Nhức nhối hàng lậu: "Mấu chốt vẫn là sức đề kháng trong nước kém" 

Nhức nhối hàng lậu: "Mấu chốt vẫn là sức đề kháng trong nước kém"

Dù lực lượng chức năng có làm quyết liệt ​đến mấy nhưng sức đề kháng yếu, sản xuất trong nước không phát triển để cạnh tranh với hàng nhập khẩu thì rất khó ngăn chặn nạn buôn lậu.

Đây là ý kiến của đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46), Công an thành phố Hà Nội tại buổi làm việc giữa Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Trung ương và cơ quan thường trực 389 Hà Nội, diễn ra sáng nay (24/7), tại Hà Nội.

Hiệu quả phối hợp chưa cao

Với đặc thù là trung tâm kinh tế của cả nước, nơi tập trung hoạt động kinh doanh hàng hóa lớn, sôi động nên Hà Nội cũng là nơi tập kết, trung chuyển, tiêu thụ số lượng lớn hàng hóa nhập khẩu, trong đó có không ít hàng nhập lậu. 

Dẫn ​ý kiến từ cuộc họp của Ban chỉ đạo 389 Trung ương mới đây, theo Thượng tá Thành Kiến Trung, Phó trưởng phòng PC46, muốn Hà Nội làm tốt​ công tác chống hàng lậu và gian lận thương mại thì cần phải làm mạnh từ biên giới.

​Ông Trung băn khoăn ​về việc thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong việc chia sẻ thông tin, nắm bắt các thủ đoạn buôn lậu.

Dẫn chứng từ việc ngành y tế thu hồi các sản phẩm kém chất lượng, đại diện Phòng PC46 cho rằng, đây là những thông tin rất hữu ích, nhưng bản thân ngành công an cũng không nắm rõ để cùng phối hợp ​và thu giữ.

​Theo ông Trung, cần phải có một ngân hàng dữ liệu chung, cập nhật các số liệu của các ngành, từ công bố chất lượng sản phẩm, đến ​địa điểm giao nhận hàng... ​và dữ liệu chung này phải được trao đổi thường xuyên giữa các cơ quan chức năng, có như vậy công tác đấu tranh với hàng nhập lậu sẽ ​cải thiện rất rõ rệt.

"​Việc kết nối thông tin chung giữa các cơ quan với nhau đến nay vẫn không có," ông Trung cho hay.

Đồng tình ý kiến trên, ông Chu Xuân Kiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho rằng, việc chia sẻ thông tin hiện vẫn vướng những quy định của từng ngành và địa phương.

​Ông Kiên khẳng định, dù Hà Nội làm rất kiên quyết nhưng một số tỉnh khi thấy chế tài còn nhẹ nên chưa làm mạnh tay và kết quả là ảnh hưởng chung đến việc kiểm tra, thu giữ hàng hóa.

[Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Đánh trúng đối tượng đầu nậu, đầu sỏ]

Đặt hàng giả từ nước ngoài

Có thể thấy, phương thức, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, nhất là các mặt hàng như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Nói thêm về biến tướng của loại tội phạm này, theo ông Nguyễn Công San, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, một số lô đầu được doanh nghiệp nhập khẩu hoặc sản xuất làm mẫu rất tốt, nhưng khi được cấp phép và nhập khẩu thì chất lượng không rõ ràng, thậm chí độn cả hàng giả chung với hàng hóa khác để đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Đơn cử mặt hàng mỹ phẩm, ông San khẳng định, nhiều sản phẩm do cá nhân tự nghĩ ra công thức, pha chế đóng gói và các sản phẩm này được mua bán kinh doanh chủ yếu trên mạng và kết quả kiểm tra cho thấy tỷ lệ vi phạm khá lớn.

"Tính chất và thủ đoạn vi phạm hiện nay là hàng hoá do một số chủ đầu nậu đặt hàng bên nước ngoài rồi đưa về Việt Nam với nhiều nhãn hiệu, được biến tướng bằng hình thức nhập nguyên liệu và bao bì rời và đóng gói tại Việt Nam," đại diện Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ ra những thủ đoạn kinh doanh trái phép.

​Để nâng cao công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong tình hình mới, tại buổi họp lãnh đạo phòng PC46 kiến nghị các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ ​các cơ sở in ấn và đề nghị chủ doanh nghiệp phải báo cáo mọi vấn đề liên quan đến hợp đồng in ​bao bì, nhãn hàng hóa ​các mặt hàng dễ bị làm giả...

Bên cạnh đó, ông Trung cũng đề nghị Ban chỉ đạo 389 Trung ương lập đường dây nóng nhằm tiếp nhận thông tin về hàng giả, hàng kém chất lượng qua đó nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với loại tội phạm này./.
 

Thống kê của cơ quan thường trực 389 Hà Nội cho thấy, trong vòng 2 năm gần đây, từ ngày 13/7/2015 - 13/7/2017, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã kiểm tra 1.622 vụ, xử lý 1.626 vụ, phạt hành chính 16,437 tỷ đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm: 39,557 tỷ đồng. Khởi tố 2 vụ và 3 đối tượng. 

Trong đó, tang vật vi phạm chủ yếu gồm: 139.793 sản phẩm thực phẩm chức năng các loại; 12.991 sản phẩm thực phẩm chức năng giả; 102.710 hộp, lọ, gói thuốc tân dược; 20.898 kg thuốc đông dược; 29.658 sản phẩm vật tư y tế, thiết bị y tế; 464.827 sản phẩm mỹ phẩm các loại; 2.394 sản phẩm mỹ phẩm giả; 301 thiết bị, máy móc làm đẹp các loại.
703 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 960
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 960
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88320758