bàn trải dài trên nhiều xã nằm ở vùng biên giới giáp với nước bạn Lào với khoảng 3.000 khách hàng chủ yếu sử dụng điện cho sinh hoạt. Địa hình ở đây phức tạp, nhiều bản làng xa cách hiểm trở, điểm xa nhất là thôn Ba Lòng, xã Ba Tầng với độ dài 24 km kể từ nơi ở của đội.

 

Vì vậy khó khăn lớn nhất là đường giao thông đi lại. Đặc biệt là vùng Paloô, Tanuco ở xã Thanh vào mùa mưa lũ đường bị chia cắt. Nếu có việc quan trọng về xử lý sự cố mất điện vùng bị cô lập thì phải nhờ đồng bào đẩy bằng thuyền để qua suối. Anh Tuấn nhớ lại trận mưa tháng 9/2016 cây đổ gác trên đường dây vùng Paloô gây mất điện. Trong lúc đó nước suối dâng cao, anh em phải nhờ đồng bào đẩy thuyền qua vùng cô lập, rồi đi bộ thêm 5 km mới đến được hiện trường sự cố để xử lý việc chặt cây, cấp điện trở lại. Do đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên nhiều người dân ở vùng Lìa chưa có điện thoại. Vì vậy những lúc gặp sự cố về điện người dân phải đi bộ hàng chục cây số để báo mất điện.

 

Thấu hiểu với hoàn cảnh người dân nên những lúc đó cho dù ngày hay đêm thì anh em công nhân vẫn khẩn trương đến giúp dân khắc phục sự cố. Những công nhân ở đây như anh Linh, anh Thuận hàng ngày phải băng rừng vượt suối để đến thôn Ra Man (xã Xy), Tanuco (xã Thanh) hay nhiều điểm xa hơn nữa như Ba Lòng (Ba Tầng) để kiểm tra hệ thống lưới điện. Anh Linh cho biết: “Thôn Raman vừa được cấp điện vào tháng 7/2013 nên anh em trong đội ưu tiên đến kiểm tra hệ thống điện lưới để xử lý những sự cố khi cần thiết. Đồng thời cũng hướng dẫn người dân sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm và an toàn cũng như hướng dẫn thao tác cần thiết khi sự cố xảy ra. Raman là thôn nằm sát biên giới Việt-Lào, những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi, đặc biệt hiện nay tất cả các hộ dân trong thôn đều đã có điện để sử dụng”.

 

Để thuận tiện cho công tác xử lý, sửa chữa điện, đặc biệt là trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm khi mật độ giông sét xảy ra thường xuyên ở vùng Lìa gây cháy, hỏng thiết bị đo đếm, đội phải thường xuyên có dự phòng vật tư để xử lý sự cố sau khi có giông sét, đồng thời hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sống giữa đại ngàn, các anh đã thành một gia đình gắn kết. Hàng ngày ngoài công việc ở địa bàn, các anh còn phải tự đi chợ, lo cơm nước. Thêm một khó khăn nữa là nguồn nước ở đây gặp đá vôi nên chỉ dành vào việc giặt giũ, còn nước uống, nấu ăn phải dùng nước lọc bình, nguồn thực phẩm chủ yếu từ Tân Long đưa vào, những lúc mưa bão nguồn thực phẩm lại càng khan hiếm hơn.

 

Mặc dù công tác ở vùng sâu, vùng xa nhưng theo quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là không có chế độ phụ cấp khu vực trong khi việc xăng xe, đi lại hay chi tiêu hàng ngày tăng cao nên đời sống của cán bộ, công nhân ở các đội quản lý điện địa bàn càng khó khăn, vất vả hơn. Mặc dù vậy, các anh vẫn luôn nỗ lực để hoàn thành một khối lượng công việc lớn. Do đội ít người phải đổi nhau trực 24 giờ/24 giờ nên vài tuần mới luân phiên nhau về thăm gia đình trong ngày nghỉ chủ nhật. Đôi khi gặp thời điểm chốt chỉ số, thu tiền vào dịp cuối tuần hay ngày lễ thì anh em phải ở lại để hoàn thành công việc.

 

Có trường hợp như anh Nguyễn Mạnh Linh, vợ là giáo viên mầm non ở Gio Việt (Gio Linh) cách xa gần 100 km nên rất ít có điều kiện để trở về sum họp với gia đình. Hay như anh Nguyễn Văn Thuận chấp nhận xa gia đình để bám địa bàn, công tác ở đội lâu năm nhất và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh nhiệm vụ quản lý, vận hành và xử lý sự cố, Đội quản lý điện tổng hợp A Túc còn đảm nhiệm việc thu tiền điện. Hiện nay đội đã hình thành 17 điểm thu tiền điện và hợp đồng với 2 đại lý đảm nhận thu khoảng 2.000 khách hàng. Đây là nhiệm vụ nan giải không kém bởi nhu cầu sử dụng điện của người dân miền núi ít nên sản lượng điện thấp. Mặt khác, do điều kiện kinh tế cũng như nhận thức của người dân chưa cao nên công tác thu tiền điện luôn gặp khó khăn.

 

Anh Trần Văn Tuấn cho biết, để hoàn thành chỉ tiêu đơn vị giao anh em đôi khi phải bỏ tiền cá nhân tạm nộp cho khách hàng sau đó thu dần. Việc linh động này nhằm giúp đồng bào khỏi mất điện và phía đơn vị thì hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác, theo quy định nếu khách hàng chậm trả tiền điện thì áp dụng việc ngừng cấp điện nhưng chi phí ngừng cao hơn so với số tiền hộ gia đình sử dụng. Cụ thể là chi phí 1 lần cắt 89 ngàn đồng/1 lần đóng cắt trong khi đó số tiền sử dụng điện của hộ gia đình từ 30-50 ngàn đồng/hộ/tháng cho nên đơn vị rất hạn chế áp dụng biện pháp ngừng cấp điện. Đây cũng là cách làm linh động góp phần mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh chung của công ty tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa đang gặp nhiều khó khăn.

 

Hồ Nguyên Kha

 
 
720 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 573
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 573
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78017586